Mang trí tuệ nhân tạo phục vụ người Việt

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
26/01/2020 12:30 GMT+7

Năm 2019 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, giúp cho người Việt hưởng lợi từ lĩnh vực mới mẻ nhưng quan trọng này.

Làm vì người việt, phục vụ người Việt

Những ngày cuối tháng 10.2019, Văn Đinh Hồng Vũ, tác giả của phần mềm học tiếng Anh ELSA Speak vừa được Google đầu tư 7 triệu USD, trở về Việt Nam. Đáng chú ý bởi đây là sản phẩm phát triển dựa trên trí tuệ nhân tạo xuất phát từ mục đích phục vụ người Việt.
4 năm về trước, Vũ bắt đầu chặng đường mới, bỏ qua tất cả cơ hội và mức thu nhập trong mơ. Cô rời vị trí cấp cao tại Tập đoàn vận tải và năng lượng Maersk, Booz & Company (một trong 4 tập đoàn tư vấn đứng đầu nước Mỹ) để theo đuổi khát vọng mới. Phần mềm ELSA Speak được cô phát triển xuất phát từ mong muốn tạo ra một sản phẩm để người Việt có thể phát âm tiếng Anh tốt hơn, từ đó giúp mọi người tự tin hơn. Đây là điều chính bản thân Vũ gặp phải từ những ngày bắt đầu đặt chân lên đất Mỹ.
Vũ kể lại: “Mình cứ nghĩ mình có vốn tiếng Anh khá tốt rồi. Nhưng khi đến Mỹ mới thấy còn hạn chế về phát âm. Qua thời gian dài, điều ấy vẫn quanh quẩn với Vũ và khi có ý tưởng, Vũ rất muốn thực hiện một sản phẩm giúp mọi người học tiếng Anh khắc phục những điều này. ELSA có sứ mệnh toàn cầu giúp người học tiếng Anh toàn thế giới nhưng Vũ muốn bắt đầu ở nơi mình đóng góp được nhiều nhất. Việt Nam cũng là nơi mình hiểu nhiều nhất, biết rõ được những lỗi sai nào trong việc phát âm của người Việt khi học tiếng Anh. Sản phẩm này là máy, nên phải bắt đầu từ một khởi điểm nào đó để đưa dữ liệu vào cho máy học”.
Hai năm qua chứng kiến tốc độ phát triển của ELSA một cách vượt bậc. Từ năm 2017 - 2018, phần mềm này tăng trưởng 400% thì gần cuối năm 2019, tốc độ tăng trưởng lên đến 700%. Sản phẩm đang được đa số người Việt sử dụng trong cộng đồng người sử dụng ở 100 nước trên thế giới với tốc độ tăng trưởng hiện nay là 6 - 7 lần so với lúc ban đầu. Sản phẩm này cũng giải quyết một “văn hóa” cốt tử của người Việt là ngại nói tiếng Anh trước người khác vì xấu hổ.
“Vũ chọn dự án này có ý nghĩa cá nhân và biết sẽ đem lại tác động lớn cho cộng đồng. Làm được việc gì cho cộng đồng luôn là điều hạnh phúc. Mình có thể bắt đầu chọn thị trường khác, như Ấn Độ chẳng hạn... Nhưng mình chọn cộng đồng Việt Nam như một lựa chọn không thể khác. Mình ở đâu không quan trọng, miễn sao chọn một công việc có thể đóng góp được cho cộng đồng người Việt của mình”, Vũ chia sẻ.

Những cuộc trở về của trí thức trẻ

Chưa đầy 3 năm trước, tiến sĩ Hồ Trọng Việt (36 tuổi), sáng lập viên và giám đốc điều hành của Daily Opt, một công ty chuyên về tối ưu và trí tuệ nhân tạo trụ sở tại Đà Nẵng, còn đang làm việc ở Bỉ. Nhưng cuối năm 2016, anh quyết định trở về Việt Nam hòa vào “cuộc chơi” trí tuệ nhân tạo đầy thách thức và mới mẻ nhưng cũng có quá nhiều cơ hội. Cuộc trở về của Việt kéo theo những con người giỏi trong lĩnh vực công nghệ, thị giác máy tính, trí tuệ nhân tạo... ở Bỉ.
Daily Opt làm công việc tư vấn để tối ưu doanh nghiệp dựa trên trí tuệ nhân tạo. Khi mà những doanh nghiệp về sữa, trái cây, rau quả... hay bưu cục vẫn đang thống kê, nhập liệu, điều phối, chuyên chở bằng cách thủ công hằng ngày thì nhóm của Việt có mặt. Anh và cộng sự bắt đầu quy trình với việc so sánh dữ liệu quá khứ, sau đó đưa vào vận hành, tìm ra vấn đề nâng cao giải pháp. Sau đó mới có giải pháp áp dụng “máy học”. Kết quả sẽ giúp doanh nghiệp có hệ thống làm việc chuẩn, điều ít xe hơn, kinh phí tiết kiệm hơn... Công việc có vẻ phức tạp nhưng nói đơn giản thì nhóm của Việt sẽ dựa vào trí tuệ nhân tạo để giúp doanh nghiệp vận hành một cách tối ưu. Sự vận hành này cũng ngày càng hoàn thiện hơn và do máy điều hành chứ không theo cách thủ công nữa.
Chỉ trong vòng 3 năm, Daily Opt đã có khách hàng là những tên tuổi lớn tại Việt Nam như Vingroup, Vinamilk, Việt NamPT... Và “cuộc chơi” trí tuệ nhân tạo của công ty này sẽ tiếp tục thú vị hơn nữa với những sản phẩm mới như: phát triển ứng dụng nhận dạng và phân loại ảnh bằng mạng nơ ron nhiều lớp, phát triển ứng dụng theo dõi, phân loại và đếm các phương tiện giao thông qua video, theo dõi và nhận diện phương tiện trong các hệ thống giao thông thông minh...
Hành trình trở về Việt Nam để phát triển trí tuệ nhân tạo của các trí thức trẻ ngày càng rõ ràng hơn. Có thể thấy điều này qua hội nghị về trí tuệ nhân tạo VietAI Summit diễn ra ngày 2.11.2019. Những cái tên như Vũ Duy Thức (Giám đốc điều hành Ohmni Labs & Kambria), Lương Minh Thắng (nghiên cứu khoa học tại Google Brain), Phó giáo sư Trần Thế Truyền (Đại học Deakin, Úc), Trương Quốc Hùng (Tổng giám đốc VinBrain), Huyền Chip (kỹ sư Deep Learning của NVIDIA), Kenneth Tran - trưởng nhóm kỹ sư nghiên cứu tại Microsoft Research... đều có mặt. Hội nghị này mang đến luồng sinh khí và cảm giác đầy hồ hởi cho một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
 

Chuẩn bị cho tương lai

Tất cả câu chuyện trên vẫn là sự chuẩn bị cho tương lai. Bởi trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam dù bắt đầu được biết đến nhiều trong 2 năm gần đây nhưng nền móng còn quá khuyết thiếu. Hoạt động mạnh nhất trong thời gian qua là VietAI, một tổ chức phi lợi nhuận, do Vũ Duy Thức, Lương Minh Thắng và các cộng sự sáng lập. Tổ chức này hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng tài năng trí tuệ nhân tạo đẳng cấp thế giới tại Việt Nam để giải quyết các vấn đề có ý nghĩa và tác động đối với Việt Nam và cả thế giới.
Thời gian vừa qua, VietAI đã mở được 9 lớp về trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM và Hà Nội với hơn 250 học viên. Một số học viên được mời về làm tại VinBrain, VinAI Research sau khóa học. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.