Muốn thành công phải không ngừng AQ

Thúy Hằng
Thúy Hằng
05/07/2020 08:12 GMT+7

Không phải là AQ nhân vật của nhà văn Lỗ Tấn, luôn bằng lòng với thực tại bằng phương pháp “thắng lợi tinh thần”. AQ ở đây là Adversity Quotient, chỉ số vượt khó, thích ứng với nghịch cảnh, luôn phản ứng và đối phó với thách thức.

Từ trước đến nay, các chỉ số thông minh IQ, cảm xúc EQ hay được nhắc tới, nhưng theo nhiều chuyên gia, người trẻ muốn thành công thì mỗi người cần không ngừng tăng cường AQ. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 rất nhiều biến động xảy ra càng là lúc người trẻ thấy AQ cần thiết như thế nào.

AQ quan trọng ra sao ?

Lê Huỳnh Tú Mỹ, vừa tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, điều phối viên dự án Give It Back hỗ trợ người bị ảnh hưởng của Covid-19, cho biết thích nghi là một trong những yếu tố then chốt cho sự tồn tại và phát triển của vạn vật từ trước tới nay. Ví dụ công ty luôn yêu cầu nhân viên mới nhanh chóng nắm bắt tiến độ công việc, có năng lực đưa ra được sáng kiến để giải quyết những tình huống khó khăn. Trường ĐH luôn mong đợi sinh viên sớm bắt nhịp việc học. Hay người khởi nghiệp phải học thêm rất nhiều thứ mới, linh hoạt thay đổi cách vận hành, sản phẩm kinh doanh trước sự biến đổi của xã hội, nhu cầu của khách hàng.

Bạn trẻ muốn thành công, dù ở bất cứ ngành nghề gì cũng cần trau dồi các nhóm kỹ năng quan trọng hiện nay trên toàn cầu. Nhóm kỹ năng bao gồm: thẩm định vấn đề, nhạy bén với ý tưởng, không ngừng học hỏi liên tục và không ngừng AQ, bởi nghịch cảnh chỉ có thể quật ngã ta khi ta mất cảnh giác  và không chuẩn bị

TIÊU YẾN TRINH, Tổng giám đốc Talentnet, Q.1, TP.HCM

Theo Lê Huỳnh Tú Mỹ, vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bạn trẻ phải làm việc ở nhà, bị trễ lịch trình du học, không thể đi du lịch và gặp gỡ bạn bè. Một số bạn khác không may bị giảm lương hoặc giảm biên chế vì công ty không thể duy trì doanh thu trong mùa dịch.
Nhưng “trong nguy có cơ”, nhiều bạn trẻ có sắp xếp thời gian hiệu quả mùa Covid-19 để vẫn làm việc tốt, tập thể thao và tham gia các khóa học online. Thay vì ngồi một chỗ và than thở, việc tìm cách thích nghi này giúp các bạn không ngừng hoàn thiện bản thân để khi trở về với trạng thái bình thường mới, mỗi người chúng ta đều sẽ là một “tôi” mới mẻ, cởi mở và phát triển hơn.
Muốn thành công phải không ngừng AQ

Mỗi người chúng ta đều sẽ là một “tôi” mới mẻ, cởi mở và phát triển hơn

Thúy Hằng

AQ thuộc nhóm kỹ năng cần thiết toàn cầu

Chị Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet (Q.1, TP.HCM), đúc kết: “Các bạn trẻ muốn thành công, dù ở bất cứ ngành nghề gì cũng cần trau dồi các nhóm kỹ năng quan trọng hiện nay trên toàn cầu. Nhóm bao gồm: thẩm định vấn đề, nhạy bén với ý tưởng, không ngừng học hỏi liên tục và không ngừng AQ, bởi nghịch cảnh chỉ có thể quật ngã ta khi ta mất cảnh giác và không chuẩn bị”.
Tại hội nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19 do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hôm 29.6, theo báo cáo các địa phương, tính đến tháng 6, cả nước có 30,8 triệu người trên 15 tuổi bị mất việc, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm 57,3%, tương đương hơn 17,6 triệu người. Gần 8 triệu lao động mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc.
Trong bối cảnh này, AQ càng quan trọng hơn, người lao động thích nghi tốt sẽ chuyển mình theo thời cuộc, tìm kiếm một cơ hội mới ở ngành nghề khác. Đa tài, linh hoạt sẽ là một yếu tố giúp người lao động tồn tại lâu dài trên thị trường, thay vì chỉ làm một nghề. Có thể thấy “làn sóng” nhà nhà bán đồ ăn tự làm, thực phẩm quê bùng nổ từ trong và sau dịch Covid-19 và người khởi nghiệp thay đổi cách quản trị, chiến lược kinh doanh.
Chị Nguyễn Phương Thảo (31 tuổi), giáo viên Trường mầm non Viglacera Hạ Long, Quảng Ninh trong thời gian học sinh nghỉ vì dịch đã có thêm nghề mới là bán sữa chua, chè tự làm. Anh Nguyễn Quang Hòa, thầy giáo dạy tennis tại các sân Nguyễn Khuyến, Kỳ Hòa (Q.10, TP.HCM) trở thành shipper giao hải sản, trái cây miền Tây về tận nhà, kiếm thêm thu nhập. Còn bạn Phạm Tâm Tuấn Khương (28 tuổi), gia sư tiếng Anh tại TP.HCM chuyển sang dạy học trực tuyến, bạn cho biết lúc ít học sinh đã nghiên cứu thêm cách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài để khi hết dịch có thêm nghề mới.

Làm sao để không ngừng nâng cao AQ ?

Hoàng Thị Chinh, phụ trách truyền thông của tổ chức dành cho người trẻ Lead The Change, cho biết AQ cũng giống như cơ bắp, "muốn có cơ bắp thì việc bạn cần làm đó chính là không ngừng luyện tập nó".
Theo Chinh, để tăng cường AQ, mỗi người trẻ thay đổi tư duy bằng cách đặt “nếu như” trước khi hành động, từ đó dự đoán trước các tình huống, đưa ra các giải pháp cho vấn đề phát sinh. Tiếp theo hãy không ngừng chuyện “học lại”, chủ động tìm kiếm những thử thách mới để thách thức những gì mình đã biết, khám phá những con đường mới. Khi có thể học nhanh chóng hơn thì chúng ta sẽ phản ứng nhanh và linh hoạt với những biến đổi bất ngờ.
“Người trẻ cũng cần một tinh thần sẵn sàng để khám phá cái mới. Khi thay đổi diễn ra, chúng ta thường lo sợ bởi vì chúng ta cần phải thoát ra khỏi vùng an toàn. Tinh thần sẵn sàng tiếp nhận sự thay đổi sẽ là chìa khóa giúp mở cánh cửa sáng tạo tiềm ẩn bên trong bạn”, Chinh nói.
Đồng thời, theo các chuyên gia, các nhà lãnh đạo, người quản lý cũng cần các chiến lược để phát huy chỉ số AQ của những nhân viên trẻ mà mình phụ trách. Lê Nguyễn Minh Hằng, sinh viên năm nhất Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.HCM), điều phối truyền thông dự án Give It Back, cho rằng chính mỗi người quản lý phải tiên phong, không ngừng AQ. “Người quản lý có thể khuyến khích nhân viên đặt câu hỏi, buộc họ lường trước khả năng xảy ra trong tương lai để có kế hoạch dự phòng ngay từ bây giờ. Hoặc động viên để nhân viên suy nghĩ ngược để kích thích sự sáng tạo và niềm đam mê tự học hỏi. Đồng thời, có thể tạo ra nhiều thử thách cho nhân viên, không ngại cho họ được mắc lỗi, khuyến khích họ học hỏi từ lỗi sai đó và tạo điều kiện để nhân viên vượt qua thử thách đặt ra”, Hằng trao đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.