Ngày nảy ngày nay, dế mèn phiêu lưu từ sách tới đời

23/09/2020 20:01 GMT+7

Những em nhỏ năm nào nay đã trở thành người lớn, chú dế mèn phiêu lưu ký vẫn bay bổng một khoảng nào đó trong tâm trí của họ.

Ngày 27.9.2020 là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Tô Hoài - ông dế mèn. Cùng lắng nghe tâm sự của những người trẻ hôm nay về tác phẩm để đời của ông, chú dế mèn đã phiêu lưu trong cuộc đời họ ra sao?

Tưởng tượng biết bao thú vị

“Em chỉ được học một trích đoạn Dế mèn phiêu lưu ký trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 6. Vì quá yêu thích tác phẩm này của nhà văn Tô Hoài nên em đã mua cả cuốn sách của ông về đọc. Đến bây giờ, những chuyến phiêu lưu của chú dế mèn trong cuốn sách chưa bao giờ hết thú vị với em. Vốn là người thích được khám phá những gì mới mẻ, lời văn của Tô Hoài như dẫn em vào một thế giới tuyệt vời, nơi đó em tưởng tượng mình là chú dế trải qua các biến cố, làm việc nghĩa hiệp rồi lớn lên”, Ngô Trần Quỳnh Anh, học sinh lớp 7/7, Trường THCS Đức Trí, Q.1, TP.HCM, chia sẻ.

Em Ngô Trần Quỳnh Anh và bạn đều yêu thích Dế mèn phiêu lưu ký

Ảnh Bảo Vy

Thích đọc sách từ nhỏ, cho đến khi là một người mẹ, chị Bùi Bích Dung, 33 tuổi, trú TP.HCM, đã truyền sở thích về sách cho con. “Tôi đọc dế mèn từ rất lâu và không nhớ rõ từng chi tiết, nhưng có thể hình dung dế mèn đã có chuyến phiêu lưu kỳ thú. Từ chú dế mèn kiêu ngạo, coi thường người khác, trải qua những biến cố, dế mèn trưởng thành hơn. Ngày đó tôi đọc Dế mèn phiêu lưu ký trên bản in trước đây, giấy đơn sơ, không có hình vẽ minh họa sinh động như bây giờ nhưng đã tưởng tượng được biết bao nhiều thú vị. Tôi sẽ đọc cho con nghe Dế mèn phiêu lưu ký, đó chắc chắn sẽ là cuốn sách dạy con rất nhiều”, chị Dung kể lại.

Chị Bùi Bích Dung

Ảnh Bảo Vy

Chàng nhạc sĩ yêu dế mèn tới mức thành thương hiệu

Chúng tôi tình cờ gặp nhạc sĩ Đông Duy trong một nhà sách ở Q.1, TP.HCM, lúc anh đang ở quầy sách thiếu nhi và hơi bối rối khi chạm mắt lại bìa cuốn sách Dế mèn phiêu lưu ký. Rõ ràng không phải là bối rối vì gặp người lạ. Bối rối, vì nhiều cảm xúc ùa về khi thấy lại cuốn sách mình đã đọc đi đọc lại 2 lần và ấn tượng về nó thì chưa bao giờ mất đi.
“Nói tới chú dế mèn trong sáng tác của bác Tô Hoài, sẽ chẳng thể quên chú dế mèn từ kiêu ngạo, một chàng trai chưa trải sự đời, sau biến cố đi phiêu lưu vấp ngã, thất bại rồi mới trở nên tốt hơn chính mình. Tôi đọc dế mèn từ năm 8-9 tuổi, sau đó đọc tiếp và mới đây cũng mua cả sách Dế mèn phiêu lưu ký để làm quà tặng cho trẻ”, nhạc sĩ Đông Duy kể.

Các bạn trẻ tìm sách Dế mèn phiêu lưu ký trong nhà sách tại TP.HCM

Ảnh Bảo Vy

Với nhạc sĩ Đông Duy, dù cuốn sách được viết cách đây mấy chục năm, người viết cuốn sách nếu còn sống năm nay đã 100 tuổi thì những thông điệp từ chàng dế mèn chưa bao giờ cũ.
“Những thông điệp từ cuốn sách, từ chú dế mèn vẫn vẹn nguyên cho tới hôm nay, cho mọi thế hệ, không chỉ là trẻ em mà những ai từng là trẻ em. Tôi cũng là một người từng có lòng tự tôn rất cao, từng trải qua nhiều sóng gió, vấp ngã để rồi mới trưởng thành hơn. Cũng từ yêu thích chàng dế mèn, khi đã trở thành một nhà sản xuất âm nhạc tôi cũng lấy thương hiệu cho mình là 'dế mèn', để nhắc nhở bản thân về một tuổi trẻ không hối tiếc”, nhạc sĩ Đông Duy bộc bạch.

Thương nhớ người xưa

Ở khu tập thể Nghĩa Tân, Hà Nội, có một căn nhà nhỏ ở C3-108 rất bình yên, nhà ông dế mèn Tô Hoài. Tôi còn nhớ những ngày ở Hà Nội, vào những buổi sáng, nhất là khi Hà Nội đang vào mùa thu, những người bán hoa dạo với đủ cúc, hồng thơm, sen trắng sen hồng, thạch thảo… sẽ đứng dưới tán cây mát trước cửa nhà, mình hay đi bộ ngang qua ngôi nhà ấy và tưởng tượng nếu ông dế mèn còn sống.
Một lần tới thăm nhà ông Tô Hoài, điều khiến tôi nhớ mãi là sự tĩnh lặng. Trong gian nhà nhỏ ấy, những chiếc bàn ghế mây, cuốn sách, bức họa dế mèn nằm im, “nhớ” về năm tháng có ông dế mèn lui tới.

Ngôi nhà của nhà văn Tô Hoài ở phố Nghĩa Tân, Hà Nội

Ảnh Bảo Vy

Giá sách của cố nhà văn

Ảnh Bảo Vy

Cách ngôi nhà của ông dế mèn vài bước chân là nhà của anh thanh niên tên Nguyễn Đức Cường năm nay 37 tuổi, anh từng kể, ngày nhỏ cả khu có mỗi nhà ông Tô Hoài có lắp chuông cửa. Anh và tụi trẻ con ở Nghĩa Tân có một trò rất vui, đó là chạy tới bấm chuông cửa nhà ông Tô Hoài và chạy biến. Lần nào cũng thế, ông chạy ra nhưng thấy lũ trẻ xớn xác, ông lại đủng đỉnh quay vào, mỉm cười chứ không la mắng. Bẵng đi bao tháng năm, giờ đây nhà còn đó, phố vẫn xưa, người đâu thấy.
Nhưng dế mèn vẫn phiêu lưu, từ trang sách, tới cuộc đời, từ câu chuyện mẹ kể “ngày nảy ngày nay” cho những đứa con hay trang truyện tranh em thơ đang đọc. Dế mèn vẫn dắt trẻ em đi qua những hoài bão, khát vọng, có vấp ngã, tổn thương, thất bại nhưng rồi sẽ tự học được cách lớn lên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.