Muốn thành công phải học 7 cách suy nghĩ tích cực của tỉ phú Mỹ

31/10/2016 20:40 GMT+7

Muốn thành công, bạn cần học hỏi không ngừng, tích lũy nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, sự lạc quan, luôn suy nghĩ tích cực chính là chìa khóa quan trọng để giải quyết nhanh chóng mọi vấn đề, khó khăn trong cuộc sống.

Cùng Lifehack khám phá 7 bí quyết suy nghĩ tích cực từ kinh nghiệm của các tỉ phú Mỹ, sau đó nhanh chóng thử áp dụng chúng vào cuộc sống.
Tưởng tượng bạn đang ở ngưỡng cửa thành công
Vua thép của Mỹ, Andrew Carnegie, dù bề ngoài có vẻ đanh đá, khó gần, nhưng ông chính là biểu tượng điển hình cho sự lạc quan, yêu đời, luôn suy nghĩ tích cực. Ông từng nói: "Hãy nghĩ về những thành công sắp đạt được một cách thật rõ ràng, rực rỡ, chỉ có như vậy thì mới thúc đẩy bản thân nhanh chóng hoàn thành được".
Những người có suy nghĩ lạc quan sẽ dễ dàng chạm mốc thành công hơn so với người lúc nào cũng mang trong mình suy nghĩ tiêu cực, dễ nản lòng trước thất bại.
Cơ hội luôn ở xung quanh ta
"Trùm casino" Sheldon Adelson, người sở hữu khối tài sản hơn 31 tỉ USD, đã bày tỏ suy nghĩ lạc quan rằng thất bại không chỉ cần thiết mà điều đó còn giúp ta tìm thấy nhiều cơ hội hơn trong tương lai.
Theo "trùm casino" Sheldon Adelson, để thành công, thất bại là cần thiết Ảnh: Reuters
Ông chia sẻ: "Đối với tôi, việc kinh doanh cũng giống như chuyến xe buýt. Dù cho không thích những nơi xe buýt sẽ đi qua nhưng bạn phải chấp nhận chúng. Sẽ không có điểm dừng cụ thể cho những chuyến xe buýt như vậy và việc kinh doanh cũng thế, luôn cần sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng".
Suy nghĩ như một nữ hoàng
“Nữ hoàng truyền thông” Oprah Winfrey từng nói: "Hãy suy nghĩ như một nữ hoàng, vì nữ hoàng sẽ không sợ thất bại. Sự thất bại chỉ là bước đệm nhỏ để mang đến những thành công khác, vĩ đại hơn trong tương lai".
Là người phụ nữ quyền lực nhất trong giới truyền thông, bà là minh chứng điển hình cho sự lạc quan, yêu đời, không sợ vấp phải những khó khăn, thử thách trên đường đời để tự tin viết nên ước mơ chính mình.
Đối với Henry Ford: 'Thất bại chỉ là nơi để ta dừng chân nghỉ ngơi' Ảnh: AFP
Thất bại không phải là kết thúc mà là sự khởi đầu
Henry Ford, người sáng lập Công ty Ford Motor, chiêm nghiệm: "Thất bại chỉ là nơi để ta dừng chân nghỉ ngơi. Đây là cơ hội để bắt đầu lại mọi thứ một cách khôn ngoan hơn". Trong khi đó, nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison phát biểu: "Tôi không thất bại, chỉ là tôi đã tìm thấy 10,000 cách không thích hợp, hiệu quả".
Sự thất bại của các nhà tỉ phú chỉ được xem là một phần trong cơn lốc sáng tạo của họ. Thành công thật sự là quá trình vận động, luân chuyển không ngừng.
Kỳ vọng cao ở bản thân
Tỉ phú thường tìm cách để bản thân mình có thể tạo ra những điều tuyệt vời nhất. Việc đó được thúc đẩy bởi sự khao khát, mong muốn tạo ra ảnh hưởng lớn đến mọi người. Như "ông vua bán lẻ" Sam Walton (người thành lập tập đoàn Wal-Mart) đã từng nói: "Kỳ vọng cao chính là chìa khóa để mở mọi thứ".
Sự lạc quan không phải là món quà, nó chính là chiến lược khôn ngoan giúp ta nhanh chóng chạm đến thành công.
Sam Walton, nhà sáng lập tập đoàn bán lẻ Wal-Mart, cho rằng" 'Kỳ vọng cao chính là chìa khóa để mở mọi thứ' Ảnh: Reuters
Nhìn nhận lỗi lầm
Không phải ai cũng đủ can đảm để dễ dàng nhìn nhận lỗi lầm của mình. Tuy nhiên, việc này là hoàn toàn cần thiết và ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công trong tương lai.
Khi tỷ phú Howard Schultz, Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn cà phê lớn nhất thế giới Starbucks phát hiện ra rằng một trong những đổi mới tốn kém nhất của ông đã hoàn toàn thất bại, khiến công ty thiệt hại gần 100 triệu USD, ông bước vào phòng họp và nói trực tiếp với mọi người rằng: "Đây là sai lầm trong chiến thuật của tôi, và chúng ta cần đưa ra giải pháp tiếp theo". Mọi người không ai tranh cãi hay bàn luận gì thêm cả vì rõ ràng ông đã nhận hết lỗi về mình mà không cần đưa ra thêm nhiều lời giải thích.
Hãy giúp đỡ người khác
Các tỉ phú thường tin tưởng, lạc quan vào một thế giới tốt hơn và họ cho rằng mình đang góp phần để tạo nên điều đó. Doanh nhân, kỹ sư nổi tiếng Peter Diamantis đúc kết: "Cách tốt nhất để trở thành tỉ phú chính là giúp đỡ một tỉ người".
Sergei Brin, nhà đồng sáng lập Google, khi được hỏi về điều thật sự thúc đẩy ông đi đến thành công như ngày hôm nay, đã trả lời: "Tôi muốn nhìn thấy mọi người có thể đạt được ước mơ của chính mình. Đó cũng là điều mà tổ chức này đang hướng tới".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.