Mùa hè của ba khi xưa

23/05/2019 13:28 GMT+7

Những tiếng ve râm ran, cánh phượng bắt đầu nở rộ báo hiệu hè về, nhưng có vẻ là con không mong đợi mùa hè như ba thuở còn đi học. Quả thật, mùa hè của con bây giờ khác với mùa hè của ba khi xưa.

Sau một thời gian miệt mài với sách vở, bài tập những đứa học trò như ba thuở xưa đều háo hức đợi hè về. Mùa hè của ba ngày xưa vui lắm! Có đủ thứ trò mà tất cả những đứa trẻ đều ham muốn. Nào là bắn bi, đánh đáo, thả diều..., thích nhất là được tha hồ ngụp lặn bì bõm trong dòng nước mát lạnh trĩu nặng phù sa của dòng sông quê nội cùng bạn bè.

Ba cũng được học rất nhiều điều mà trong sách vở không có nhưng lại gần gũi với cuộc sống hằng ngày: Biết phân biệt hang cua với hang rắn, học làm vườn cùng ông bà nội, cách phòng chống đuối nước… Chái bếp sau nhà với luống rau, vài bó lá dừa, dăm cành củi đong đầy kỷ niệm với ba. Bếp của bà đỏ lửa từ lúc trời chưa sáng. Đó là lúc bà thức dậy thổi cơm cho cả nhà chuẩn bị ra đồng. Đó cũng là lúc ông bà ngồi bên bếp lửa hồng, uống chung ly trà buổi sáng thấm đượm tình quê.
Những ngày hè, ba thích quanh quẩn bên bà nơi góc bếp. Bà có tài kể chuyện thật cuốn hút: Cô Tấm bước ra từ quả thị giúp bà lão làm việc nhà, Lý Thông làm chuyện ác nên cuối cùng bị quả báo... những câu chuyện thuở nào đã giúp ba hiểu được thế nào là biết yêu thương, biết chia sẻ trong cuộc sống.
Lớn lên xa nhà nhưng ba vẫn không quên mùi cá kho tiêu, mùi cơm cháy của những buổi trưa hè vì mãi mê chơi đùa về muộn, nhanh chân chạy xuống bếp xem có gì ăn hay không. Trong lòng nỗi nhớ mùa hè, ba nhớ mùi vị quen thuộc của những loại rau đồng luôn da diết. Rau muống, rau bợ, rau dừa… những cái tên gợi lại biết bao món ăn dân dã quen thuộc. Quên làm sao được món cá linh nấu canh chua với bông súng, điên điển, cù nèo… 
Hồi còn ở quê, mỗi độ hè về, ba cùng bạn bè của mình cứ ra đồng một chút là có vô số loại rau cho những bữa cơm đạm bạc của gia đình. Mà lạ thật, rau không những là thức ăn bổ sung chất dinh dưỡng hằng ngày mà còn có công dụng như những vị thuốc. Nhớ lúc ấy, đám con nít hay bị bệnh khi trái gió trở trời, thế là bà nấu những món ăn kèm với những loại rau mọc quanh vườn nhà. Thật lạ! Sau khi ăn xong, tưởng chừng như bệnh tật bay đi đâu hết và đám con nít tiếp tục tung tăng chạy nhảy. Tất cả những gì tích lũy được qua những mùa hè là những kỹ năng sống cần thiết cho ba bên cạnh kiến thức ở trường.
Năm tháng trôi qua nhưng ký ức về những mùa hè khi xưa luôn lắng đọng lại mỗi khi nghe tiếng ve râm ran hai tiếng hè về.
Cuộc sống ngày càng phát triển nhưng cái ý nghĩa chân phương của mùa hè dần dần mất đi. Bây giờ mùa hè của con là những lớp học thêm, những lớp năng khiếu. Con quen dần với Facebook, Google, với những thiết bị công nghệ hiện đại nhưng lại không có được những gì ba đã trải nghiệm ngày xưa.
Dù biết rằng con người ta phải thích nghi với môi trường sống nhưng ba có cảm giác là con không có những ngày hè thực sự để thư giãn, để trải nghiệm với những gì bên ngoài lớp học, để hòa mình với thiên nhiên và để có thêm kinh nghiệm thực tế từ cuộc sống...
Những cơn mưa đầu mùa đã rơi, nhành phượng vĩ khoác lên mình màu áo mới… báo hiệu một mùa hè nữa lại về. Nhắc đến mùa hè, ắt hẳn ai trong chúng ta cũng có nhiều kỷ niệm. Đó có thể là một mùa hè với ngày chia tay thời áo trắng của tuổi học trò, là quyển lưu bút chuyền tay nhau trong giờ học cuối, là những ca khúc mùa chia ly vang lên một trưa, là những buổi thả diều, bắt dế quên cả thời gian cùng lũ bạn, là những chuyến đi xa trải nghiệm cùng gia đình, là phần việc ý nghĩa trong hoạt động tình nguyện ở những vùng miền khó khăn… Tất cả, tạo thành một miền ký ức mùa hè không thể nào quên trong chúng ta phải không các bạn?
Trong dòng hoài niệm ấy, Thanh Niên Online mở chuyên mục Ký ức mùa hè nhằm tạo một không gian để bạn đọc gần xa có thể trải lòng, chia sẻ kỷ niệm về những mùa hè của riêng mình. Bài viết của bạn đọc có thể gửi về chuyên mục Ký ức mùa hè theo địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn.
Các bài viết được đăng tải trên mục Giới trẻ/ Ký ức mùa hè của Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.