Nước mắt cô nữ sinh khi nghĩ đến đường vào đại học…

Lê Thanh
Lê Thanh
16/07/2020 07:02 GMT+7

Có một nữ sinh đã rất nhiều lần phải khóc khi nghĩ đến viễn cảnh con đường học vấn có thể phải dở dang, dù rằng cô học rất giỏi.

Đó là ước mơ của nữ sinh Bùi Thị Anh Thư, học sinh lớp 12A6 Trường THPT An Nghĩa (H.Cần Giờ, TP.HCM), bởi tai nạn giao thông đã khiến cuộc sống gia đình Thư xáo trộn hoàn toàn.

Ước gì đừng có tai nạn giao thông…

5 năm trước, trên đường đi làm phụ hồ về, cha Thư gặp tai nạn, để rồi từ một người từng là thợ cả, đảm trách nhiều công trình xây dựng lớn, là trụ cột của gia đình… giờ phải nằm một chỗ, gần như bất động. Ông không thể tự ăn uống, đôi mắt chỉ còn một con, nhưng cũng chỉ nhìn thấy ánh sáng yếu ớt; máu vẫn còn tụ trong đầu. Cuộc sống gia đình vốn dĩ đã nghèo càng trở nên bế tắc và bi đát hơn sau biến cố.
Sau những lần phẫu thuật để cố gắng giành lại sự sống cho cha, bao nhiêu tiền chắt bóp dành dụm lần lượt ra đi. Để rồi từ đó, sự khốn khó của gia đình đè nặng lên đôi vai mẹ Thư, bà Phạm Thị Bông (42 tuổi).
Hằng ngày bà Bông làm tạp vụ cho Trường tiểu học Tam Thôn Hiệp, lương chỉ 3.520.000 đồng. Đó cũng là nguồn thu nhập duy nhất của cả gia đình. Khoản tiền ấy vừa lo thuốc thang cho cha Thư, vừa lo cho 4 miệng ăn, lo cho hai chị em Thư ăn học…

20.000 đồng và con cá chia đôi…

Sở dĩ bà Bông nhớ chính xác số lẻ 20.000 đồng trong mức lương của mình, vì với bà cũng như gia đình, 20.000 đồng là một số tiền lớn, thậm chí rất lớn, vì đủ để đi chợ mua thức ăn trong một ngày.
Và 20.000 đồng, cũng chính là số tiền công mà nữ sinh Thư nhận được sau mỗi ngày nhận quai dép về làm thêm.
Thư kể, những ngày nghỉ học, cô tìm những cơ sở sản xuất dép để nhận quai dép về làm thêm. “Mỗi ngày làm đủ số lượng người ta giao thì em được 20.000 đồng tiền công”, Thư kể. Chúng tôi đã phải hỏi lại về số tiền công mà em nhận được sau suốt một ngày ngồi tỉ mỉ đan từng quai dép. “Dạ, là 20.000 đồng ạ”, nữ sinh Thư trả lời trong sự ngỡ ngàng của chúng tôi.
Có nhiều thời điểm không có quai dép để làm, Thư tìm kiếm chỗ bán cá xin phụ làm cá để kiếm tiền. Mỗi ngày Thư dậy từ tờ mờ sáng, làm cá đến khoảng 9, 10 giờ, nhận được 25.000 đồng tiền công...
Còn những khi Thư và em gái đi học, không thể nhận việc để làm thêm, thì mọi trang trải chi tiêu trong gia đình chỉ mỗi bà Bông lo. Nhưng tiền lương đến tháng mới được nhận, nên tháng nào cũng vậy, có nhiều ngày cả gia đình rơi vào tình cảnh “ăn trưa mà lo tới bữa tối”. “Có bữa ăn trưa chỉ có mỗi con cá. Cả nhà nhìn nhau, rồi chỉ dám ăn nửa con, nửa con để dành cho bữa ăn tối”, bà Thơm nói mà ứa nước mắt.

“Em muốn được đi học !”

Trước hoàn cảnh khó khăn này, một năm trước Ban An toàn giao thông TP.HCM đã hỗ trợ sửa chữa nhà cho gia đình bà Bông. Kể từ đó, cả nhà thoát được cảnh đang ngủ mà phải “chạy mưa” vì dột, hay ngủ mà nơm nớp lo… nhà bị sập.
Thế nhưng, cái nghèo cái khổ vẫn bủa vây gia đình bà. Và có lẽ, tận cùng của sự nghèo khổ này, là việc gần nửa năm nay, bà Bông phải nói với Thư: “Thôi, con nghỉ học đi. Kiếm chỗ công ty nào làm kiếm tiền. Chứ nhà mình nghèo quá. Con nghỉ học, để nhường cho em con đi học”.
Mỗi lần như vậy, Thư lại khóc hết nước mắt, xin mẹ được tiếp tục học. “Em muốn được đi học”, nữ sinh này khóc khi nói về ước mơ của mình.
Thư năm nay 18 tuổi nhưng cân nặng chưa đầy 40 kg. Lại phải lo toan nhiều thứ cùng mẹ để gánh vác, lo cái ăn cho gia đình nên cô thường xuyên đau bệnh. Từ suy nhược cơ thể đến đau đầu, thiếu chất… khiến Thư như ngày càng quắt lại.
Mọi sự giúp đỡ, xin gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước.
Nội dung ghi: Giúp đỡ em Bùi Thị Anh Thư, học sinh lớp 12A6 Trường THPT An Nghĩa, H.Cần Giờ, TP.HCM.
Chúng tôi sẽ chuyển đến em Thư trong thời gian sớm nhất.
Và mỗi lần bị bệnh, phải đi bệnh viện thì Thư mới biết đến trung tâm thành phố, mới được thấy những tòa nhà cao, những hàng quán sang trọng… Bởi suốt 18 năm qua, cô chỉ thấy những con kênh rạch cạnh nhà, chỉ biết đối diện với cuộc sống kham khổ, cơ cực. Thư cũng chưa từng một lần được diện váy, quần áo đẹp để xúng xính với bạn bè. Những thứ Thư mặc đều là đồ người khác thương tình cho, tặng.
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thư dự định đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, và sẽ lựa chọn ngành kế toán. Thư nói: “Ước gì em được đi học nữa, được học đại học, sau đó ra trường có việc làm để phụ giúp mẹ nuôi cha và gia đình, lo cho em gái”.
Nhưng chúng tôi canh cánh lo rằng cái nghèo khổ đang bủa vây có thể khiến ước mơ của nữ sinh này sẽ bị trì hoãn…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.