Ngày hội Việt phục: Đưa văn hóa Việt đến gần với người trẻ

Thái Duy
Thái Duy
12/01/2021 15:31 GMT+7

Vừa qua, tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM diễn ra ngày hội Việt phục 'Tóc xanh - vạt áo' với sự tham gia của đông đảo các bạn trẻ yêu thích văn hóa Việt.

"Tóc xanh - vạt áo" cũng là ngày hội mở màn tuần lễ 'Sóng đôi' - dự án dành cho người trẻ yêu mến những giá trị văn hóa Việt. Chương trình do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức, diễn ra từ 10-16.1.

Nhiều kiến thức, trải nghiệm về trang phục truyền thống Việt

Lần đầu tiên được thử khoác lên mình chiếc áo ngũ thân, Nguyễn Thùy Trang, sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM, chia sẻ: “Mình thấy trang phục rất đẹp, chất liệu vải rất mềm và thoải mái, tổng thể của trang phục mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Ngày hội hôm nay mang đến cho mình nhiều trải nghiệm mới, tại đây mọi người chia sẻ rất nhiều kiến thức về văn hóa Việt Nam, có những điều mình chưa biết tới khiến mình cảm thấy rất thích thú”.

Cũng lần đầu tiên được mặc thử cổ phục Việt, Vũ Thị Thu Thủy, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Trước giờ mình chỉ thấy thôi chứ chưa từng được mặc qua bao giờ, sau khi được mặc thử mình thấy khá thích, rất đẹp. Sau hôm nay mình sẽ quan tâm nhiều hơn đến trang phục truyền thống cũng như văn hóa Việt”. 

Bạn trẻ được mặc thử và chụp ảnh với những trang phục truyền thống

Ảnh: An Chiên

Bạn trẻ được thử áo ngũ thân

Ảnh: An Chiên

Bạn trẻ mặc thử Việt phục

Ảnh: An Chiên

“S mang Vit phc gii thiu đến bn bè quc tế

Ngày hội không chỉ là cơ hội để bạn trẻ có thể tiếp cận với trang phục truyền thống mà còn là dịp để những bạn vốn yêu thích Việt phục được bày tỏ tình yêu của mình đến với tất cả mọi người.

Trần Phong Phú, du học sinh Úc, không khỏi tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo ngũ thân khi tham gia ngày hội: “Trang phục này do mình tự may và đây cũng là lần đầu tiên mình mặc thử. Mặc vào cảm thấy thích và mình rất tự hào với truyền thống dân tộc”.

“Mình vốn là một người yêu thích văn hóa truyền thống. Là một du học sinh, mình mong muốn góp phần quảng bá trang phục truyền thống của Việt Nam ra quốc tế. Hiện tại, mình dự định sẽ mang áo ngũ thân đến Úc để giới thiệu cho bạn bè các nước”, Phong Phú nói thêm.

Là một bạn trẻ đã nhiều năm yêu thích và tìm hiểu về cổ phục, trang phục mà Phan Thị Tuyết Nga (22 tuổi), kinh doanh tự do ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, mang đến ngày hội trang phục do cô tự được thiết kế dựa theo tượng công chúa Mạc Thị Ngọc Lâm (phong hiệu Phúc Thành Công chúa, con vua Mạc Thái Tông).

Tuyết Nga bày tỏ tình cảm của mình đối với trang phục truyền thống Việt: “Mình vốn xuất phát là một người “chơi” Hán phục, nhưng sau đó mình nghĩ rằng tại sao lại đầu tư cho trang phục nước khác trong khi nước mình cũng có những trang phục rất đẹp. Từ đó, mình dành hết sự yêu thích cho Việt phục. Hiện tại đối với mình Việt phục đã là ‘tình yêu’ rồi!”.

Tuyết Nga khoác lên mình trang phục do chính cô thực hiện

Ảnh: An Chiên

“Ngày hội hôm nay là một dịp giúp mình có thể diện những trang phục truyền thống mình yêu thích, cũng là một cơ hội rất tốt giúp mình có thể học hỏi thêm rất nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa của dân tộc”, Tuyết Nga chia sẻ thêm.

Tuần lễ văn hóa “Sóng đôi” còn diễn ra nhiều hoạt động như tuần lễ điện ảnh Phim Việt nhân văn, triển lãm mỹ thuật Dòng chảy đôi mươi, thử thách trên mạng xã hội Nét Việt và chương trình Thường thức trăm năm.

Tại ngày hội, tiến sĩ  Lê Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi mong muốn giới thiệu, quảng bá các nét đặc sắc về văn hóa Việt Nam, mang đến cho các bạn trẻ sự đa dạng về hình thức và thể loại văn hóa thường thức, giúp các bạn có những trải nghiệm phong phú và tiếp xúc với các loại hình văn hóa khác nhau trong đời sống hiện nay”.

Đông đảo bạn trẻ tham dự

Ảnh: An Chiên

Trao đổi kiến thức về trang phục truyền thống

Ảnh: An Chiên

Đưa sinh viên trở về những năm 2000

Các bạn trẻ hào hứng khám phá không gian của tuổi thơ qua những món đồ chơi, quà vặt… từ triển lãm Đời của 2000s nằm trong chương trình Ở đây có 2000s do sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức.

Ở đây có 2000s là chương trình được lên ý tưởng và thực hiện bởi nhóm sinh viên năm 3 khoa Báo chí và Truyền thông với mục đích thỏa mãn mong muốn hoài niệm quá khứ của thế hệ trước và giúp thế hệ sau có cơ hội khám phá những điều chưa từng trải.

Vũ Ngọc Thảo Phương, Trưởng ban tổ chức, chia sẻ: “Tụi mình muốn tái hiện những năm 2000, năm mà tụi mình sinh ra, là sự chuyển giao giữa hai thế kỷ, có nhiều sự đổi mới với hy vọng các bạn trẻ sẽ trải nghiệm và khắc sâu những giá trị một thời đã qua và trân quý những khoảng khắc hiện tại”.

Thích thú với những trò chơi từ thời thơ ấu, Võ Hoàng Long (sinh viên năm 3, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) chia sẻ: “Mình cảm thấy rất thích thú với những trò chơi, đồ vật thời xưa mà hiện nay hiếm thấy”.

Đang cùng bạn tô màu cho những bức tranh dễ thương, Hoàng Thị Kim Diễm (sinh viên khoa Đông Phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) hào hứng nói: “Đúng là quay về tuổi thơ, khi tới đây em được chơi những trò chơi mà hồi bé từng chơi, nhìn thấy những món đồ mà giờ không còn dùng nữa”.

An Chiên
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.