Nghề huấn luyện chó nghiệp vụ: Lắm thú vị nhiều hiểm nguy

13/05/2009 14:14 GMT+7

(TNO) Được chăm sóc kỹ lưỡng về dinh dưỡng, sức khỏe; được yêu thương như bạn của con người, đó là những chú chó vệ sĩ. Và nghề huấn luyện chó vệ sĩ là một nghề thú vị, nhưng khá nguy hiểm...

Mỗi ngày, những người làm nghề huấn luyện chó vệ sĩ thường phải thực hiện hai buổi huấn luyện, một bắt đầu lúc sáng sớm và một vào lúc xế chiều.

 Anh Thành cho chó khởi động trước khi vào buổi huấn luyện

Mở đầu buổi huấn luyện luôn là là những động tác bắt buộc như: chào và khởi động. Khi khẩu lệnh vừa phát ra, các chú chó đang nằm yên bật dậy, răm rắp thực hiện các động tác cơ bản theo hướng dẫn của huấn luyện viên (HLV), như: bò, trườn, chạy, nhảy, đi cầu khỉ, chui vô rọ hoặc lao theo một đồ vật mà huấn luyện viên tung ra.

Theo mỗi cử chỉ của HLV, các "học viên" sẽ có những động tác tương ứng. Bàn tay HLV xòe ra tức yêu cầu "học viên" ngồi; khi HLV đưa bàn tay ngang, "học viên" phải nằm; hay khi bàn tay dựng cao thì "học viên" phải chào...

Sau 15 phút ôn lại các động tác cơ bản, các "học viên" được chuyển sang tập bài bảo vệ. Đó là bài tập trông giữ đồ vật, tìm đồ vật, vượt chướng ngại vật, tuần tra, truy kích và bắt mục tiêu di động.

 

 Bài tập chó tự chui vô rọ đánh hơi

Để đạt kết quả huấn luyện cao, các HLV phải hướng dẫn riêng lẻ từng "học viên". Có con quen rất nhanh, nhưng có con phải mất nhiều thời gian mới có thể hiểu và làm theo chỉ dẫn của HLV. Thậm chí người huấn luyện phải chiều theo tính tình và hành vi khác biệt của từng con chó mà không được quát mắng.

Ban đầu, khi đưa ra các khẩu lệnh, HLV phải kèm theo các động tác giật dây cương. Khi chúng đã quen mới tháo bỏ dây cương và kết hợp khẩu lệnh với động tác.

Anh Trần Văn Thành, một HLV chuyên huấn luyện chó nghiệp vụ ở TP.HCM cho biết, mỗi loại chó có những đặc điểm khác nhau nên huấn luyện riêng lẻ từng con một sẽ dễ dàng hơn. Chó chưa qua huấn luyện hầu như rất hiền. Vì thế, kết quả huấn luyện phụ thuộc nhiều vào người dạy.

 

 Xâm nhập vào các vật dụng trong gia đình để đánh hơi

Muốn chó phát huy được hết khả năng, có tính kỷ luật cao thì trước hết người huấn luyện phải tạo được mối quan hệ thân thiết với chó. Muốn vậy phải thực sự yêu thương và hiểu được tâm sinh lí của loài vật này, kết hợp với việc thưởng - phạt rõ ràng.

Đối với những "học viên" do khách gửi đến nhờ huấn luyện thì khó khăn hơn. Anh Thành kể, sau khi nhận chó, những ngày đầu anh chỉ dẫn chúng đi dạo, đi bơi. Lúc rảnh thì xoa đầu, vuốt ve nó. Với cách khởi đầu như thế, chủ - tớ sẽ dễ gần nhau hơn, việc huấn luyện mới được thuận lợi.

Trong các bài tập thì hấp dẫn hơn cả chính là tập bảo vệ gia chủ hoặc bảo vệ mục tiêu. Khi đối tượng nghi vấn có hành vi chuẩn bị làm hại gia chủ, các chú chó ngay lập tức sẽ tấn công phủ đầu đối tượng. Ngoài ra, các bài tập truy đuổi tội phạm, săn bắt trộm cũng quan trọng không kém.

Trong nghề huấn luyện chó nghiệp vụ, khó khăn và nguy hiểm nhất phải kể đến là việc đóng giả đối tượng tình nghi (chuyên môn gọi là "quân xanh"). Anh Phan Thanh Long, bác sĩ thú y đồng thời là HLV chó nghiệp vụ Công ty PDS (TP.HCM) cho biết, người đóng đối tượng tình nghi phải là người vững vàng về nghiệp vụ, biết vượt qua sợ hãi, sơ sẩy một chút là mất mạng như chơi.

Cũng theo anh Long, những người đóng "quân xanh" phải tập đi tập lại hằng ngày, hành động phải thật thuần thục và sát với thực tế. Nói chung là càng như thật càng tốt.

 

 Làm "quân xanh" cho bài tập chó tấn công, các HLV rất dễ bị "tai nạn"

Trong những lúc tập cho chó tấn công, nhất là trong bài học hai con chó cùng cắn phối hợp, người làm "quân xanh" rất dễ gặp tai nạn nghề nghiệp. Mặc dù, chó được bịt miệng nhưng có con quá hung hãn vẫn tìm cách cắn đối tượng cần tấn công.

Khi đã chấp nhận vào nghề, người đóng đối tượng tình nghi sẽ được hướng dẫn một số kỹ năng cơ bản như: đỡ, né, giả chết… Thế nhưng, muốn thành thục thì đều phải trải qua thực tế trên sân tập. Những bài học kinh nghiệm ấy có khi phải trả bằng nước mắt và cả máu...

Bài, ảnh: Hoàng Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.