Một mình đi bộ 400 km từ TP.HCM về quê ăn tết

Thúy Hằng
Thúy Hằng
18/01/2020 15:06 GMT+7

Hồ Nhật Hà không chọn máy bay hay xe gắn máy cho hành trình về quê ăn tết 2020 của mình. Anh quyết định đi bộ, với chỉ 100.000 đồng trong túi để khám phá nhiều hơn và kiểm chứng những điều tử tế ở trên đời.

Đi bộ về quê để hiểu hơn về tết

Hồ Nhật Hà, 32 tuổi, thầy giáo dạy kỹ năng sống, trú ở Q.Gò Vấp, TP.HCM. Hành trình hơn 400 km của anh từ TP.HCM về quê nhà ở Phú Yên được bắt đầu từ này 14.1 (20 tháp chạp) và dự tính là ngày 23.1, tức là 29 tháng chạp anh sẽ có mặt cùng cả gia đình đón tết.
Không phải ngẫu nhiên Hà “nổi hứng” và muốn chọn đi bộ về quê ăn tết. Anh chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên: “Mỗi năm khi đến tết ít nhiều ai cũng có niềm vui khi được đoàn tụ gia đình. Ấy thế mà cái tết mỗi năm có vẻ nhạt dần khi gánh nặng vật chất ngày một lớn. Tôi suy tư về ý nghĩa thật sự của cái tết. Tôi nghĩ tết là dịp để mọi thành viên trong gia đình sum vầy chia sẻ với nhau những chuyện vui lẫn buồn, là dịp để trở về nơi quê cha đất tổ luôn nhớ nơi mình sinh ra, là dịp tri ân ông bà cha mẹ từ tăng thêm tính gắn kết tình thân. Năm nay tôi muốn làm một điều đó khác. Tôi đi bộ về quê ăn tết để kiểm chứng, để khẳng định có những giá trị nào sẽ lớn hơn về cái tết, khác với điều mọi người thường nghĩ”.

Anh Hà nấu đồ ăn bên sông ở Bình Phước

Ảnh nhân vật cung cấp

Ngày 14.1, Hồ Nhật Hà xuất phát từ TP.HCM về hướng Phú Giáo (Bình Dương), hiện anh đang ở gần cuối Bình Phước. Hành trình những ngày tiếp theo là Bình Phước - Đắk Nông - Đắk Lắk - Phú Yên. Anh chia sẻ “Ngày đầu tiên, tôi bắt đầu hành trình cũng là lúc xuân đang ùa về tới Sài Gòn, những chợ hoa, đường hoa rực rỡ sắc màu. Trên cao và dưới gót chân mình đều nắng, rát. Nhưng tôi đang hạnh phúc khi được đi bộ trên mặt đất, nghĩ mình là một người đàn ông đi bộ hạnh phúc “happy walking man” và tôi sẽ còn đi bộ nhiều hơn nữa”.

Hồ Nhật Hà chọn đi hướng Tây nguyên, do đó chỉ có hơn 400 km là về tới nhà. Nếu đi theo quốc lộ thông thường sẽ dài hơn

Chỉ có 100.000 đồng trong túi

Hồ Nhật Hà chia sẻ mình đã lên kế hoạch từ lâu và tập luyện nhiều để sẵn sàng thể lực. Cá nhân anh thường tổ chức các chương trình đi bộ xuyên rừng (trekking), leo núi cuối tuần cho các bạn trẻ, đó cũng là dịp để tập luyện thể lực, kỹ năng. Hành trang trong khoảng 10 ngày đi bộ là một ba lô với đầy đủ vật dụng cá nhân, sạc pin điện thoại, túi ngủ, thuốc men và một cây đàn ghi ta và chỉ 100.000 đồng trong túi, không có tiền dự phòng trong các loại thẻ.
Nói về 100.000 đồng sao đủ cho hành trình hơn 400 km trong hơn 10 ngày, anh Hà giải thích : "Tôi có 10 gói lương khô, người dân dọc đường cho tôi bánh, đồ ăn, những người bạn ở nhiều nơi đi qua cũng giúp đỡ. Tôi coi đây là thử thách mình phải vượt qua".
Buổi tối, Hồ Nhật Hà có thể ngủ nhờ nhà người dân bên đường, hoặc ngủ bằng túi ngủ, hoặc có thể tìm thấy những ngôi nhà hoang bên đường, bỏ túi ngủ ra để nằm qua đêm. Cũng có khi anh ghé thăm và ở nhờ nhà những người bạn đã quen từ trước. Cây đàn ghi ta mang theo bên mình, có thể giúp anh sáng tác ca khúc, để tặng mọi người những ca khúc năm mới vui vẻ hoặc để kiếm sống từ chính nó. Anh chia sẻ: “Tôi đi trong 10 ngày, thời gian phải đi mỗi ngày sẽ nhiều, trung bình 40 km/ngày, vừa đi nhiều vừa hạn hẹp chi phí, vừa giới hạn thời gian nên chỉ biết nỗ lực mỗi ngày’.

Hành trang là ba lô, sách và cây đàn ghi ta

Ảnh nhân vật cung cấp

Hồ Nhật Hà từng là chàng trai một mình đi bộ xuyên Việt, từ TP.HCM tới cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) với 100.000 đồng trong túi và cây đàn ghi ta vào năm 2018. Anh đang tập luyện thể lực chuẩn bị cho chuyến đi bộ xuyên Đông Nam Á năm nay. Anh cho hay: “Đó là một hành trình tôi còn để hơn 1 triệu đồng dự phòng trong túi cho những trường hợp khẩn cấp, còn lần này thì không, tôi chỉ mang theo đúng 100.000 đồng trong túi. Hành trình lần này dù ngắn cây số hơn, đi trong ít ngày hơn nhưng cũng sẽ có nhiều thử thách, và nhiều niềm vui, như có thể ngắm nhìn không khí chuẩn bị tết của người dân các nơi”.

Người trẻ đam mê xê dịch, đừng ảo tưởng

Hồ Nhật Hà cho hay, nhiều người trẻ chọn trải nghiệm, khám phá, đi du lịch mạo hiểm ngày tết, hoặc cũng chọn hành trình đi bộ như anh để khám phá nhiều hơn. Tuy nhiên, đừng quên những kỹ năng an toàn.
Theo anh Hà, người trẻ luôn cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất để sinh tồn trong trường hợp không gặp được ai hỗ trợ. Tùy địa hình, thời tiết, khu tập trung dân cư mà lên phương án chuẩn bị các đồ dùng hỗ trợ sinh tồn. Theo các yếu tố sinh tồn anh Hà luôn mang theo: nước, bộ lọc nước, đá đánh lửa, bông, áo khoác, túi ngủ, lều, 10 thanh lương khô, thuốc đau đầu, đau bụng, dầu gió... Nên mang theo viên can xi, C sủi và muối khoáng để bù đắp hao hụt năng lượng mỗi chuyến đi. Đặc biệt, mang theo 1 con dao là rất quan trọng.

Lều ngủ giữa rừng của anh Hà

Ảnh nhân vật cung cấp

Tiếp theo, khi đi bộ người trẻ cần tập khả năng quan sát tốt. Bên ngoài, quan sát người dân, địa hình, cảnh quan, văn hóa. Bên trong, quan sát cảm nhận cơ thể xem có gì bất ổn không để dừng lại nghỉ ngơi trước khi tiếp tục. Quan sát suy nghĩ, tâm trạng mình thay đổi ra sao. Đó là cách để vừa đi vừa học thế giới bên ngoài và học về chính mình.
“Cần giữ sự tập trung mục tiêu phía trước dù có gì xảy ra đi nữa. Đó cũng là cách rèn luyện sức mạnh tinh thần cho chính mình. Hãy mở lòng và kết nối, trò chuyện với người dân nhiều hơn để hiểu họ hơn. Hiểu người hiểu ta là cách sống an toàn nhất. Nghĩ về mục tiêu trước mắt là được gặp gia đình, quây quần ăn cơm với người thân vào những ngày tết sau cả một năm trời xa cách, tôi có thêm động lực hơn”, chàng trai đang đi bộ về quê ăn tết nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.