Nam sinh điểm 10 môn địa lý: ‘Mong được đi học để báo hiếu ba mẹ’

Mạnh Cường
Mạnh Cường
28/08/2020 18:27 GMT+7

'Nhiều người nói đại học không phải là con đường thành công duy nhất. Nhưng với em, chỉ có học mới có cơ hội thoát nghèo. Chỉ mong được đi học, để sau này có việc làm báo hiếu ba mẹ', Nguyễn Văn Duyên tâm sự.

Hoàn thành bài thi trong vòng 15 phút

Giữa cái nắng oi bức của những ngày cuối tháng 8, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ lụp xụp nằm sâu trong con đường đất đỏ ở thôn Kỳ Tân (xã Tam Dân, H.Phú Ninh, Quảng Nam), đúng lúc Nguyễn Văn Duyên đang phụ mẹ lấy rơm cho bò ăn.

Nguyễn Văn Duyên, là học sinh lớp chuyên địa Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam). Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đợt 1 vừa rồi, Duyên là một trong 2 thí sinh ở Quảng Nam đạt điểm 10 môn địa lý.

Duyên lấy rơm cho bò ăn

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Ngoài điểm 10 môn địa lý, Duyên đạt 7,2 điểm môn toán, 8,5 điểm môn ngữ văn, 9,25 điểm lịch sử, 8,75 điểm giáo dục công dân và 5,2 điểm môn tiếng Anh.

Với số điểm hiện tại, Duyên dự tính sẽ nộp hồ sơ vào ngành Quản trị văn phòng, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Là anh cả trong gia đình nghèo có 3 anh em, ngay từ nhỏ Duyên đã hiểu được những khó khăn vất vả khi hằng ngày chứng kiến cảnh ba mẹ phải thức khuya dậy sớm, làm lụng vất vả để lo cho 3 anh em. Khó khăn là vậy, nhưng nam sinh này có bảng thành tích học tập đáng nể khi suốt 12 năm học là học sinh giỏi. Lớp 11, Duyên còn đạt giải khuyến khích môn địa lý cấp tỉnh.

“Ba mẹ em làm quần quật cả ngày nhưng cảnh nghèo vẫn đeo bám. Giờ chỉ có học mới mong có cơ hội thoát cảnh nghèo khó này!”, Duyên mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Với niềm đam mê được khám phá vũ trụ, thiên văn khi còn nhỏ. Khi đi học, Duyên định hình được địa lý là một môn học trực tiếp liên quan đến niềm đam mê của mình nên bắt đầu tìm hiểu rồi “mê luôn” môn học này từ khi nào không hay. Duyên quyết tâm thi vào lớp chuyên địa của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và trúng tuyển.

Theo Duyên, để học tốt môn học này nên xâu chuỗi liên kết các vùng miền, các ngành kinh tế về tự nhiên, địa hình và khí hậu. Ngoài tìm hiểu kỹ địa lý Việt Nam, Duyên cũng dành khá nhiều thời gian tìm hiểu thêm về địa lý các nước trên thế giới.

“Đợt thi vừa rồi em chỉ mất khoảng 15 phút là giải hết các câu hỏi trong đề môn địa lý, thời gian còn lại em ngồi rà soát lại cho chắc chắn. Kết thúc môn thi em về dò lại đáp án và tin mình sẽ đạt điểm cao nên khi xem điểm thấy môn địa lý đạt điểm 10 em cũng không mấy bất ngờ”, Duyên nói.

“Dù khó khăn bao nhiêu em cũng sẽ cố gắng”

Nhà nghèo, không có tiền đi học thêm, Duyên đã chọn cho mình cách tự học và hiểu bài ngay trên lớp. Ngoài kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa nam sinh này thường lên mạng xã hội tải các bộ đề về tự giải rồi dò lại đáp án xem có đúng hay không, từ đó rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, để nắm chắc kiến thức về biển đảo, Duyên còn dành thời gian đọc sách báo. Theo Duyên địa là môn học khô khan nên để học tốt thì bản thân phải thích thú, đam mê với nó.

Nam sinh với nụ cười hiền lành là 1 trong 2 thí sinh đạt điểm 10 môn địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại Quảng Nam

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Duyên cũng khuyên các bạn tham gia thi đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT rằng, để đạt điểm cao ngoài ôn tập tốt kiến thức trong sách giáo khoa thì cần nắm chắt kiến thức trong Atlat địa lý vì nó chiếm 12 - 15 câu hỏi trong bài thi.

Duyên cho hay, để gánh bớt khó khăn cho ba mẹ, khi vào đại học sẽ vừa học vừa đi làm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Dù khó khăn bao nhiêu em cũng sẽ cố gắng học để sau này ra trường kiếm công việc ổn định lo cho ba mẹ và các em.

“Nhiều người nói đại học không phải là con đường thành công duy nhất. Nhưng với em, chỉ có học mới có cơ hội thoát nghèo. Em chỉ mong được đi học, để sau này có việc làm ổn định báo hiếu ba mẹ”, Nguyễn Văn Duyên tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến (39 tuổi, mẹ Duyên) cho hay hoàn cảnh gia đình khó khăn nên con cái đều thiệt thòi hơn so với bạn bè. Gia đình mới cắt hộ nghèo mấy năm trở lại đây, giờ thu nhập chính đều phụ thuộc vào mấy sào ruộng với tiền công phụ hồ của chồng.

“Khi biết con đạt điểm cao trong kỳ thi thì cũng vui mừng nhưng bên cạnh niềm vui đó còn có nỗi lo lớn hơn là khi con đi học mình có đủ khả năng để chu cấp cho con hay không hay việc học của con sẽ 'đứt gánh' giữa đường”, bà Tuyến nghẹn ngào nói.

Theo bà Tuyến, lo lắng là vậy nhưng hai vợ chồng vẫn không quên động viên để con cố gắng, yên tâm học. “Cả đời ba mẹ đã khổ rồi, giờ chỉ mong con không lặp lại cảnh của ba mẹ nữa. Dù khó khăn đến mấy thì hai vợ chồng sẽ cố gắng để lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn”, bà Tuyến nói rồi quay mặt, lau vội những giọt nước mắt.

Cô giáo Nguyễn Thị Diêu (giáo viên môn địa lý của Duyên) chia sẻ thật sự rất vui vì học trò của mình đạt được điểm tối đa môn địa lý. Trong lớp, Duyên là học sinh rất chăm chỉ, ngoan hiền và lễ phép.

Tuy nhiên, nữ giáo viên cũng trăn trở, suy nghĩ về vấn đề kinh phí những năm đại học của Duyên, bởi gia đình cậu quá khó khăn. “Nhà em Duyên bé tí tẹo, có mấy mét vuông nhìn tội lắm. Gia cảnh khó khăn nhưng em lại đạt được kết quả cao trong học tập thì đó là một sự nỗ lực rất lớn…”, cô giáo Diêu nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.