Mặc áo yếm hay áo hở ngực cho tạo hình game nữ sĩ Hồ Xuân Hương ?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
06/11/2018 19:54 GMT+7

Tạo hình nhân vật mang tên Hồ Xuân Hương trong dự án game Sử Hộ Vương đang gây tranh cãi giữa các bạn trẻ vì phá cách so với hình dung về nữ thi sĩ này.

Có cần hở ngực như vậy?

Sử Hộ Vương là một dự án Collectible Card Game (game sưu tập thẻ tướng) do Gamize phát triển, lấy cảm hứng dựa trên chính kho tàng sử Việt. Đặc biệt, trò chơi chọn cách thiết kế theo hơi hướng huyền sử, fantasy... mang đến những sắc thái và hướng tiếp cận hiện đại, trẻ trung về những nhân vật rất quen thuộc với người Việt như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hồ Xuân Hương, Lý Thường Kiệt... Thành viên chính trong dự án là Phạm Vĩnh Lộc, một người trẻ khá nổi tiếng trong cộng đồng yêu sử Việt.

Tuy nhiên, trong số những nhân vật được tạo hình, nhân vật Hồ Xuân Hương đang gây ra tranh cãi khá lớn từ những người trẻ tiếp cận. Trong những ngày vừa qua, tiếp tục có một số ý kiến từ đạo diễn, người làm dự án lịch sử phản ứng về hình tượng được xây dựng này.

Hình ảnh Hồ Xuân Hương trên thẻ bài game này được vẽ theo phong cách chibi với trang phục, tóc tai khá hiện đại và bắt mắt. Màu sắc cũng được thể hiện rất đẹp. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là… hở ngực. Trong cả hai bức hình của thẻ bài Hồ Xuân Hương đều mặc trang phục khá thoải mái và hở ngực.

Ngày 5.11, biên kịch – đạo diễn điện ảnh Huỳnh Tuấn Anh, đạo diễn phim Lô Tô, có một bài viết trên Facebook cá nhân thu hút khá nhiều người tham gia. Anh cho rằng danh nhân Hồ Xuân Hương là nhân vật có thật, là một thi sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX không thể được tạo hình thế này. Chưa nói tới việc diễn hoạ theo nhân dạng không phải người Việt mà lại gần với nét vẽ truyện tranh Nhật. Không thể bảo rằng tạo ra dư luận, mâu thuẫn để người trẻ đến với sử và học sử. Đó là cách nói lấp liếm, nguỵ biện. Hơn nữa nhóm làm game đang "lợi dụng" tên tuổi và hình ảnh của danh nhân Hồ Xuân Hương để làm game kinh doanh, vậy đã xin ý kiến và được đồng ý chưa? Hậu duệ của bà vẫn còn ở thời hiện tại có thể sẽ kiện nhóm thực hiện vì "bôi xấu" hình ảnh của bà. Cũng như hậu duệ của một số nhân vật có thật trên game như vua Gia Long, nếu chưa xin phép và sáng tạo quá đà, có thể dẫn đến kiện tụng.

Tôn Thất Minh Khôi, chủ trì dự án Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi về hậu cung Việt Nam, là hậu duệ Chúa Nguyễn Phúc Khoát, cho biết các sáng tạo cũng phải có giới hạn. Lý do một phần lớn do việc xem sử là một "trào lưu", điều ấy không xấu nhưng khi bị lạm dụng quá đà sẽ bị đính kèm với những tác hại mà bất kỳ một trào lưu nào cũng có thể gây ra.

“Cá nhân tôi đọc sử, nghiền sử và nghiên cứu văn hoá theo hướng học thuật đồng thời cân bằng với việc nắm bắt các trào lưu để khiến nó không quá khô khan, nhưng cái bản chất nguyên thuỷ của nó vẫn giữ đúng, không thay đổi được. Việc lạm dụng sử sẽ có xu hướng bẻ cong mọi việc cho dễ hiểu, hợp thị hiếu nhất có thể và đánh mất ngay chính cái bản chất sự việc mà nó nhắc đến”, anh  Khôi cho biết.

Trên fanpage của Sử Hộ Vương, ngay khi hình ảnh này được đưa lên đã diễn ra tranh cãi khá dữ dội. Hàng loạt ý kiến phản đối vì tạo hình như vậy là quá đà, xúc phạm đến lịch sử, “có cần thiết phải hở đến như vậy?”… Một số người nhẹ nhàng hơn thì cho rằng tạo hình không có nét Việt, nên… mặc áo yếm vào cho Hồ Xuân Hương.

Một tạo hình của nhân vật Hồ Xuân Hương trên game. Ảnh: fanpage Sử Hộ Vương

Tạo hình để thúc đẩy tìm hiểu chính sử?

Bên cạnh những ý kiến phản bác, cũng có nhiều ý kiến bênh vực về tạo hình nhân vật là rất đẹp, mãn nhãn, bắt mắt và vì trước đó chưa ai thấy hình ảnh gì về nữ sĩ Hồ Xuân Hương nên việc sáng tạo như vậy không có gì quá đáng.

Nói về điều này, Phạm Vĩnh Lộc, thành viên chính của dự án, cho biết: “Nhóm tạo ra các nhân vật hư cấu lấy đặc điểm của nhân vật lịch sử, thần thoại, truyền thuyết từ Việt Nam, đặt trong một bối cảnh hư cấu. Cụ thể là thời hiện đại, họ là các Hộ Thần được Sử Hộ Vương triệu hồi khi quốc gia lâm nguy. Sau khi được triệu hồi, họ sẽ chung sống với nhau tại một gia trang đặc biệt và tạo ra các tình huống vui vẻ. Ví dụ: Lê Lợi, Quang Trung, Gia Long, Hồ Ly, Ma Trơi,... rủ nhau đi cổ vũ U23 chẳng hạn. Bởi vì là fantasy nên tạo hình sẽ phá cách để tạo nên nét độc đáo, nhưng nhóm sẽ cố gắng sử dụng chất liệu Việt Nam cho phù hợp. Hy vọng những nhân vật hư cấu này được cộng đồng yêu thích, từ đó họ tò mò hơn về người thật để tìm hiểu chính sử”.

Sẽ điều chỉnh phù hợp từ phản hồi phía luật sư

Lộc cũng cho biết nhóm cố gắng thể hiện nữ sĩ Hồ Xuân Hương theo các đặc điểm qua thơ văn và sẽ có điều chỉnh phù hợp dựa trên phản hồi từ phía luật sư. Cụ thể là luật sư sẽ gửi bản thảo game cho cơ quan thực thi pháp luật, sau đó dựa trên phản hồi điều chỉnh nếu có.

Việc tạo hình nhân vật thần thoại, lịch sử không phải là điều hiếm gặp trong ngành công nghiệp game trên thế giới. Điển hình như tại Trung Quốc, thị trường game này sẵn sàng chấp nhận hình tượng Nữ Oa (một nữ thần thủy tổ của người Trung Quốc) ăn mặc "thiếu vải" trong các game mobile. Nhưng vẫn có một số trường hợp bị phản đối dẫn đến việc phải chỉnh sửa lại nội dung như game Smite (game MOBA hành động do Hi-Rez Studios phát triển) gặp phải khi tạo hình nữ thần Kali.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.