Muôn nỗi lo ngày cận tết

Thanh Nam
Thanh Nam
08/02/2018 14:59 GMT+7

Không phải là những mối lo chuyện cơm áo gạo tiền, có nhiều nỗi lo khác đang bủa vây người trẻ khi mà Tết âm lịch đã cận kề.

Suốt những ngày gần đây, trộm cắp cướp giật ngày tết trở thành chủ đề nóng được mọi người bàn tán. "Vào cuối tháng 1, mình cũng bị giật điện thoại (trị giá hơn 14 triệu đồng) tại đoạn đường 41, gần đường Tân Vĩnh, Q.4, TP.HCM", Phú Bình, SV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, kể.
Mới đây, khuya 2.2, trên đường đi hát về, ca sĩ trẻ T.D đã bị giật túi xách, bên trong có hơn 4 triệu đồng tiền thù lao, toàn bộ giấy tờ. T.D rầu rĩ: "Giờ không biết lấy gì xài tết. Giấy tờ đã mất hết, thẻ ATM mất luôn, không biết phải làm sao".
Còn Tú Thanh, SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết chỉ trong vòng hơn một tháng trở lại, khu nhà trọ đang ở trên đường số 7 (gần đường Hoàng Diệu 2, P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM) liên tục xảy ra trộm cắp. Các SV, công nhân đang ở đây mất 4 máy tính xách tay và hơn 10 triệu đồng. Camera của khu nhà trọ đã quay lại được hình ảnh thanh niên ngang nhiên mở cửa phòng trọ rồi trộm lấy tài sản.
Trên nhiều mạng xã hội, các thành viên cũng liên tục đăng tải và chia sẻ các đoạn phim ghi lại hình ảnh các tên trộm sử dụng vô số thủ thuật để trộm tài sản…
Một cán bộ của Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an TP.HCM lưu ý: "Mọi người cần cảnh giác, phải cẩn thận đến mức tối đa. Trước và trong dịp tết dễ xảy ra tình trạng trộm cắp. Khi ra khỏi nhà phải kiểm tra kỹ lưỡng các hệ thống cửa. Khi đi học, đi làm, có thể nhờ người ở phòng bên cạnh, nhà bên cạnh để ý giùm. Khi thấy người lạ lảng vảng cần cảnh giác...".
Tết đã cận kề, với những người chưa mua được vé tàu, vé xe, thì việc vô tình thấy người khác có nhu cầu bán lại đúng với ngày định về là cơ hội không thể bỏ lỡ.
Tuy nhiên, như lời Thị Vân (quê Quảng Bình, SV Trường ĐH Sài Gòn) thì: "Phải cảnh giác kẻo mua phải vé giả".
Vân cho biết muốn về quê ngày 25 tháng chạp. Vì thời điểm nhà xe mở bán vé tết Vân bận học và thi nên không thể ra mua. "Tối 1.2, lên mạng và thấy có người bán lại vé xe đúng ngày 25, mình liên hệ và được họ bán lại với giá thấp. Mình vui và cảm thấy may mắn vô cùng nên mang tiền đến mua liền. Tuy nhiên, ngày 3.2 mình đem vé (là phiếu thông tin) ra nhà xe hỏi thì mới tá hỏa khi biết đây là vé giả. Mình gọi lại số điện thoại của người kia nhưng không được, tài khoản Facebook cũng mất dạng".
Đây cũng là cảnh mà Ngọc Thanh (quê Quảng Ngãi, đang làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM) gặp phải.
Hiện nay trên Facebook có nhiều hội, nhóm được lập ra với các tên như: nhóm đồng hương tỉnh... chuyên trao đổi vé xe, tàu tết. Bên cạnh việc các thành viên trao đổi, chia sẻ cho nhau những vé thật, thì cũng không ít người lợi dụng, lừa người khác bằng việc rao bán vé giả...
Đức Bình (SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, quê Quảng Ngãi) lưu ý: "Khi không thể mua vé từ nhà xe, nhà ga, mà muốn mua lại vé từ người khác thì phải thật cẩn thận, sáng suốt. Nhìn xem vé có đúng với mẫu vé mà nhà xe đang lưu hành hay không. Tuyệt đối không chuyển tiền trước. Cảnh giác với những vé xe có dấu hiệu cạo, xóa, sửa ngày giờ. Xem kỹ vé có đóng dấu giáp lai hay không. Và cẩn thận với những người bán lại giá rẻ hơn so với giá gốc...".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.