Nghiên cứu chống lại những cuộc tấn công mạng

Lê Thanh
Lê Thanh
28/12/2020 07:40 GMT+7

An ninh mạng hiện là vấn đề được quan tâm trên toàn cầu. Xuất phát từ điều đó, nhóm sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM đã có nghiên cứu để đem lại giải pháp an toàn, tăng cường an ninh mạng.

Đó là 5 sinh viên Trần Hữu Thanh Tâm, Cao Phan Xuân Quí, Đặng Hồng Quang, Phạm Quang Minh và Lê Khắc Tiến. Nghiên cứu đã xuất sắc giành giải nhất tại cuộc thi Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka 2020.
Đặng Hồng Quang nhìn nhận internet đã mang đến một cuộc cách mạng đa lĩnh vực với nhiều ứng dụng cấp thiết, tuy nhiên điều này lại dẫn đến những lo ngại về bảo mật và quyền riêng tư trên diện rộng của các cơ sở hạ tầng quan trọng. Việc Chính phủ ban hành luật An ninh mạng cũng đã cho thấy an ninh mạng trở thành một vấn đề cấp bách.
Chính vì thế, nhóm đề cập tới ngữ cảnh phát triển kiến trúc mạng thành phố thông minh. Trong kiến trúc mạng đó, những hệ thống này thường xuyên được kiểm tra, đánh giá để phát hiện và loại bỏ các cuộc tấn công mạng của hacker. Cả nhóm đã đưa ra ý tưởng và đề xuất bộ giải pháp bao gồm 2 phần.
Một là giải pháp tăng cường tính bền vững cho hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS) dựa trên phương pháp Học máy (Machine Learning) và Mạng sinh đối kháng (Generative Adversarial Networks, GAN) nhằm đảm bảo phòng chống tấn công, xâm nhập mức độ cao.
Hai là giải pháp xây dựng bộ khung điều tra pháp chứng dựa trên công nghệ  Blockchain giúp hỗ trợ quản lý, lưu trữ chuyển giao bằng chứng số giúp truy vết, điều tra khi có sự cố tấn công nhắm vào hệ thống mạng thông minh của thành phố dựa trên kiến trúc lập trình của Mạng định nghĩa mềm (Software Defined Networking, SDN).
Cao Phan Xuân Quí chia sẻ trong ngữ cảnh mạng thành phố thông minh với nhiều thiết bị IoT (Internet of Things), kiến trúc mạng định nghĩa bằng phần mềm SDN được đề xuất sử dụng với ưu thế quản lý tập trung… Theo nghiên cứu trên, những cuộc tấn công có chủ đích phát hiện được sẽ được ghi nhận lại toàn bộ hành vi dưới dạng log cảnh báo. Những dữ liệu này chính là bằng chứng kỹ thuật số phục vụ cho quá trình điều tra truy vết tội phạm công nghệ cao.
"Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và quyết định bộ giải pháp sẽ sử dụng công nghệ Blockchain Hyperledger Fabric nhằm quản lý, lưu trữ, chuyển giao, duy trì bằng chứng số một cách tự động và an toàn trong việc điều tra bằng chứng trên mạng máy tính", Phạm Quang Minh cho biết.
Thêm vào đó, bộ khung hỗ trợ quản lý và chuyển giao bằng chứng số tự động bước đầu được thiết lập thành công trên hệ thống Blockchain. Bộ khung nhận dữ liệu bằng chứng đầu vào. Dữ liệu được lưu trữ, xử lý xuyên suốt quá trình điều tra số của điều tra viên, những hành động thao tác với bằng chứng cũng được ghi nhận đầy đủ, chi tiết. Bộ khung đảm bảo được tính bảo mật, minh bạch, xác thực và khả năng kiểm toán cho các thành phần của bằng chứng số.
Với nghiên cứu này, Tâm cho biết đã thành công trong việc tăng cường đáng kể về sự an ninh trong mạng thành phố thông minh dựa trên kiến trúc SDN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.