Nghe đồn sắp bị sa thải, bạn cần phải làm gì?

30/03/2016 10:06 GMT+7

Nỗi sợ và sự phản ứng đôi khi thái quá của người trẻ thường khiến tình hình tồi tệ hơn. Trang Business Insider lấy ý kiến từ hai chuyên gia chỉ ra những điều cần làm trước tin đồn sắp bị sa thải.

Nỗi sợ và sự phản ứng đôi khi thái quá của người trẻ thường khiến tình hình tồi tệ hơn. Trang Business Insider lấy ý kiến từ hai chuyên gia chỉ ra những điều cần làm trước tin đồn sắp bị sa thải.

Bạn trẻ rất dễ bày tỏ cảm xúc, đôi khi tiêu cực về một tin đồn sa thải - Ảnh: ShutterstockBạn trẻ rất dễ bày tỏ cảm xúc, đôi khi tiêu cực về một tin đồn sa thải - Ảnh: Shutterstock

Khi nghe đến đoạn “anh bị sa thải” từ ông chủ, rất nhiều người sẽ phản ứng tiêu cực. Nhưng trước khi để chuyện ấy xảy ra, bạn vẫn có thể làm tất cả để đảo ngược tình huống, theo Lynn Taylor, tác giả cuốn Chế ngự gã bạo chúa trong văn phòng: Làm thế nào để kiểm soát được ông sếp trẻ con của bạn và chủ động trong công việc.

Theo đó, có hơn 10 điều bạn có thể làm khi nghe tin đồn hoặc cảm nhận được rằng mình đối diện nguy cơ bị sa thải, nhằm đảo ngược thế cờ hoặc chí ít tránh phản ứng theo phản xạ.

Đừng hoảng sợ

Thay vì hoảng sợ, tức giận, xa lánh, bạn nên chăm chỉ và sâu sát cho tới những ngày cuối cùng, để tránh việc chính bạn tự kéo nỗi ám ảnh sa thải lại gần - Ảnh: Shutterstock

Khi nghe đến tin đồn bị sa thải, bất cứ ai cũng xuất hiện nhiều suy nghĩ lăn tăn. Theo Lynn Taylor, bạn nên tỉnh táo để xác nhận lại tính thực hư của điều này: “Hãy nhớ rằng tin đồn đôi khi không đúng. Nó sẽ lan rất nhanh, và làm mọi thứ tan nát cho tới khi bạn mạnh dạn tiếp cận chính ông chủ của mình. Đừng tham khảo ý kiến của những người khác về bất kỳ cái nhìn nào về tương lai bạn, hãy đi thẳng vào hiệu suất công việc của mình”.

Trong khi đó Michael Kerr, một diễn giả về kinh doanh quốc tế và tác giả cuốn Tác dụng của sự hài hước cho rằng hãy đáp lại điều này với một tâm thế cởi mở, và gặp trực tiếp “nguồn tin” hoặc người chủ để nói chuyện.

Xác minh thông tin từ sếp

Cả hai chuyên gia trên đều nhận định rằng đừng ngại đặt câu hỏi thẳng thắn để xác minh thông tin trên, vì biết được sự thật không muốn nghe vẫn dễ chịu hơn sự mơ hồ. Tuy nhiên, cuộc nói chuyện phải diễn ra trong trạng thái bình tĩnh, đóng góp ý kiến mang tính xây dựng, tránh nóng nảy.

Làm tốt nhất có thể, và không nên tin hoàn toàn những gì sếp nói

Rất nhiều khả năng người sếp tránh đề cập tới chuyện sa thải (nếu thông tin ấy trên thực tế đúng như vậy), nên bạn hãy chuẩn bị tâm lý và chú ý quan sát “sự thật” đằng sau nó. Nếu sếp nói “mọi chuyện vẫn ổn”, thì cũng chưa chắc ổn. Đổi lại, bạn phải tập trung vào việc thể hiện những gì tốt nhất mình có thể làm, đó mới là cách đáp trả khả quan.

Gia nhập “cuộc  chơi”

Nếu biết rằng thông tin bạn đang bị sa thải là có thật, bạn vẫn có thể cứu vãn bằng cách xông vào “chơi tới bến”. Điều này có nghĩa là không chỉ làm tốt công việc vốn dĩ, bạn nên “chơi tới bến” bằng cách nỗ lực hơn gấp bội để chứng minh mình không đáng bị gạt bỏ.

“Ngay cả khi sắp bị sa thải, việc duy trì một thái độ tôn trọng và chuyên nghiệp là cách bạn có thể ra đi với cái đầu ngẩng cao và biết rằng bạn sẽ có được sự ghi nhận, một tờ giấy giới thiệu tích cực từ người sếp”, Kerr nói.

Giữ lại những điểm tích cực

Sự chuẩn bị tốt nhất, thái độ tích cực nhất ngay cả trong giai đoạn sắp bị sa thải sẽ đóng góp rất lớn cho công việc mới của bạn - Ảnh: Bloomberg

Tương tự như thế, bạn nên tiếp tục công việc, sâu sát vào nó và yêu cầu phản hồi liên tục về những khâu bạn đang nắm giữ. Ngoài ra, hãy chú ý “học” những bài học về tính cạnh tranh thông qua trường hợp sắp bị sa thải này.

Taylor và Kerr đều thống nhất rằng những lúc thế này cũng là thời điểm bạn chứng tỏ sự mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần. Theo đó, việc chiến đấu tích cực và chuyên nghiệp trong quãng thời gian khó khăn này sẽ vô tình giúp bạn đạt tới đẳng cấp cao hơn trong công việc so với chính mình, và “hãy đảm bảo vẫn hoạt động, ăn ngủ đúng cách, đưa ra những quyết định khôn ngoan...”, theo Taylor.

Tranh thủ giữ lại tất cả tài liệu

Lynn Taylor cho rằng nên có một tập tin giữ lại tiến độ công việc, thư từ, các mối quan hệ, bất kể tình trạng của bạn trong công ty như thế nào. Trong trường hợp ông chủ sa thải bạn vì một lý do không chính đáng, đó cũng là cách bạn giành lại những bất công, và không bị thiệt thòi trong tương lai.

Vẫn hiện diện

Trái với quan điểm buông xuôi, cho rằng đã bị sa thải rồi thì cứ rút từ từ cho êm ả, hai tác giả trên khẳng định tốt hơn hết vẫn hãy “xuất hiện” theo cả hai nghĩa: Luôn xông xáo như ngày đầu, luôn giúp đỡ mọi người, theo dõi hoạt động của công ty sâu sát...

Không được nghĩ rằng mình an toàn

Không bi quan và đánh rơi tất cả, nhưng cũng nên chuẩn bị tinh thần cho diễn biến xấu nhất. Đó là lý do tại sao bạn nên có sự chuẩn bị cho các cơ hội làm việc tiếp theo trong quãng thời gian sa thải gần kề, chuẩn bị kế hoạch tài chính để các đối tác sau này biết rằng việc bị sa thải không hề là cú sốc lớn với bạn.

Tranh thủ lời giới thiệu

Chuẩn bị tài liệu và tâm thế trong hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Shutterstock

Đơn giản là tìm người nào đó có uy tín, tranh thủ chuẩn bị hồ sơ và nhờ người đó đứng ra viết lời giới thiệu cho công việc mới của bạn, đứng ra “giám hộ” cho bạn. Tuy nhiên hãy cẩn thận vì nếu thông tin bạn kiếm việc mới lọt ra ngoài, mọi thứ sẽ đổ bể và khó cứu chữa.

Có đáng chiến đấu không?

Trong giai đoạn biết tin bị sa thải, như những điều đã đề cập, bạn vẫn có thể lật ngược thế cờ. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm bạn buông xuôi hay chiến đấu. Mỗi người mỗi cảnh, quyết định sau cùng của bạn về việc cố gắng giữ lấy công việc này hay buông tay đều cần sự cân đo đong đếm hợp lý, và dù sao cũng cần thái độ tích cực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.