Nâng tầm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam

14/11/2019 07:56 GMT+7

Trong khi có phương án đề xuất giao cho Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, thì cơ quan soạn thảo luật Thanh niên sửa đổi lại đưa ra phương án: không quy định ủy ban này trong luật.

 

Ủy ban quốc gia về thanh niên đóng vai trò gì ?

Theo báo cáo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam (UBQGVTN Việt Nam), ủy ban này cơ bản thực hiện tốt trách nhiệm theo phân công; đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng được nhiều văn bản hướng dẫn và các nghị định của Chính phủ liên quan đến công tác thanh niên (TN); đặc biệt đã phối hợp xây dựng được nhiều chiến lược, chính sách, nhiều đề án dành cho TN như: chiến lược phát triển TN Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; chính sách đối với TN tình nguyện, TN xung phong; Đề án hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho TN... Đồng thời, hằng năm ủy ban đều thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện luật TN và các chính sách TN, kịp thời tư vấn, đề xuất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong chỉ đạo, điều hành và ban hành chính sách cho TN.
Rất rõ nét, trong hợp tác quốc tế, ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình giao lưu giữa TN nước ta và TN thế giới. Tại hội nghị lấy ý kiến phản biện xã hội về luật TN do T.Ư Đoàn tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đánh giá: 20 năm qua, UBQGVTN Việt Nam và tổ chức Đoàn đã phối hợp nhịp nhàng trong thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đối ngoại về TN, đã góp phần thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế TN ngày càng có hiệu quả, giúp TN có cơ hội hội nhập quốc tế tốt hơn.
Nhận định về ủy ban này khi làm tờ trình Dự án luật TN (sửa đổi) trình Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, trong những năm qua, UBQGVTN Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình là cơ quan tư vấn của Thủ tướng. Tuy nhiên, để “tránh chồng chéo” trong nhiệm vụ quản lý nhà nước về TN và không nhất thiết phải quy định cơ quan tư vấn của Chính phủ trong luật TN, ban soạn thảo luật đã đưa ra phương án không quy định UBQGVTN Việt Nam trong dự thảo luật TN (sửa đổi), đồng thời không đưa vào dự thảo luật những trách nhiệm mà ủy ban này được giao khi thi hành luật TN năm 2005.

Phối hợp - tại sao không ?

Theo UBQGVTN Việt Nam, một trong những bất cập của luật TN là cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về công tác TN và cơ quan tư vấn của Thủ tướng về công tác TN chưa được xác định rõ, nên chưa phát huy được hiệu quả tham mưu của mỗi cơ quan. Để tránh chồng chéo và tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về TN, nhiều ý kiến đề xuất cần giữ quy định về UBQGVTN trong luật TN sửa đổi, đồng thời cần xác định rõ vị trí, trách nhiệm của ủy ban trong luật này.
Theo ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, thì dự thảo luật cần bổ sung 1 điều mới quy định trách nhiệm của UBQGVTN với việc phối hợp Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về công tác TN. UBQGVTN Việt Nam cần được giao trách nhiệm cụ thể như: lập kế hoạch thực hiện Chiến lược, các quyết định về chương trình, dự án của Chính phủ; nghiên cứu, khảo sát, đề xuất xây dựng các chủ trương, chính sách về TN; chủ trì việc phối hợp Đoàn, các tổ chức TN và các ngành, các cấp thực hiện chương trình hành động của UBQGVTN VN; phối hợp Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về công tác TN; tổ chức thực hiện các quyết định của Chính phủ, cơ quan chức năng về hợp tác quốc tế và đối ngoại nhân dân...
Ông Kim nói: “Vai trò UBQGVTN Việt Nam sẽ được phát huy hơn nếu được quy định như trên, để ủy ban này phối kết hợp chặt chẽ với T.Ư Đoàn. Luật TN cần phải tối ưu hóa mối quan hệ này. Từ khi có UBQGVTN Việt Nam thì đây là cơ chế phối hợp bộ đôi rất ăn ý, vận hành rất trơn tru và hiệu quả. Thực tế, nhiều nước trên thế giới có cơ chế quản lý nhà nước về TN ngay trong bộ, Hội đồng hoặc ủy ban TN”.
Khi thẩm tra dự án luật TN (sửa đổi), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH cho biết, một số ý kiến đồng ý với việc quy định về UBQGVTN Việt Nam trong dự thảo luật, vì: UBQGVTN Việt Nam có bề dày 20 năm hoạt động với vai trò chủ chốt là T.Ư Đoàn TN; có điều kiện nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của TN; việc bổ sung quy định về ủy ban không làm phát sinh biên chế, bộ máy, đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả của công tác TN. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc về chức danh của người đảm nhiệm vị trí chủ nhiệm ủy ban cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả hoạt động của ủy ban.
Khi phản biện về dự thảo luật TN trong các hội thảo do T.Ư Đoàn tổ chức, một số ý kiến cũng kiến nghị tiếp tục củng cố, nâng tầm của UBQGVTN theo hướng: Thủ tướng Chính phủ phân công 1 phó thủ tướng làm chủ nhiệm UBQGVTN (hiện Chủ nhiệm Ủy ban là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn - NV); các phó chủ nhiệm là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, thứ trưởng của một số bộ, ngành, hoặc là bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bộ trưởng của bộ làm quản lý nhà nước về công tác TN. Việc nâng tầm như vậy sẽ giúp ủy ban hoạt động có hiệu quả hơn, tăng cường sự phối hợp đồng bộ và trách nhiệm hơn của các bộ, ngành, chính quyền các cấp trong giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về TN. (còn tiếp)
Ý kiến
Tạo sự phối hợp tốt nhất
Thời gian qua, Bộ Nội vụ có nhiều cố gắng, nhưng khối lượng công việc quá nặng, có tới 28 nhiệm vụ và quyền hạn nên hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TN còn hạn chế. Như vậy, nếu tiếp tục giao cho Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về công tác TN, cần phải có những bổ sung quy định, ví dụ như: UBQGVTN Việt Nam cần được tổ chức lại theo hướng: chủ tịch ủy ban là phó thủ tướng phụ trách văn xã; phó chủ tịch là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bí thư thứ nhất Đoàn TN; ủy viên thường trực là Vụ trưởng Vụ Công tác TN và Bí thư T.Ư Đoàn…
Tôi cho rằng, nếu giao cho UBQGVTN giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác TN sẽ có những thuận lợi như: hoạt động của ủy ban gắn liền với việc sử dụng tổ chức, bộ máy của T.Ư Đoàn; việc sử dụng bộ máy và trụ sở của T.Ư Đoàn để thực hiện nhiệm vụ sẽ không làm phát sinh biên chế, bộ máy làm việc, đảm bảo tính kịp thời, thiết thực, hiệu quả; đồng thời mô hình này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước về công tác TN tận dụng được những lợi thế trong việc thực hiện chính sách pháp luật đối với TN. Qua đó, công tác quản lý nhà nước về TN sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.
Tuy nhiên, việc giao cho UBQGVTN Việt Nam là cơ quan chủ trì về quản lý nhà nước công tác TN là chưa chặt chẽ, vì ủy ban chỉ là cơ quan tư vấn của Thủ tướng về công tác TN. Vì vậy, điều quan trọng là cần có những quy định pháp lý tạo sự phối hợp tốt nhất của cơ quan chủ trì với UBQGVTN Việt Nam và T.Ư Đoàn TN.
Vũ Mão 
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn
Cần có cơ quan xứng tầm
Trước đây, UBQGVTN được coi là mầm mống để có một cơ quan quản lý nhà nước riêng về TN do một phó thủ tướng đứng đầu với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan là thành viên của ủy ban này. Tuy nhiên, sau đó chức năng quản lý này lại được giao về Bộ Nội vụ và đưa xuống một vụ chức năng gọi là Vụ Công tác TN. Ở các địa phương thì công tác này được đặt trong Phòng Công tác TN thuộc Sở Nội vụ. Do đó, đầu tư nguồn lực cho công tác này còn là vấn đề và theo tôi là chưa xứng tầm.
Tôi cho rằng, quản lý nhà nước đối với TN là rất cần thiết vì TN là rường cột của nước nhà. Nhưng để có thể hoạch định chính sách cho thanh niên đồng thời để TN tham gia vào hoạch định chính sách lớn của Đảng thì cần phải có một cơ quan xứng tầm để phụ trách quản lý nhà nước về TN. Vì vậy, tôi cho rằng cần có sự tổng kết hoạt động của UBQGVTN để đánh giá vấn đề này một cách kỹ lưỡng hơn. Nếu như giao công tác quản lý nhà nước về TN cho một UBQG do một phó thủ tướng đứng đầu, với sự tham gia của các bộ ngành liên quan thì việc hoạch định chính sách cho TN trong từng khối ngành cũng sẽ kịp thời hơn.
Nguyễn Thanh Hải 
Trưởng ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.