Mê nhậu tết coi chừng nhập viện

Theo các chuyên gia y tế, việc nhậu quá đà ngày tết thường lợi bất cập hại, rất dễ xảy ra các nguy cơ xấu cho sức khoẻ, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Quá nhiều tác hại
Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) nhiều năm liền phải trực cấp cứu trong những ngày tết, cho biết rượu là tác nhân nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến não, tim mạch, gây rối loạn hành vi, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, ảnh hưởng gan, tuỵ. Với những người bị viêm gan, gan nhiễm mỡ, u xơ gan. viêm gan B… nếu tiếp xúc với rượu là điều khủng khiếp.
Theo bác sĩ Khánh, uống nhiều rượu cũng tăng nguy cơ viêm tuỵ cấp, giảm nguy cơ miễn dịch của cơ thể, tăng nguy cơ ung thư thực quản, ung thư vòm họng...
“Nhiều người uống rượu xong thấy no, không muốn ăn, do đó càng thiếu chất. Nhiều người có thói quen uống rượu xong thì ngủ luôn, do đó để cơ thể vừa tiêu hoá vừa thức ăn và rượu trộn lẫn trong dạ dày là một điều kinh khủng, nếu thức ăn tiêu hoá không hết sinh ra các chất gây viêm loét dạ dày”, bác sĩ Khánh cảnh báo.
Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội ngày tết vì tai nạn giao thông  Ảnh: Thúy Hằng
Điều quan trọng, bác sĩ Khánh nhắn với các bạn trẻ, uống rượu xong điều khiển ô tô xe máy nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Các trường hợp gây tai nạn sau khi uống rượu bia rất khó cầm máu, gây mê khó khăn, do đó hậu quả rất nặng nề.
Bác sĩ Khánh đưa ra các lời khuyên cho các bạn trẻ trong những ngày tết, nếu phải uống rượu, nên uống khi đã ăn no, tuyệt đối không uống rượu khi đang đói. Thứ hai, nếu được chọn, có thể dùng bia và rượu vang với số lượng ít, thay vì rượu mạnh. “Không nên uống nhiều loại rượu khác nhau cùng một lúc, không nên uống quá nhiều rượu ngâm, nếu có ngâm rượu cũng ưu tiên ngâm thực vật thay vì động vật và chỉ nên ngâm một loại thực vật. Khi uống rượu bia xong, tránh đi ra ngoài lạnh đột ngột, tránh tắm ngay, khi đi ngủ nên mặc đủ ấm, phòng kín gió. Có thể giải rượu bằng nước cà chua, đậu xanh”, bác sĩ Khánh cho lời khuyên.
Bị ép nhậu, phải làm sao?
Nhiều bạn trẻ cho biết, họ không thích rượu bia nhưng những ngày tết cứ bị rủ nhậu, gạ nhậu, nếu không đồng ý thì mất lòng.
Anh Nguyễn Hải Hưng, 35 tuổi, trú Q.7, TP.HCM than thở: “Tết không lẽ cứ đóng cửa ở nhà để tránh phải đi nhậu. Nhưng tôi không uống được nhiều, một ly rượu là đỏ gay mặt, nổi mụn ngứa khắp người”.

Đó cũng là tình cảnh của anh Trần Việt Hùng, 38 tuổi, trú Đà Nẵng. “Tôi càng từ chối, anh em càng ép. Tôi không uống thì mất tình bạn bè, anh em. Uống xong tôi ói mửa liên tục, không thể tỉnh táo để về nhà”.
Ông Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống TP.HCM, cho hay có những người mời chân tình thì nên trân trọng lời mời, lượng sức mình và uống một vài ly để đáp lại tình cảm. Tuy nhiên, nếu có người ác ý, bị ép uống khi mình đã say, theo ông Bình nên nói thật lòng không uống được nhiều và thẳng thắn từ chối. Người được mời có thể viện những lý do như đường về xa, sức khoẻ không tốt, có việc đột xuất.
Cũng theo ông Bình, có thể chuẩn bị sẵn những câu nói hay để dùng trong lúc bị ép uống như, “rượu bia là để thưởng thức chứ không phải thách thức”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.