Ngày khai trường năm xưa đâu rồi?

05/09/2019 09:04 GMT+7

Các em bây giờ có còn cảm giác háo hức chờ đợi ngày khai trường không nhỉ? Ngày xưa mình nôn nao được gặp bạn bè, được mặc bộ đồng phục mới may, hay đơn giản là được đi học trên chiếc xe đạp mới sơn lại…

Cứ mỗi dịp tháng 9 về, Nguyễn Thị Ngọc Lan (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cũng như nhiều bạn trẻ khác, lại bồi hồi nhớ về những ngày khai trường xưa.

“Ngày nay có nhiều trường đi học trước rồi mới khai giảng, như thế học sinh có còn cảm giác háo hức chờ đợi ngày khai trường như mình trước đây không? Giờ các em cũng đầy đủ quá rồi, chắc cũng không còn cảm giác mừng rơn cả lên khi được mẹ may cho bộ đồ mới đi học, cũng không vui đến không ăn không ngủ được khi nhìn thấy chiếc xe đạp cũ được sơn mới lại như phần quà cho năm học mới… Tụi trẻ con những vùng quê nghèo ngày ấy, ngày khai trường ý nghĩa biết nhường nào”, Lan bồi hồi nhớ lại.

Kỷ niệm đẹp khó quên

Lan thuộc thế hệ đời đầu 9X, nhưng những ký ức của Lan về ngày khai trường vẫn còn nguyên vẹn. “30 tuổi, đi nửa đời người nhưng làm sao quên được những ngày tháng đó, đời học sinh chỉ có một ngày khai trường là ý nghĩa nhất, nhớ nhất. Dù lễ khai giảng ngày đó đơn sơ nhưng đứa nào cũng chờ đợi. Bạn hỏi tôi tại sao ư, tại vì chúng tôi được nghỉ nguyên 3 tháng hè, 3 tháng dài đằng đẵng và tụi học trò chúng tôi đâu có được gặp nhau trong 3 tháng ấy, đâu có học hè như bây giờ để được gặp bạn gặp bè. Hè ngày đó đúng nghĩa là nghỉ học đi làm phụ gia đình, dù ở độ tuổi nào, nhỏ thì làm việc nhỏ, lớn thì làm việc lớn hơn. Vậy đó, nên hết hè được gặp bạn bè, háo hức thôi khỏi bàn luôn”, Lan miên man kể.

Vẫn trong mạch cảm xúc, Lan diễn tả cho chúng tôi nghe về những mùa khai trường được ba mẹ may cho đồ mới đi học, được sơn sửa xe đạp…

“Nhưng không phải năm nào cũng có, 2 năm mới được một lần hoặc nếu tết mà ba mẹ đã may đồ hay sơn sửa xe rồi thì đầu năm học sẽ không được nữa. Vì thế mới vui đến mức chẳng còn muốn ăn muốn ngủ gì cả”, Lan kể.

Lê Thị Kiều Nhi (sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM) thì cho rằng: “Khi cuộc sống vật chất được nâng cao hơn, ngày tựu trường mỗi năm càng hoành tráng, nhưng mình nghĩ trong lòng các bạn học sinh, cảm giác hân hoan, một chút mong chờ, một chút tiếc nuối ấy sẽ còn mãi và mỗi người sẽ luôn nhớ về mùa tựu trường như một kỷ niệm đẹp khó quên”.

Kiều Nhi cho biết tuy đã trưởng thành, nhưng cũng như bất cứ một ai từng trải qua thời áo trắng, đều không tránh khỏi xao động mỗi khi tới mùa tựu trường.

“Mình không nhớ nhiều về những mùa tựu trường đầu tiên trong đời đã trôi qua như thế nào, có bóng bay, có bàn tay mẹ ba dìu dắt hay sự bỡ ngỡ vương trên gương mặt ngơ ngác vì lạ lẫm không. Những gì đọng lại suốt 12 mùa tựu trường gói gọn trong cảm giác băn khoăn. Nửa muốn bước thật nhanh tới trường để gặp lại bè bạn sau hơn 2 tháng hè xa cách. Nửa lại muốn mùa hè dài ra tí nữa vì chưa kịp ngủ nướng, hay rong chơi đó đây”, Nhi bộc bạch.

Rồi Nhi kể cách cả tháng trước ngày khai trường, Nhi đã bắt đầu đếm ngược, rồi tất tả sắm sửa dụng cụ học tập, mua sách vở, may áo quần đồng phục. Mỗi thứ đều mong muốn thật chỉnh chu để kỳ vọng vào một năm học êm xuôi, tốt đẹp.

Nghe tiếng trống tựu trường là vỡ òa cảm xúc

Có lẽ nhắc đến ký ức tuổi học trò của mình, mỗi người sẽ có một niềm nhớ riêng, tuy nhiên đa phần đều nhắc về ngày tựu trường đầu tiên mỗi lần được hỏi về ký ức tuổi học trò.

Dưới đây, xin được trích dẫn những cảm xúc đong đầy của Rcom H’Tuyết (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã chia sẻ với người viết:

Thế là mùa tựu trường mới lại đến. Thế là tôi, cô sinh viên năm hai đã không còn được dự buổi khai giảng của tuổi học trò thêm lần nào nữa. Hôm nay khí trời bỗng trong xanh lạ thường. Phải chăng là để chào đón các em nhỏ bước vào năm học mới? Nói đến đây trong lòng tôi bỗng bồi hồi nhớ về những buổi tựu trường đã qua. Tôi nhớ như in những buổi sáng dậy thật sớm để chuẩn bị bộ đồ quần xanh áo trắng và chiếc khăn quàng đỏ thắm để đạp xe đến trường dự buổi khai giảng đầu năm học. Những cảm xúc đầy chân thật của một cô bé cấp một, cấp hai đến bây giờ vẫn còn đọng lại trong tôi rất nhiều, những cảm xúc ấy khó lòng mà nguôi ngoai được. Đó là sự háo hức xen lẫn hồi hộp. Háo hức đến mức quên cả việc ăn sáng chỉ để đến sớm hơn ba mươi phút trước khi buổi lễ bắt đầu.

Mỗi lần thầy hiệu trưởng đánh một hồi trống dài để báo hiệu năm học mới chính thức bắt đầu thì trong tôi lại dâng trào một niềm tin và lòng quyết tâm vào giai đoạn học tập mới. Từng hồi trống vang lên là từng nhịp thở như bị đè nén lại, không gian và thời gian toàn trường như lắng đọng lại. Có lẽ ai cũng đang nhủ mình phải thật cố gắng trong năm tới. Đến khi tiếng trống cuối cùng vang lên thì không khí toàn trường như vỡ òa trong niềm hạnh phúc, mọi người tươi cười rạng rỡ và tôi cũng đang rất hạnh phúc.

Hồi đó nhiều thiếu thốn, khổ cực. Cả năm học chỉ có một bộ đồ đi học nên mỗi lần khai giảng là chiều về phải giặt đồ sớm và vắt thật khô để sáng mai đi lên trường sớm. Con đường đến trường tuy xa nhưng dường như được rút ngắn lại vì những chiếc khăn quàng đỏ thắm và những cuộc nói chuyện rôm rả. Gương mặt ai cũng toát lên vẻ hào hứng pha chút niềm mong chờ vào năm học tới.

Năm nay khi đã là cô sinh viên năm 2 nhưng những cảm xúc “đắt giá” ấy vẫn còn hiện hữu trong tôi rất nhiều. Nhìn những cô bé, cậu bé hồ hởi khi được bố mẹ chở đi dự buổi khai giảng thì cảm xúc trong tôi lại ùa về và dường như tôi được sống lại vào những khoảnh khắc đáng nhớ ấy. Những mùa khai trường - mùa thắp sáng con chữ, mùa của những niềm tin và lòng quyết tâm mới, mùa khó quên của tuổi học trò và nay chỉ còn những mùa nhớ đối với cô sinh viên năm hai... như tôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.