Mẹ của Thiện Nhân: 'Chúng tôi tiết kiệm nước mắt, nỗi đau'

13/01/2018 18:15 GMT+7

Chúng tôi gặp lại nhà báo Trần Mai Anh, mẹ của chú lính chì dũng cảm Thiện Nhân trong một buổi sáng Sài Gòn ngày đầu năm mới 2018. Bà mẹ của 3 cậu con trai vẫn nụ cười nồng ấm cả khi kể về những gian truân…

Thiện Nhân đã 11 tuổi, chú bé bị bỏ rơi trong rừng suốt 72 giờ đồng hồ và bị thú vật ăn mất một chân và cả cơ quan sinh dục giờ đã lớn mau như thổi, đi lại nhanh nhẹn dù chỉ với một chân và chiếc nạng gỗ.
Chị Trần Mai Anh, người nuôi nấng, yêu thương Thiện Nhân suốt nhiều năm qua đã là người sáng lập, điều phối chương trình "Thiện Nhân và những người bạn", kêu gọi các mạnh thường quân, tổ chức các chương trình phẫu thuật tái tạo cơ quan sinh dục cho trẻ em hoàn toàn miễn phí.
Xuất hiện trong chương trình Wetalk - truyền cảm hứng sống bình tĩnh, sống có khát vọng cho những bạn trẻ, người phụ nữ dũng cảm đã bộc bạch: “Mẹ con tôi sống rất tiết kiệm. Thứ nhất là tiết kiệm nước mắt. Chẳng bao giờ khóc khi cảm thấy đau khổ cả. Vì khóc xong mệt vô cùng, nhưng nỗi đau khổ đó mình vẫn phải trải qua, chẳng ai đau khổ hộ mình cả. Kiệt sức lắm, mà còn đau hơn”.
“Có hàng nghìn em bé đang chờ tái tạo lại cơ quan sinh dục để có thể đến trường. Tôi ở đây chia sẻ không phải để các bạn thương những đứa nhỏ mà để các bạn hiểu rằng làm hành trình như chúng tôi đang đi là vô cùng thú vị, không vất vả tí nào cả. Vì tôi chọn lựa cuộc sống làm điều mình thích. Mỗi một lần gặp một con người lại trải nghiệm một cuộc sống mới, thì mình thấy cuộc sống lại mở ra trên một khía cạnh mới”, nhà báo Trần Mai Anh chia sẻ.
Ngoài kia, chị Trần Mai Anh và những người bạn của mình còn hơn 1.000 hồ sơ bệnh nhi, cả bé gái và bé trai, ở khắp Việt Nam, ở cả Lào, Campuchia và nhiều nơi nữa chờ đợi được phẫu thuật. Người phụ nữ nhỏ bé và những người đồng hành có sốt ruột, có hoảng sợ không, khi mà không phải lúc nào cũng có đủ kinh phí để chuẩn bị cho những ca phẫu thuật sắp tới? Câu trả lời là có. Thế nhưng, sau tất cả, họ nhận ra, chỉ có sự bình tĩnh, lạc quan mới giúp họ đi đến đích.
Chị Trần Mai Anh thừa nhận, đôi khi chị phải học ở Thiện Nhân, sự bình tĩnh sống và thái độ lạc quan với mọi khó khăn. Với một chiếc nạng bên người, Thiện Nhân đi và chạy đều nhanh, đánh cầu lông cừ, đạp xe đạp siêu. Mỗi khi mẹ Mai Anh đèo cả 3 con trai trên xe máy, cậu nhóc cũng là người luôn tự hào là người gạt được chân chống xe cho mẹ rất nhanh - bằng chiếc nạng gỗ, điều mà hai anh Thiên Minh, Hải Minh khó mà làm được với đôi chân thật.
Bé Thiện Nhân và mẹ Mai Anh Ảnh nhân vật cung cấp
Thời gian vẫn vùn vụt trôi, chị Mai Anh bước ra khỏi cuộc trò chuyện với những bạn trẻ Sài Gòn và trở về ngày thường với những công việc lo cơm áo gạo tiền cho 3 cậu con trai, lo họp hành, tổ chức sự kiện, xin tài trợ để lo cho hàng trăm, hàng ngàn em nhỏ khác đang chờ phẫu thuật.
Nói với những bạn trẻ còn đang hoang mang trên hành trình chinh phục ước mơ của mình, nữ nhà báo trầm tư: “Có những khoảnh khắc trong cuộc đời bắt buộc chúng ta phải trải qua một cách bình thản nhất. Lúc đấy không phải là sống chậm, mà là bình tĩnh để sống, bình tĩnh để trải qua những khoảnh khắc của cuộc đời mà mình không có cách nào lựa chọn khác đi. Chỉ có một cách là bước đi làm sao cho bớt đau thương nhất mà thôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.