Nghe tin con chào đời khi ở Trường Sa

Trung Hiếu
Trung Hiếu
10/03/2018 08:42 GMT+7

Chuyến tàu 571 từ Trường Sa về đất liền mới đây (hồi cuối tháng 1.2018) đem lại niềm vui cho trung úy Tống Văn Tùng (công tác tại đảo Song Tử Tây) khi lần đầu được thấy con trai sinh ra trong lúc anh không có ở bên.

"Bố ơi, mẹ đẻ em bé rồi"
Sự hồi hộp, mong chờ lần đầu tiên được gặp con trai thể hiện rõ trong từng cảm xúc của anh Tùng. Cứ mỗi lần tàu ghé các đảo có sóng điện thoại, anh Tùng lại cầm điện thoại "vớt vát chút sóng" để có thể trò chuyện với vợ và nghe được tiếng “oe oe” của cậu con trai yêu. Nỗi mong chờ được gặp con trai khiến những ngày trên tàu, giấc ngủ của anh chập chờn, không ngon. Đến bây giờ đời quân ngũ của anh Tùng hầu như gắn bó với Trường Sa: Năm 2005 - 2007 công tác ở đảo Sơn Ca, năm 2007 - 2008 ở đảo Đá Tây A, năm 2009 - 2010 ở đảo Len Đao. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Len Đao, trung úy Tùng công tác ở đất liền 1 năm và sau đó gần 5 năm lại lênh đênh trên biển khi được phân về tàu 996 gắn bó với rất nhiều hải trình đi Trường Sa.
Anh Tùng cho hay lập gia đình năm 2011. Trước khi nhận công tác ở Song Tử Tây vào tháng 12.2016, vợ chồng anh có một bé trai 4 tuổi tên là Tống Bảo Nam. Vì vậy trước khi ra đảo, vợ chồng thống nhất sẽ “kiếm” em cho con, nhưng trước khi ra đảo vẫn chưa hoàn thành “nhiệm vụ”. Tới khi ở đảo chừng 2 tuần, anh Tùng được vợ báo tin vui. Đến tháng 8.2017 vợ anh sinh một cậu con trai chắc nịch, nặng tới 3,7 kg đặt tên là Tống Hiển Long.
“Vợ mình sinh lúc 8 giờ tối. Dịp đó đơn vị đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu nên mọi người ở dưới hầm. Sau khi vợ sinh một lúc thì con trai lớn 6 tuổi lấy điện thoại của mẹ điện báo 'bố ơi, mẹ đẻ em bé rồi'. Tâm trạng mình lúc đó cứ lâng lâng lạ lắm, chỉ biết chia sẻ với đồng đội. Sáng hôm sau, anh em làm một cái tiệc nho nhỏ ở dưới hầm với nước ngọt để chúc mừng. Đến giờ sau khi có con mấy tháng, mới chỉ thấy con qua ảnh mà vợ gửi. Cho nên dù đi đảo và xa gia đình nhiều nhưng chuyến về đất liền lần này hồi hộp lắm. Con trai mong bố về từng ngày, còn bố cũng mong gặp con từng phút từng giây", anh Tùng nói và cho biết muốn sớm về nhà để được tự tay chăm sóc vợ con bởi cả hai đứa con khi sinh ra, anh đều không ở bên cạnh vợ. Khi vợ sinh con trai đầu, anh Tùng đang theo tàu làm nhiệm vụ trên biển mãi một thời gian sau mới về nhà.
Đại úy Kỳ (hàng thứ 2, đội mũ lưỡi trai) đang lái xuồng đưa đoàn ra vào đảo Ảnh: Trung Hiếu

Chờ chồng về đặt tên con
Có lẽ với các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ liên quan tới việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là ở Trường Sa, trong cuộc đời ít nhất một lần nhận được tin vợ sinh con qua điện thoại hay thư từ. Hôm ở đảo Sơn Ca, chúng tôi được nghe trung tá Phạm Văn Tuất kể năm 1997, khi làm nhiệm vụ ở đảo Nam Yết, con gái sinh được hơn 4 tháng anh mới hay tin sau khi nhận được thư của gia đình. Hiện con gái anh Tuất đã học năm 2 đại học ở Hà Nội.
Trường hợp “nghe tin con chào đời khi ở Trường Sa” gần đây nhất có lẽ là đối với đại úy Ngô Đình Kỳ (30 tuổi), thuyền phó tàu 571. Anh Kỳ nhận được tin vợ sinh khi đang ở đảo Nam Yết, trong chuyến đưa đoàn công tác thay quân và chúc tết ở Trường Sa vào dịp cuối tháng 1.2018. Anh Kỳ tâm sự trước chuyến công tác cũng muốn xin đơn vị nghỉ phép ở nhà chăm sóc vợ. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ phân công, chưa kể gần đây tàu 571 được tăng cường nhiều người mới nên anh Kỳ phải có mặt để điều hành chuyến hải trình đảm bảo tốt nhất. Những ngày ở Trường Sa, ngoài việc chỉ đạo tình hình chung trên tàu, đại úy Kỳ thể hiện là người lái xuồng cự phách khi trực tiếp cầm lái đưa xuồng vượt sóng lớn cuối năm từ tàu ra vào đảo an toàn.
“Trước chuyến đi, biết vợ sắp sinh nên tôi cũng sắp xếp mọi thứ, rồi có ông bà nội ngoại phụ giúp nên cũng bớt lo. Tuy vậy, khi được báo tin vợ sinh, vừa vui vừa hồi hộp lắm. Giờ mẹ tròn con vuông rồi nhưng vẫn cứ hồi hộp không biết con hình hài thế nào, tóc nhiều hay ít. Trước đó vợ chồng dự tính chọn vài cái tên để đặt cho con nhưng vợ bảo phải chờ chồng về mới cùng nhau chọn tên cho con gái. Sau khi hải trình kết thúc, tôi sẽ xin đơn vị nghỉ phép một tuần để ở nhà chăm sóc vợ với con gái yêu", anh Kỳ chia sẻ.
Nhận tin không vui khi ở đảo xa
Không chỉ niềm vui mà nỗi buồn còn đến khi các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đảo xa. Trong chuyến công tác ra chúc tết quân và dân Trường Sa vào tháng 1.2018, khi tàu 571 xuất phát được vài ngày, ông Bùi Đình Dương, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, nhận được tin bố vợ mất. Gần 20 ngày của hải trình, ông Dương cố nén nỗi buồn để làm tốt vai trò trưởng đoàn ra thăm và làm việc ở Trường Sa.
Thời gian ở đảo Đá Tây A, trung úy Tống Văn Tùng nhận tin bố mẹ qua đời trong vụ tai nạn ô tô ở Diễn Châu (Nghệ An) sau khi đi dự đám cưới con gái ở Đắk Lắk trở về bắc. Sau đó hơn một tuần, anh Tùng mới xin theo tàu trực từ Trường Sa trở về đất liền chịu tang bố mẹ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.