Nghệ thuật với… container

08/10/2017 09:10 GMT+7

Có những điểm đến nghệ thuật đang dần trở thành điểm hẹn cuối tuần của người trẻ. Ở đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, thư giãn mà còn đưa người trẻ đắm mình vào không gian nghệ thuật, được gặp gỡ và làm quen với những người có cùng đam mê.

Điểm nhấn...
Chiều cuối tuần, ở TP.HCM nghe người trẻ rủ nhau đi xem nghệ thuật múa đương đại. Thấy ngạc nhiên vì thông thường sẽ dẫn nhau ra hồ Con Rùa, dạo đường sách Nguyễn Văn Bình hay phố đi bộ Nguyễn Huệ... nhưng hôm nay lại rủ nhau qua Q.2 xem múa.
Theo chân họ mới biết hóa ra là ở đây có một trung tâm nghệ thuật hấp dẫn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Thoáng nhìn đã có thể nhận định được là nơi dành riêng cho người trẻ. Những chiếc thùng container được sắp đặt ngang dọc tưởng như không theo một bố cục nào nhưng thực ra đấy chính là điểm nhấn. Và người trẻ ví nhau rằng, giống tuổi trẻ của họ, thích phá cách, có phần hơi bướng bỉnh nhưng rất cuồng nhiệt và năng động. Đấy là Trung tâm nghệ thuật The Factory Contemporary Arts Centre (15 Nguyễn Ư Dĩ, Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) do cô gái trẻ Thủy Nguyễn thành lập.
The Factory có không gian ấn tượng với nhiều hình khối, màu sắc được sắp xếp theo những bố cục phá cách. Không gian hai tầng được bao phủ bởi những thùng container, cầu thang lên xuống cũng được thiết kế bằng container thu hút sự tò mò và hiếu kỳ của người trẻ. Tất cả đều được trang trí bằng nghệ thuật vẽ graffiti bắt mắt.
Với tổng diện tích khoảng 1.000 m2, gồm trung tâm triển lãm nghệ thuật lớn, thư viện miễn phí, phần còn lại có quán cà phê và nhà hàng container, phục vụ các món ăn từ nguyên liệu organic. Và có cả những không gian riêng phục vụ cho các hoạt động chia sẻ, lớp học nhỏ, không gian làm việc nhóm.

tin liên quan

Ghé quán cà phê cổ xưa thời thập niên 80 giữa Sài Gòn thanh vắng trước Tết
Nằm trên con đường khá yên tĩnh, quán cà phê Nhà Mình 80S là điểm đến thú vị cho những ai muốn tìm về chút vàng son xưa cũ với những ký ức thân thương toát ra từ cách bài trí đơn giản và mộc mạc đến những món đồ của một ngôi nhà Sài Gòn những năm 1980 như tủ, máy cát sét, đèn dầu, tách trà...

Cuối tuần người trẻ có thể ghé đây gặp gỡ bạn bè, thưởng thức một ly cocktail xế chiều, hay tận hưởng một tách cà phê sữa đá đúng vị rồi “tự sướng” cùng với những mô hình container độc đáo. Và cũng không quên dành thời gian tham quan các tác phẩm nghệ thuật trong không gian triển lãm rồi trầm trồ: “Ôi! Đẹp quá”, hay chợt thấy mình trong những buổi tọa đàm về chủ đề đời thường của người trẻ…
“Ý tưởng này là hoàn toàn mới và chưa từng được khởi xướng ở VN trước đây. Với không gian những buổi triển lãm và biểu diễn cũng như học tập về nghệ thuật, chúng tôi hy vọng phản ánh tính sáng tạo, phản biện của quang cảnh nghệ thuật đương đại VN và mang nó đến gần hơn với người trẻ”, Lê Thiên Bảo, thành viên của The Factory, chia sẻ.
Triển lãm vào sách và sách thành triển lãm
Cũng với mong ước đưa nghệ thuật gần hơn với đời sống, với người trẻ, chàng trai Đặng Thành Long đã cho ra đời tiệm sách nghệ thuật Inpages (4 Lê Văn Miến, Q.2, TP.HCM).
Cuối tuần tiệm sách nghệ thuật lúc nào cũng đông người trẻ
Với niềm đam mê nghệ thuật, Long cùng nhóm bạn bắt tay làm dự án sách nghệ thuật Saigon Artbook. Bởi theo nhóm tác giả, sau những buổi triển lãm, thông thường các tác phẩm nghệ thuật sẽ thường bị lãng quên hay nhóm ví đó như những tác phẩm “chết”. Chính vì thế, Long muốn mang cả một buổi triển lãm vào trong sách và biến sách thành những buổi triển lãm, nơi mà những tác phẩm nghệ thuật sẽ được sống mãi.
Và thế là cứ 3 tháng một lần, nhóm 3 người trẻ này lại tung ra một cuốn sách gói trọn các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ và sau đó phát miễn phí cho người trẻ.
Trong quá trình làm sách, Long nhận thấy cũng có rất nhiều bạn trẻ hay nghệ sĩ trẻ có đam mê làm sách nghệ thuật nhưng không có nơi để trưng bày và giới thiệu đến độc giả. Chính vì thế tiệm sách nghệ thuật ra đời.
Tại đây, bạn có thể tìm thấy đủ loại sách ở tất cả các chủ đề có liên quan đến nghệ thuật. “Mình mở rất nhiều cửa cho các loại hình sách nghệ thuật khác nhau, không chỉ có tranh vẽ mà còn có nhiều loại hình khác. Và tất cả ở đây đều là nghệ thuật đương đại, để gần gũi với người trẻ”, Long chia sẻ.

tin liên quan

'Tụi con bán sữa'

'Tụi con nấu sữa, tụi con bán sữa tụi con nấu', 'sữa nấu mỗi ngày, mai uống nữa nha',… là những câu chào mời dễ thương của nhóm sinh viên bán sữa mỗi sáng.

Ở đây, mọi người không chỉ được thưởng thức những loại sách nghệ thuật thuộc dạng độc và lạ mà còn được các bạn trẻ mê nghệ thuật nhiệt tình hướng dẫn, giải thích cặn kẽ về từng thể loại nghệ thuật. Rồi được đắm mình vào những buổi triển lãm hay hội thảo về nghệ thuật, được học vẽ, học về hội họa từ những nghệ sĩ trong và ngoài nước. Bên cạnh đó còn có những buổi giao lưu nghệ sĩ hay chiếu phim để tạo thành một điểm đến thú vị cho người trẻ vào mỗi cuối tuần.
Đến tiệm vào một ngày cuối tuần, hôm đó có triển lãm ảnh của 15 bạn trẻ là những nhiếp ảnh gia của VN và Indonesia. Các bạn ngồi thành nhóm vài ba người, giải thích cho nhau nghe tấm hình này đẹp như thế nào, quyển sách kia độc đáo ra sao. Nhiều bạn ngạc nhiên đến nỗi phải thốt lên vì thấy được cả đường phố TP.HCM đông đúc mỗi ngày mình đi tự nhiên nằm gọn trong trang sách. Và đúng như mục đích mà dự án Saigon Artbook đã từng hướng đến: “Để TP.HCM thành nơi mà ai cũng tìm thấy một phần của đời mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.