Nghị lực thép

21/05/2017 13:32 GMT+7

Nhiều người lính và gia đình của họ đang vượt qua mọi khó khăn vất vả đời thường để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền nơi địa đầu Tổ quốc. Đó thực sự là những tấm gương tỏa sáng nghị lực và ý chí thép.­

Ba mẹ con giữa “xóm Trường Sa”
TT.Mỹ Ca (TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) nằm ngoài cổng căn cứ quân sự Cam Ranh, thường được gọi là “xóm Trường Sa”, bởi đó là nơi sinh sống của vợ con bộ đội công tác ngoài Trường Sa. Căn nhà cấp 4 tạm bợ nằm gần QL1A là của ba mẹ con cô giáo Trương Thị Ngọc - giáo viên Trường THCS Nguyễn Hiền (H.Cam Lâm, Khánh Hòa).
Cô Ngọc là vợ của thượng úy Nguyễn Gia Khang (nguyên chiến sĩ đảo Trường Sa Đông, thuộc Lữ đoàn 146 - Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) đã mất tháng 4.2014 vì bệnh hiểm nghèo. Chồng mất, cô Ngọc bị khủng hoảng và khiến căn bệnh xơ cứng bì hệ thống tái phát nghiêm trọng. Đã vậy, cô còn phải chăm sóc cậu con trai út Nguyễn Đức Trung 6 tuổi mắc bệnh bại não, tự kỷ. Trụ cột gia đình dồn vào vai cậu trai cả Nguyễn Đức Thịnh.
Thời gian đầu, cô Ngọc gửi bé Trung về quê ở Nghệ An nhờ ông bà trông giúp. Sau thấy ông bà cao tuổi chật vật với cháu và nhớ con, Ngọc lại tất tả đưa con về lại Mỹ Ca, nửa ngày gửi con đi dạy, nửa ngày về trông. Khó kể lại những vất vả của người mẹ bệnh chăm đứa con tật, chỉ biết là sau vài tháng, Ngọc gầy rộc, các mạch máu căng mọng, tưởng như sắp vỡ. “Xót xa nhất là mỗi khi có người đến thăm, thằng bé nhoài người đòi bế và luôn miệng gọi bố, bố”, Ngọc nói và bật khóc: “Thời gian ở trong bờ, cứ về nhà là anh Khang bế ẵm chăm sóc thằng bé nên nó quen”.
Gia đình ở gần nên đại tá Ngô Văn Cải (thời điểm 2014 là Lữ đoàn trưởng 146 - Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) rất thông cảm hoàn cảnh 3 mẹ con cô Ngọc. Do thượng úy Khang mất vì bạo bệnh, không được hưởng chế độ liệt sĩ nên cứ có đoàn khách nào vào thăm đơn vị, tìm hiểu đời sống hậu phương bộ đội Trường Sa là đại tá Cải kể chuyện 3 mẹ con và đề nghị giúp đỡ, động viên.
Trung tá Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Trưởng ban Chính sách Lữ đoàn 146, kể: Nhiều anh em trong đơn vị có hoàn cảnh khó khăn, nhưng khi quyên góp giúp đỡ gia đình Khang, mọi người đều nhiệt tình hưởng ứng, thậm chí còn dành nhiều sự trợ giúp cho 3 mẹ con, tuyệt không ai thắc mắc, so bì.
Nhờ tình đồng đội của chồng đã giúp cô Ngọc vững tâm nuôi 2 con mạnh khỏe, dần không phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác. Ở nơi dạy học, các thầy cô đều đăng ký dạy thêm tiết thay cho Ngọc để cô có thời gian đưa bé Trung đi bệnh viện chữa trị dài ngày hoặc chậm giờ lên lớp do gửi con.
Mỗi ngày, cả Thịnh và mẹ Ngọc kiên nhẫn uốn nắn từng bước đi, động tác ngồi cho Trung giờ đã không còn lơ ngơ như hồi bố mất. “Em phải nuôi cháu mạnh khỏe để không phụ lòng trao gửi của chồng và sự giúp đỡ, động viên của đơn vị, mọi người”, Ngọc nói và rắn rỏi: “Đồng đội của anh Khang ngoài đảo kỳ vọng vào mẹ con em. Ngã lòng buông xuôi là có tội với bộ đội”.
Vợ chồng trung úy Ngô Trường Vũ trong căn nhà tôn thuê tạm
Mái nhà tôn ven bờ sông Ông Đốc
Ngô Trường Vũ (33 tuổi) là trung úy quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên thông tin cơ yếu của Đồn biên phòng 692 - Sông Đốc (Cà Mau). Nhà bao năm làm ruộng nên khi Vũ cưới cô giáo Phạm Thị Yêm, bố mẹ chỉ cho được ít tiền giúp vợ chồng trẻ thuê nhà trọ cạnh đồn. Cô giáo Yêm dạy môn giáo dục công dân ở Trường THCS Lợi An 2, cách nơi ở gần 40 km, mỗi ngày 2 lần đi về tròn 75 km trên con đường lổn nhổn đá, mưa thì sình lầy. Nói đến cô Yêm, các lứa học sinh học qua Trường Lợi An 2 đều nhớ bởi cô thường lên lớp với đôi mắt đẫm nước. Tò mò hỏi lý do, Yêm ngượng nghịu: “Đường khó đi, hơi tí là ngã, đau quá nên em bật khóc”.
Gần 10 năm dạy học, cô Yêm vẫn thuộc diện hợp đồng lao động hưởng 30% phụ cấp nên lương tháng chỉ 2,7 triệu đồng; lương của Vũ 6,8 triệu đồng, vừa đủ nuôi 2 vợ chồng, con trai Ngô Thiên Đức 4 tuổi và trả tiền thuê nhà, điện, nước. Căn nhà 2 vợ chồng đang thuê làm bằng tôn cũ kỹ, cứ mưa gió là kêu cành cạch như tiếng máy tàu.
Quy định của Bộ đội biên phòng Cà Mau là dù nhà cạnh đồn, cán bộ chiến sĩ cũng chỉ được 2 ngày đêm về thăm gia đình nên những ngày nước lớn, mưa gió ào ạt, trung úy Vũ cũng chỉ còn cách gọi điện động viên vợ kê cao giường tủ, bê xô chậu hứng nước mưa dột. Những hôm đi làm về muộn, Vũ xin phép chỉ huy đón con từ lớp học đưa về đồn, chờ mẹ qua đón... Nhiều người thấy hoàn cảnh của 2 vợ chồng quá vất vả, bảo bỏ nghề về buôn bán còn kiếm khá hơn nhưng cô giáo Yêm lắc đầu: “Học sinh ở quê tuy nghèo nhưng dễ thương và quý mến cô giáo, bỏ đi chịu không nổi!”.
Anh em trong Đồn biên phòng 692 - Sông Đốc kể: Vũ tiết kiệm từng đồng, thậm chí không dám tham gia các cuộc liên hoan để dành tiền dựng một mái nhà. Hỏi chuyện, Vũ ngượng nghịu: “Em dựng nhà mái lá cũng được, cốt là ở nơi vợ chồng đã gắn bó gần 10 năm và coi là quê hương thứ hai” và trầm giọng: “Vất vả gian nan đâu bằng người dân. Vợ chồng bộ đội - giáo viên, cũng mong giúp cho đất nghèo này đỡ khổ”...
Ba mẹ con cô giáo Trương Thị Ngọc
Chiếc gối trẻ con trên tàu 609
Nguyễn Trung Thành (29 tuổi, quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là trung úy quân nhân chuyên nghiệp trên tàu 609 (Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân). Thành nhập ngũ năm 20 tuổi, biền biệt theo những chuyến tàu vận tải quân sự, trực canh ngoài Trường Sa - nhà giàn DK1...; mấy năm sau mới kết hôn với cô giáo Vũ Thị Kim Thanh dạy ở Trường mầm non Kỳ Giang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Năm 2013, Thành nhảy tưng tưng trên boong tàu đang trực ngoài Trường Sa khi biết tin vợ mang song thai. Tháng thứ 8 vợ sắp sinh, Thành xin nghỉ phép về nhà nhưng vừa về lại phải trở lại đơn vị để theo tàu đi làm nhiệm vụ dài ngày trên biển.
Do sức khỏe yếu nên cô giáo Thanh ra nằm ở Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh chờ sinh vì bác sĩ động viên "hai cháu rất khỏe mạnh, cứ yên tâm chờ đủ ngày tháng sinh". Chỉ 10 ngày sau, bệnh viện phải mổ cấp cứu do không nghe được tim thai và
1 bé trai đã mất trong bụng mẹ. Vợ chồng Thành vẫn giữ nguyên tên cháu Nguyễn Hữu Đỗ Châu, sinh và mất cùng trong ngày 26.12.2013. Cậu em Nguyễn Vũ Đăng Khôi tưởng sẽ được hưởng phần khỏe mạnh của anh, nhưng càng lớn càng bất thường, khi đi khám, vợ chồng chết đứng khi biết con mắc bệnh bại não, liệt cơ cứng, động kinh...
Gần 4 năm là quãng thời gian cả gia đình chạy như đèn cù: Hà Tĩnh - Hà Nội - TP.HCM - Vũng Tàu và Thành chỉ đỡ đần phần nào khi tàu cập bờ, còn lại đều nhờ cô giáo Thanh, với đứa con u ơ - vật vã trong tay. Hè năm rồi, tàu 609 nằm bờ sửa chữa sau mấy tháng trời trực ngoài biển, cô giáo Thanh líu ríu ôm Khôi từ Hà Tĩnh vào Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM chữa trị, cuối tuần bố Thành xin nghỉ, từ Vũng Tàu chạy lên với 2 mẹ con.
Xong 1 tháng trời điều trị, trung úy Thành đưa vợ con về gần nơi tàu đang sửa chữa, thuê căn phòng trọ hơn 10 m2 để chăm sóc 2 mẹ con, bởi bao năm bộ đội anh chỉ có chiếc giường đơn dưới tàu. "Tháng nào bố cháu cũng gửi hết tiền lương hơn 6 triệu đồng về cho em nuôi cháu, chỉ giữ lại 200.000 - 300.000 đồng để tiêu vặt. Nói để dành mấy đồng mà đi uống nước với anh em đơn vị, bố cháu đều nói: Suốt ngày trên biển, tiêu pha gì mà mẹ phải lo?", cô giáo Thanh lau nước mắt kể và thở dài: “Thu nhập vợ chồng gần 10 triệu đồng, chỉ đủ tiền mua thuốc điều trị cho cháu và nuôi bố mẹ 70 tuổi. Hằng ngày đi dạy, buổi trưa nào cũng tranh thủ về bởi thương con cả ngày nằm u ơ, bất động”.
Tôi lên tàu 609, thấy Thành đang ôm chiếc gối trẻ con, thành thực: “Đi ngủ ôm chiếc gối như ôm con” và chậm rãi: "Em mất con, rất buồn. Nhưng đến giờ thì cũng nguôi ngoai vì có bức xúc cũng chẳng để làm gì, họ có ẩu cũng là con người, có vợ có con. Chỉ mong lần sau họ đừng tắc trách vậy, mà gia đình khác đau xót". Thanh thì bảo: "Em vất vả quen rồi, chỉ sợ anh ấy ngoài biển tâm tư, ảnh hưởng công việc" và ước: "Giá gia đình ở gần nhau thì cháu sẽ tập tành nhanh hơn". Tôi mong điều ước này sẽ thành sự thật, để chất "thép" trong gia đình này không bị xa cách - đơn côi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.