Nghề 'săn' người giỏi

Thúy Hằng
Thúy Hằng
21/09/2018 07:16 GMT+7

Đã qua rồi thời nhà tuyển dụng chỉ việc ngồi yên để ứng viên chạy tới, ngày nay những người tuyển dụng phải biết nhiều cách thức khác nhau để mời được người giỏi về, nếu không muốn công ty của mình tụt hậu.

Nhiều bạn trẻ nhờ sự học hỏi và nắm bắt thông tin nhanh nhạy đã và đang gặt hái được nhiều thành công với nghề “săn” người giỏi.
Đúng người, đúng việc, đúng thời gian
Một ngày của chị Jennifer Thanh Phạm (35 tuổi), Trưởng bộ phận tuyển dụng và thu hút nhân tài, Navigos Group (tập đoàn chuyên về tuyển dụng), thường bắt đầu bằng một danh sách dài các email mà ứng viên gửi đến cô cần đọc trước và chọn lọc người tài, gửi cho sếp duyệt.

“Công việc quen thuộc với chúng tôi là đăng tin tuyển dụng, chờ CV (hồ sơ lý lịch) của ứng viên, sàng lọc và trình sếp những CV tốt, sắp xếp lịch phỏng vấn, tham gia phỏng vấn với các ứng viên. Trước khi phỏng vấn, người tuyển dụng cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng công việc mà ứng viên sẽ làm trong tương lai, có thể là giám đốc marketing, giám đốc kỹ thuật, bếp trưởng nhà hàng... để đưa ra những câu hỏi cần thiết nhất. Ngày nay lao động có nhiều lựa chọn hơn khi công ty mọc lên như nấm, nếu không có chính sách thu hút và giữ chân nhân tài, thì nhân tài sẽ tự động rời bỏ”, chị Jennifer Thanh Phạm chia sẻ.
Tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, ngay sau khi ra trường, làm việc cho một tập đoàn xe hơi của Nhật Bản, chị Jennifer Thanh Phạm đã nhận ra mối quan tâm hơn cả về ngành tuyển dụng - quản trị nhân sự. Chị nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng mà người làm nghề tuyển dụng cần nhớ: đúng người - đúng việc - đúng thời gian.
“Làm sao có thể tuyển được đúng một người hội tụ đủ năng lực, có thể làm tốt công việc và trong đúng lúc cần, đó luôn là áp lực cho nhà tuyển dụng. Bởi nếu tuyển dụng chậm trễ, không có người làm, ảnh hưởng chung đến năng suất công việc của cả công ty, tập đoàn”, chị nói.
Còn chị Vũ Thị Ngọc Diễm (27 tuổi), nhân viên nhân sự, Công ty cổ phần du lịch dịch vụ Sao Hạ Long (TP.Hạ Long, Quảng Ninh), cho hay: “Thời điểm trước Tết Nguyên đán bao giờ cũng khó tuyển người hơn cả. Vì người lao động có xu hướng không nhảy việc lúc này để chờ các chế độ phúc lợi, do đó khi cần tìm người nếu mình thiếu là rất khó”.
Một yêu cầu tưởng dễ mà rất khó, với nghề “săn” người giỏi, đó là đăng thông tin tuyển dụng sao cho bài viết thật hấp dẫn, nhiều người muốn đọc và chia sẻ, tiếp cận được người đang cần việc. Ngoài việc đăng lên một số website tuyển dụng quen thuộc như: Vietnamworks, Linkedin, Vieclam24h..., người tuyển dụng cũng phải vận dụng Facebook cá nhân, fanpage do mình tự tạo, mối quan hệ mình có, làm sao để có thể tìm được đúng người - đúng việc - đúng thời gian.
“Những người đi săn người giỏi ngoài mối quan hệ rộng, cũng không thể thiếu một mạng lưới những người cùng làm tuyển dụng giống mình, để có thể giới thiệu lẫn nhau những ứng viên tiềm năng trong thời điểm cần thiết. Đồng thời, người tuyển dụng ngày nay cần trang bị sẵn hệ thống dữ liệu về ứng viên càng nhiều và chi tiết càng tốt. Ví dụ hôm nay có một CV đẹp nhưng chưa cần thiết, bạn hãy lưu nó lại, sẽ có lúc bạn gọi đến họ”, chị Diễm nói.
Lắng nghe và thấu hiểu
Chị Jennifer Thanh Phạm đánh giá nghề tuyển dụng sẽ “hot” hơn trong tương lai, bởi những giá trị mà nghề đem lại: “Tôi đánh giá công việc này rất nhân văn, vừa giúp người giỏi tìm được đúng nơi họ có thể tỏa sáng, vừa giúp công ty có thể lớn mạnh hơn. Ngoài thu nhập tốt, có vốn kiến thức lớn về mọi lĩnh vực, gặp gỡ nhiều người giỏi, nếu giỏi tiếng Anh bạn sẽ có cơ hội được làm trong những tập đoàn nước ngoài lớn với chế độ phúc lợi tốt”.
Chị Đoàn Thị Tươi (27 tuổi), cựu nhân viên phòng nhân sự, Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Bảo Minh (Hà Nội), cho hay không nhất thiết phải tốt nghiệp đúng chuyên ngành quản trị nhân sự, bạn trẻ mới có thể làm công việc tuyển dụng. Mỗi người tuyển dụng cần hội tụ những kỹ năng như kỹ năng tư duy, phân tích, nhạy bén, có thể nhận biết, đánh giá một người trung thực hay không qua cử chỉ, cách họ trả lời phỏng vấn, kiểm tra thông tin trên CV qua các nguồn thông tin khách quan...
Chị Vũ Thị Ngọc Diễm cho rằng công việc của người tuyển dụng không chỉ là tìm được người giỏi, sau đó còn lắng nghe, chia sẻ với họ về công việc, mối quan hệ với sếp - đồng nghiệp, chế độ đãi ngộ phù hợp chưa... để kịp thời điều chỉnh, nhằm giữ được người tài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.