Lý do sinh viên 'hết ngủ nướng khét lẹt' kể từ ngày đi chống dịch Covid-19

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
28/07/2021 18:45 GMT+7

Tuổi đôi mươi những tưởng 'ăn chưa no, lo chưa tới', thích ngủ nướng, đi học có khi cũng trễ... thế nhưng từ ngày tham gia chống dịch Covid-19 , những bạn trẻ này lại thức khuya, dậy sớm biết nhịn đói qua bữa, biết làm bao việc...

Đi học có thể trễ nhưng đi chống dịch thì không!

Bác sĩ Võ Thành Nghĩa, công tác tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, kể: "Đợt lấy mẫu xét nghiệm dịch Covid-19 vừa mới đây, với sự hỗ trợ của sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, tôi đã vô cùng ấn tượng. Thật bất ngờ, trong bộ đồ bảo hộ "nóng chảy mỡ", mà các em vẫn vừa làm, vừa hát vui vẻ, và còn thỉnh thoảng còn kể chuyện cười để mọi người quên đi cái mệt. Tiếp đó là sự lễ phép và kiên nhẫn. Khi xuống thực địa, các em nói chuyện với bà con lấy mẫu xét nghiệm thật lễ phép, luôn kèm theo từ "dạ, cám ơn". Mặc dù nhiều cô chú chờ lâu tỏ vẻ khó chịu, nhưng các em luôn giải thích nhẹ nhàng".
Bên cạnh đó, các sinh viên tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 còn thể hiện sự chuyên nghiệp. Những sinh viên của bác sĩ Nghĩa chỉ mới học năm 2, nhưng khi đến khu vực lấy mẫu, đã rất nhanh nhẹn sắp xếp bàn ghế đâu vào đấy, phân luồng, phân nhóm người dân để vừa đảm bảo 5K, vừa đảm bảo công việc trôi chảy. "Rồi các bạn quản lý mẫu test nhanh một cách khoa học để khi có một mẫu dương tính là có thể trích xuất ngay tên của mẫu gộp để gọi người dân quay lại. Đặc biệt là tính kỷ luật. Không biết tại sao khi đi học, tôi vẫn la các em chuyện đi học trễ. Nhưng khi đi chống dịch, các em luôn đi đúng giờ, liên hệ nhận đồ bảo hộ, lên xe không thiếu ai. Thật tuyệt vời", bác sĩ Nghĩa chia sẻ.

Chàng sinh viên năm cuối Nguyễn Văn Nhựt đã không còn thích "ngủ nướng" 

NVCC

Thật vậy, Nguyễn Văn Nhựt, sinh viên ngành răng - hàm - mặt, Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết trước đây mình thường hay ngủ nướng do đêm hôm trước thức khuya học bài. "Tuy nhiên, những ngày đi chống dịch này, ngày nào em cũng thức dậy từ 6 giờ sáng bất kể đêm trước có khi đi lấy mẫu về trễ, sau đó còn thức học ôn để chuẩn bị thi tốt nghiệp. Có hôm tụi em đi lấy mẫu, làm liên tục từ 9g đến 15g, không kịp nghỉ ăn trưa. Nếu ai làm nhiệm vụ kiểm mẫu thì phải tới nửa đêm mới xong việc. Thế nhưng em luôn nghĩ rằng, dịch Covid-19 đang hết sức căng thẳng, đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu còn cực khổ gấp nhiều lần, thì những gì tụi em đang trải qua vẫn còn rất nhỏ bé", Nhựt bày tỏ.

Học được nhiều kỹ năng quan trọng

Nhựt và nhóm bạn Trường ĐH Y dược TP.HCM được giao nhiệm vụ hỗ trợ tại Trung tâm Y tế Q.5, TP.HCM. 50 sinh viên được chia ra các phường, tham gia xét nghiệm lưu động, mỗi ngày khoảng 100-200 mẫu. Vì là sinh viên năm cuối nên Nhựt được phân công trực tiếp lấy mẫu để giảm tải cho đôi ngũ y bác sĩ. Nhựt cho rằng, đây chính là kiến thức, kỹ năng thực tế rất bổ ích trong nghề, mà chỉ những sinh viên đi chống dịch mới có cơ hội trải nghiệm.
"Không chỉ vậy, em còn học được rất nhiều điều khác nữa. Lần tình nguyện này em được giao làm nhóm trưởng nên mọi việc như liên hệ, trao đổi, với y bác sĩ, điều phối các bạn trong nhóm... đã giúp cho kỹ năng giao tiếp, quản lý tốt hơn rất nhiều. Ngoài ra, hàng ngày tiếp xúc với bà con ở khu vực lấy mẫu, em còn học được tính kiên trì, nhẫn nại và bình tĩnh. Có những nơi lấy hơn 100 mẫu thì hơn 1/3 là dương tính, có những chỗ là ổ dịch... nếu không bình tĩnh thì không thể vượt qua nỗi lo lắng, sợ hãi để tiếp tục làm việc được", Nhựt chia sẻ thêm.

Mỹ Linh trong một buổi  hỗ trợ tiêm vắc xin

NVCC

Đối với Trương Thị Mỹ Linh, sinh viên năm 2 ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Trường ĐH Hoa Sen, 2 tháng qua tình nguyện tham gia chống dịch đã khiến Linh trưởng thành hơn rất nhiều. Linh kể: "Bên cạnh việc hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, nhập liệu ở Q.Tân Bình, tiêm vắc xin ở Q.Bình Tân, em còn tham gia hỗ trợ đoàn từ thiện phân chia nhu yếu phẩm để tặng cho bà con TP.HCM. Có hôm 5 giờ sáng đã thức dậy và 10-11 giờ đêm mới về nhà. Em học được nhiều thứ lắm, như tính chủ động chẳng hạn. Nhân lực chống dịch ít, việc lại nhiều, nên mỗi người luôn phải chủ động làm việc chứ không đợi giao. Rồi kỹ năng làm việc nhóm, phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ nhau trong tất cả các khâu để công việc trôi chảy, hiệu quả".
Nhưng điều mà Linh thấy tâm đắc vẫn là lòng nhân ái, yêu thương, san sẻ của mọi người dành cho nhau trong mùa dịch. "Chứng kiến nhiều bà con bật khóc khi nhận được quà cứu trợ, em nhận ra đó chính điều quý giá nhất mình học được. Đó là tinh thần "lá lành đùm lá rách", cùng nhau vượt qua khó khăn, cho đi để hạnh phúc", Linh xúc động nói.

Dương Thị Phấn thấy mình cứng cáp, mạnh mẽ hơn sau nhiều ngày đi chống dịch

H.L

Trong khi đó, Dương Thị Phấn, sinh viên năm 2 ngành quản trị kinh doanh, là đội trưởng đội hình tuyến đầu chống dịch của Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, lại rèn luyện được cho mình một tinh thần mạnh mẽ, tích cực sau nhiều ngày hỗ trợ tại các chốt kiểm dịch, các khu vực xét nghiệm ở Q.Phú Nhuận. "Chứng kiến nhiều sự vất vả, cực nhọc của các y bác sĩ, và thấy nhiều em bé bị dương tính vẫn mạnh mẽ đi vào khu cách ly... khiến em cứng cáp hơn, không còn thấy sợ hãi như lúc đầu nữa. Em còn rèn luyện được rất nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết phục, quản lý thời gian, tác phong làm việc nghiêm túc...", Phấn cho biết.
Những ngày vừa qua, buổi sáng thì Phấn chạy từ nhà ở Q.Tân Phú tới hỗ trợ gian hàng 0 đồng dành cho sinh viên trường mình ở Q.9, làm "shipper" giao hàng khắp nơi, rồi trưa lại chạy về để 13 giờ kịp đến khu vực lấy mẫu ở Q.Phú Nhuận. Thế nhưng, cô nữ sinh vẫn luôn tràn đầy năng lượng, là bởi tham gia chống dịch Covid-19 không chỉ giúp cho bản thân trưởng thành hơn, mà còn để thấy mình biết yêu thương, chia sẻ, có trách nhiệm với cộng đồng nhiều hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.