Nam sinh viên đi bộ xuyên Việt chỉ với 20.000 đồng

Vũ Thơ
Vũ Thơ
12/04/2018 08:21 GMT+7

Đang học Đại học Kinh tế TP.HCM, Khổng Minh Triết (20 tuổi, quê ở Dĩ An, Bình Dương) nộp đơn xin bảo lưu kết quả để “thực hiện ước mơ” đi bộ xuyên Việt với chiếc ba lô, 20.000 đồng và 1 quả bóng rách.

Từng gẫy chân vẫn đi bộ xuyên Việt
Cuối năm 2017, khi đang học năm thứ 2 Trường đại học Kinh tế TP.HCM, Khổng Minh Triết làm đơn xin bảo lưu kết quả học tập với mong muốn đi bộ xuyên Việt để “chinh phục được một cái gì đó trong đời”.
“Khi 20 tuổi thì khó khăn nhất cũng phải làm được. Mỗi con người chỉ nỗ lực nhất khi chiến thắng được bản thân mình, không ai giúp được mình ngoài mình ra, vì thế em quyết định phải thực hiện ước mơ ”, Triết chia sẻ lý do gác lại chuyện học hành để đi bộ xuyên Việt. Điều ngạc nhiên là nam sinh này từng gẫy chân vào năm học lớp 9 và có 4 tháng liền không đi lại được. Đó cũng là một phần lý do để Triết quyết tâm thực hiện hành trình xuyên Việt để chiến thắng bản thân.
Chàng trai xách ba lô lên đường vào ngày 29.12.2017 với điểm xuất phát là tỉnh Bình Dương, qua các tỉnh miền Trung, ra Bắc, theo 1 cung đường hình số 8. “Mảnh đất Việt Nam có hình chữ S, nên em đi 2 lượt sẽ ra hình số 8 và sẽ qua 28 tỉnh thành trên cả nước. Sở dĩ em chọn cung đường hình số 8, vì em sinh vào 31.8.1998, nên con số đó sẽ đánh dấu một sự kiện lớn trong đời”, Triết lý giải.
Sau hơn 3 tháng đi Bộ từ Bình Dương, Triết đến Hà Nội vào những ngày đầu tháng 4 Ảnh nhân vật cung cấp
Với cung đường này, Triết sẽ phải đi chừng 4.500 km và theo 2 tuyến chính là đường mòn Hồ Chí Minh và quốc lộ 1. Triết cho biết, mỗi ngày em đi được chừng 35 km và chỉ cần ngủ 1 đêm, ăn một bữa no là sáng hôm sau lại lên đường. Mỗi tháng Triết sẽ dừng chân ở một nơi nào đấy chừng 3 ngày, để thăm thú và nghỉ ngơi, sau đó lại lên đường.
Trò chuyện với PV Thanh Niên ngày 10.4, khi Triết vừa dừng chân ở Hà Nội, em cho biết đã đi bộ được 103 ngày và hoàn thành được quãng đường dài 2.953 km. Hiện Triết đang trên đường trở vào Đà Nẵng với dự kiến đầu tháng 7 năm nay sẽ về đến nhà tại Bình Dương.
Hành trang 20.000 đồng và 1 quả bóng rách
Để đi được như vậy, Triết cho biết đã phải tập luyện suốt 6 tháng liền với 1 quả bóng. Hằng ngày sau giờ học, em lại mang bóng ra tập cho đến khi quả bóng nát bươm. Triết đã mang theo quả bóng đó suốt hành trình đi bộ của mình và cho biết đó là quả bóng kỷ niệm, và cũng là đặc điểm để mọi người nhận diện em.
“Có người bảo em bị khùng vì cứ mang theo quả bóng rách. Nhưng em nói với mọi người rằng, nếu em còn mang nó bên người, nghĩa là em trung thực vì mọi người có thể nhận diện được em ngay. Còn khi em quăng nó đi, thì lúc đó, có lẽ em đã làm một việc xấu rồi nên không muốn mọi người dễ dàng nhận ra mình”, Triết lý giải.
Lúc nào Triết cũng mang theo quả bóng rách, để mọi người dễ dàng nhận diện Ảnh nhân vật cung cấp
Điều tưởng như phi lý là chàng trai này chỉ mang theo 20.000 đồng và vài bộ quần áo, 1 chứng minh thư để đi chặng đường dài 4.500 km. “Thực ra em không định mang theo tiền mà đây là tiền còn sót lại của mẹ em cho để đi xe buýt đến trường học. Bởi em nghĩ rằng không thể đủ tiền để chi phí cho một chặng đường dài như vậy”, Triết giải thích. Và thật ngạc nhiên, đến nay Triết mới chỉ tiêu hết 5.000 đồng do phải mua 2 ổ bánh mì buổi sáng ngày đầu tiên đi xuyên Việt.
“Đi đến đâu em lại xin ăn nghỉ nhờ ở đó. Ngày đầu tiên em phải ngủ ở ghế đá công viên, nhưng sau đó em xin ngủ nhờ, sau đó xin ăn. Cũng có rất nhiều người từ chối với lý do không biết em là ai. Có khi phải xin 8 - 9 nơi mới được ngủ nhờ”, Triết chia sẻ.
Tuy nhiên, Triết cho biết, hành trình của em ngày càng thuận lợi, do đi đến đâu em đều chia sẻ lên mạng xã hội đến đó. Nhiều người biết thông tin, nên đã hỗ trợ em trên mỗi chặng đường. “Cho đến nay em đã được ngủ nhờ ở 92 nhà dân. Nhiều người còn cho em tiền tiêu, đến ngày 10.4 là khoảng 4 - 5 triệu, nhưng em mới chỉ tiêu hết một nửa số tiền đó với những việc cần nhất”, Triết kể.
“Những ngày đầu tiên ở Đồng Nai, chân em bị trầy xước và mưng mủ. Em cần tiền mua thuốc và được một chú bán vật liệu xây dựng cho 30.000 đồng để mua băng gạc và thuốc sát trùng. Người cho em nhiều nhất là một cô ở Sơn La đã cho em 700.000 đồng”, Triết xúc động nói.
Triết đang trên hành trình ở các tỉnh phía Bắc, để đi theo quốc lộ 1về miền Trung Ảnh nhân vật cung cấp
Triết cho biết, ở mỗi địa phương em đều tìm được một “mô hình ở nhờ” khác nhau, do đặc điểm của từng vùng. Ở Đồng Nai em tìm đến các nhà thờ, vì em theo đạo thiên chúa nên dễ dàng được tiếp nhận. Sau đó đến các tỉnh đến Bình Thuận, Ninh Thuận, em xin ngủ nhờ ở các quán cà phê võng vì ở đây có rất nhiều quán kiểu này. Đến Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, em lại xin nghỉ nhờ ở các trạm xăng.
“Khó nhất là trên đường Hồ Chí Minh. Ở đây mỗi nhà cách nhau cả 1 quả đồi, nên cứ tầm 4 giờ chiều là phải hỏi được chỗ ngủ rồi. Khoảng 5 giờ chiều, trời đã tối, nếu còn đi ngoài đường người ta sẽ tưởng là kẻ gian”, Triết chia sẻ.
Dám thực hiện ước mơ
Triết sinh ra và lớn lên ở Bình Dương nhưng quê gốc ở Hải Dương. Gia đình em có 4 anh em với anh cả 22 tuổi và một em đang học lớp 12, một học lớp 8. Bố mẹ làm nghề ủ giá đỗ để bán cho các quán ăn. Kinh tế gia đình không dư giả, nhưng anh em Triết đều được ăn học đầy đủ và được bố mẹ dạy: “Muốn làm gì thì làm nhưng phải tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình”, Triết kể.
“Trước khi đi, em cũng nói với bố và thuyết phục bố chấp nhận ước mơ của em. Còn mẹ em thì khi em đi mới biết nên rất lo lắng và khóc nhiều lắm, nhưng bố em nói rằng bà không nên cản nó, vì nó thích thì nó vẫn đi thôi”, Triết nói.
Triết và bố mẹ trong ngày Triết nhận bằng khen do thi điểm đầu vào cao tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM Ảnh nhân vật cung cấp
Trò chuyện với phóng viên Thanh Niên, bà Bùi Thị Tuyết Phương, mẹ Triết cũng cho biết, lúc đầu bà đã rất lo lắng khi con đi xa. “Có người bảo với tôi, mình đứt ruột mới đẻ được một đứa con. Để cháu đi như vậy nhỡ có chuyện gì thì biết làm sao. Nên khi cháu đến Đồng Nai, có người gọi điện về cho tôi bảo có muốn họ giữ cháu lại không. Nhưng anh em cháu đã động viên tôi là Triết ước mơ đi xuyên Việt lâu rồi.  Tôi đành chấp nhận, rồi ngày qua ngày, thấy cháu bình an và còn được mọi người thương yêu chia sẻ nên cũng yên lòng”, bà Phương tâm sự.
Triết cho biết, trong hành trình xuyên Việt, em đã gặp gỡ được rất nhiều người và điều em muốn nói với các bạn trẻ là hãy mạnh dạn thực hiện ước mơ của mình dù có khó khăn thế nào. Triết cũng cho biết, sau khi thực hiện hành trình xuyên Việt, em sẽ trở lại trường học và sẽ tập hợp một nhóm bạn để khởi nghiệp kinh doanh. “Em sẽ lấy vốn ở đâu? ”, tôi hỏi. “Cũng như việc em đi xuyên Việt. Không có việc gì là khó cả. Nếu muốn làm và theo đuổi nó thì sẽ có cách để thực hiện thôi!”, Triết quả quyết.
Điều cần có ở thế hệ trẻ
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên ngày 11.4, thầy giáo Phan Ngọc Anh, Phó trưởng Phòng Truyền thông và quan hệ công chúng, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết sinh viên Khổng Minh Triết đã học K42 của trường và xin bảo lưu kết quả học tập để đi bộ xuyên Việt. Nhà trường đã ủng hộ quyết định này của em.
"Dọc hành trình, tôi đã hỗ trợ em về việc tìm kiếm những người em cần gặp. Triết là người biết ước mơ và dám thực hiện ước mơ của mình, đó là điều rất cần có ở thế hệ trẻ", thầy giáo Ngọc Anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.