Muốn dùng nhân tài thì người quản lý cần có 'bốn phải'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
12/12/2020 15:23 GMT+7

Tại Diễn đàn Bồi dưỡng chăm lo và phát huy tài năng trẻ do T.Ư Đoàn tổ chức nhân dịp Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam, các đại biểu cho rằng muốn dùng nhân tài đúng thì người quản lý cần có “bốn phải".

Sáng 12.12, trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam đã diễn ra Diễn đàn Bồi dưỡng chăm lo và phát huy tài năng trẻ. Các đại biểu tham dự đại hội đã có buổi thảo luận và thẳng thắn đề xuất các giải pháp, sáng kiến trong việc bồi dưỡng chăm lo và phát huy tài năng trẻ.

Học trò vượt được thầy là điều vĩ đại của đất nước 

Nhà giáo trẻ Phan Duy Anh (Trường đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, muốn phát hiện ra nhân tài thì phải trân trọng nhân tài và cần nhìn con người trong một quá trình, vì mọi việc đều có sự chuyển biến, con người thay đổi nếu môi trường thay đổi. Muốn đánh giá nhân tài chính xác phải kiên nhẫn tìm hiểu theo dõi trong một thời gian dài.
Đặc biệt, đại biểu này cho rằng tài năng không tự nhiên mà có, phải qua quá trình đào tạo và gắn với rèn luyện trong thực tiễn.
“Con người muốn trở thành nhân tài phải qua quá trình học tập rèn luyện suốt đời. Để đào tạo nhân tài cần xác định mục tiêu đào tạo ra làm gì, đào tạo như thế nào. Vai trò của người thầy rất quan trọng. Người thầy vĩ đại là người thầy để học trò đứng trên đôi vai của mình. Học trò vượt được thầy là điều vĩ đại của đất nước”, anh Duy Anh nói.

Nhà giáo trẻ Phan Duy Anh (Trường đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM)

Ảnh Đăng Hải

Đưa ra giải pháp sử dụng, thu hút, tập hợp, kết nối, phát huy tài năng, anh Duy Anh cho rằng, muốn dùng nhân tài đúng, trước hết phải phụ thuộc vào người cán bộ lãnh đạo quản lý. Lãnh đạo khéo thì tài nhỏ có thể hoá thành tài to, lãnh đạo không khéo thì tài to cũng hoá thành tài nhỏ.
“Muốn dùng nhân tài đúng thì người quản lý cần phải có “bốn phải". Mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với nhân tài một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho người tài không rời bỏ. Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gũi với những người mình không ưa.
Phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà xa cách nhân tài. Phải có thái độ vui vẻ thân mật thì nhân tài mới vui lòng gần gũi mình.
Nếu những người lãnh đạo có các đức tính trên thì nhân tài mới tin tưởng vào cấp trên, yên tâm làm việc, phát huy hết tài năng của mình”, anh Duy Anh bày tỏ quan điểm.
Theo anh Duy Anh người tài thường hay có tật, nếu người quản lý cứ chấp nhặt những tật đó, tạo ra cho họ thấy môi trường không tốt, hoang mang sợ hãi, thì người tài sẽ ra đi. Và việc dùng người tài đúng là “tài việc gì dùng việc đấy” thì mới phát huy được khả năng của họ.
 “Việc dùng nhân tài, không nên căn cứ những điều kiện quá khắt khe. Tài to dùng làm việc to, tài nhỏ cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, đặt ngay vào việc ấy. Biết tùy tài mà dùng người thì sẽ phát huy tối đa năng lực, trí tuệ của họ và do đó công việc sẽ thành công”, anh Duy Anh nói.

Tài năng không phải từ trên trời rơi xuống 

Tại diễn đàn, TS - BS Phạm Lê Duy (Trường đại học Y dược TP.HCM) cũng cho rằng hiện Việt Nam đang làm tốt việc phát hiện, vinh danh nhân tài nhưng chưa chuyên sâu vào đào tạo. Dẫn lại câu nói của một triết gia "thiên tài chỉ có 1% bẩm sinh còn 99% do đào tạo", đại biểu này cho rằng, nếu đào tạo để ai cũng là nhân tài thì Việt Nam sẽ là đất nước của những nhân tài.
Lấy ví dụ từ bản thân, khi còn nhỏ anh cũng là người bình thường, thậm chí còn học dốt môn toán, nhưng được gia đình tạo “áp lực” nên may mắn thi đỗ chuyên toán. “Từ đó, tôi được rèn luyện trong môi trường tốt, được học bổng đi học ở nước ngoài và vào trong môi trường áp lực cao. Tôi cũng đạt được một số thành tích và bây giờ được ngồi ở đây”, anh Lê Duy kể.
Theo anh Lê Duy, thì môi trường rèn luyện rất quan trọng, nếu như trường nào cũng là trường chuyên, lớp nào cũng là lớp chọn thì học sinh sẽ phải cố gắng. “Phải tạo động lực rèn luyện vì tài năng không phải món quà từ trên trời rơi xuống. Nếu được rèn luyện, những người hoàn toàn bình thường đều có thể trở thành tài năng”, anh Lê Duy khẳng định.

TS Nguyễn Thị Trang (Học viện Hành chính quốc gia) nếu ý kiến tại diễn đàn

Ảnh Đăng Hải

Cũng nhấn mạnh việc cần phải quan tâm đến việc đào tạo tài năng, TS Nguyễn Thị Trang (Học viện Hành chính quốc gia), cho rằng cần phát hiện đào tạo tài năng từ nhỏ và cả trong quá trình tuyển dụng. “Nếu các em nhỏ được phát hiện tài năng và có chương trình giáo dục hợp lý sẽ kích thích sự sáng tạo tư duy, tạo tiền đề cho các em phát huy tài năng. Khi bước vào tuổi trưởng thành cần được các nhà quản lý phát hiện, coi trọng và bồi dưỡng”, chị Trang đề xuất.

Tại sao tài năng không trở về?

Chỉ ra thực trạng nhiều người tài năng không trở về nước làm việc, hoặc nhiều người giỏi bỏ khu vực nhà nước sang làm khu vực tư nhân, các đại biểu cho rằng có nhiều nguyên nhân “chảy máu chất xám”.
Anh Đào Đức Triệu, Đoàn thanh niên Bộ Công an, cho rằng chính sách thu hút đãi ngộ tài năng chưa đủ mạnh. “Tôi thấy ở Singapore, họ chọn người tài nhất vào làm việc trong khu vực nhà nước thì một người làm bằng hằng trăm người, nhưng quan trọng là họ đãi ngộ hấp dẫn. Vì vậy, tôi cho rằng dù là nước nghèo nhưng cũng phải chi mạnh cho tài năng thì mới có nguồn nhân tài”, anh Triệu nói.

Đại biểu bày tỏ suy nghĩ tại diễn đàn

Ảnh Đăng Hải

Cùng chia sẻ về việc này, anh Phạm Tuấn Anh (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam) cho rằng, phải khuyến khích tạo điều kiện cho giới trẻ phát biểu suy nghĩ, đóng góp ý kiến của mình. “Các cơ quan nên tin tưởng tạo kiện, giao nhiệm vụ trọng trách cho người trẻ. Làm thế nào giới trẻ tự tin hơn, đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, anh Tuấn Anh đề xuất.
TS Phạm Tấn Nhật (Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM) thì cho rằng, muốn thực hiện khát vọng, Việt Nam phải đoàn kết tài năng trẻ trên toàn thế giới. “Hiện họ sẵn sàng đóng góp, nhưng tại sao họ không trở về. Cần có khảo sát tầm quốc gia về vấn đề này. Cần xây dựng tầm nhìn với bức tranh lớn hơn cho người trẻ, mới giúp họ có đóng góp lớn hơn cho đất nước”, anh Nhật đề xuất.
Đồng thời, anh Nhật cho rằng, cần có nhiều sân chơi hơn cho những tài năng trẻ, đặc biệt là lĩnh vực khoa học xã hội, vì hiện có rất nhiều giải thưởng cho các nhà khoa học khối tự nhiên, nhưng chưa có một sân chơi nào cho các nhà khoa học xã hội - là một khía cạnh quan trọng để phát triển đất nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.