‘Nghỉ tết lịch sử’ vì Covid-19: Xoay sở ‘giết’ thời gian, sinh viên nhớ Sài Gòn

19/02/2020 18:07 GMT+7

Kỳ nghỉ tết dài nhất trong lịch sử vì Covid-19 đang khiến nhiều học sinh, sinh viên ngao ngán. Tìm cách 'giết' thời gian với các công việc, nhiều bạn trẻ than 'nhớ Sài Gòn lắm rồi'.

Hoa khôi sinh viên mong Covid-19 qua mau

Nguyễn Thị Huy Vĩ, 21 tuổi, quê ở Kon Tum, sinh viên năm 3, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ nghỉ học vì covid-19 đã đảo lộn những kế hoạch mà bạn đã sắp xếp từ lâu: “Các kế hoạch giao lưu với sinh viên Trường ĐH Hiroshima, hay đi chơi cùng các bạn người Nhật Bản cũng như họp tình nguyện viên tháng 3 cùng các sinh viên Trường ĐH Waseda, Nhật Bản đều bị hoãn lại”.
Theo Vĩ, kỳ thi năng lực tiếng Nhật mỗi năm chỉ diễn ra vào ngày chủ nhật đầu tháng 7 và tháng 12, do Vĩ chỉ học ở trường ĐH, không học ở trung tâm nên thời gian này không tự học ở nhà, khó có thể đủ kiến thức để dự thi vào tháng 7 tới. “Tự học và cầu mong cho Covid-19 qua mau” là khẩu hiệu của không chỉ mình Vĩ.

Hà Vi tiếp tục công việc làm mẫu ảnh tại Đà Lạt

Ảnh NVCC

Lê Thanh Hà Vi, 18 tuổi, hoa khôi Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng tranh thủ thời gian nghỉ học này để thực hiện những dự án chụp ảnh cá nhân tại TP Đà Lạt quê hương mình. Hà Vi cũng như những người bạn của mình đều đang mong Covid-19 qua mau để mọi thứ trở lại bình thường, cô và mọi người trở lại giảng đường.

Trở lại TP.HCM làm thêm giữa mùa Covid-19

Nhiều bạn trẻ không về quê dù được nghỉ học vì Covid-19, họ trở lại TP.HCM để làm thêm, kiếm thêm thu nhập.
Huỳnh Thị Ngọc Diệu, 20 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, sinh viên năm 2, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết rằng đã quay lại Sài Gòn từ mùng 9 âm lịch. Diệu vừa ôn thi lấy chứng chỉ tiếng Nhật N3 đồng thời làm thêm công việc thu ngân tại tiệm phụ kiện trang phục cưới. Số tiền tiết kiệm này sẽ giúp Diệu có thể học tiếp TOEIC và đi du lịch cùng mọi người trong mùa hè.
Trần Kiều Anh, 20 tuổi, quê ở An Giang, sinh viên Trường ĐH Kinh Tế - Tài chính TP.HCM, không về quê khi nhà trường thông báo tiếp tục nghỉ học vì Covid-19 sau Tết Nguyên đán, bạn vẫn tiếp tục công việc toàn thời gian của mình trong vai trò thư ký trưởng tại công ty Saigon Vespa Tour, TP.HCM. Trong thời gian không lên giảng đường, Kiều Anh học thêm tiếng Trung cũng như bồi dưỡng thêm tiếng Anh.

Vĩ (trái) dành thời gian nghỉ học để học được nhiều thứ hơn

Ảnh NVCC

Hay như Phan Đình Long Nhật, 18 tuổi, sinh viên năm nhất Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã từ quê Quảng Bình trở lại TP.HCM để tìm kiếm công việc làm thêm. Nhật cho biết đã xin việc ở các tiệm cà phê cũng như cửa hàng ở gần nơi ở trọ. Mục tiêu xa hơn, Nhật muốn tìm các công việc lĩnh vực dịch thuật, hoặc công nghệ, năng lượng để làm thêm, điều này vừa ứng dụng được việc học trên trường, vừa có thu nhập ổn định.

“Em nhớ Sài Gòn”

Đó là tâm sự của nhiều bạn trẻ vẫn đang ở “kỳ nghỉ tết dài nhất lịch sử”. Nguyễn Như Ý, 19 tuổi, sinh viên năm hai Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, quê ở Đồng Nai cho hay, bình thường đi học thì muốn nghỉ, nhưng bây giờ nghỉ dài quá muốn được gặp bạn bè, cuối tuần đi đường sách, uống cà phê, nói chuyện bâng quơ.
Nguyễn Thị Lan Thanh, 20 tuổi, sinh viên năm 2, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, quê ở Bến Tre cũng chia sẻ “nhớ Sài Gòn”, nhịp sống hối hả, mọi thứ bận bịu. Tuy nhiên, nghĩ tích cực hơn, dịp nghỉ dài này cũng cho Thanh cơ hội được học thêm tiếng Anh và tiếng Nhật, học đàn, xem hết những bộ phim mà mình đã muốn xem từ trước, đọc nốt những quyển sách còn dở dang hay làm những điều đã lâu không làm, chẳng hạn như dậy sớm hơn, giúp mẹ đi chợ, nấu ăn…

Lan Thanh chia sẻ cô nhớ nhịp sống ở TP.HCM

Ảnh NVCC

Trần Thị Hằng, 19 tuổi, sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Không là nỗi nhớ Sài Gòn chung chung, tụi em nhớ nhịp sống ở thành phố này. Muốn hết Covid-19 mau để quay về nhịp sống cũ, với công việc, làm thêm, học thêm. Nhịp sống ở quê không phù hợp với lớp trẻ tụi em. Quê là nơi nghỉ dưỡng, tụi trẻ ở 1 tháng là vui, 2 tháng dần dần hết vui rồi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.