Lập thư viện điện tử lưu giữ các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên

Thu Hằng
Thu Hằng
10/12/2018 18:25 GMT+7

Để các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên không bị cất vào ngăn tủ, Hội Sinh viên cần xây dựng thư viện hoặc ngân hàng điện tử lưu giữ các ý tưởng NCKH của sinh viên.

Đây là ý tưởng được các đại biểu tại Trung tâm thảo luận số 3 “Sinh viên với học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học”, tổ chức tại Đại học Bách Khoa Hà Nội chiều nay (10.12) trong khuôn khổ Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam khóa X, đồng tình, ủng hộ.
Theo đại biểu Phan Thị Nhi, đoàn TP.HCM, mỗi năm có 38.000 đề tài NCKH của sinh viên được thực hiện, trong đó, nhiều đề tài được giải thưởng cấp bộ, nhưng tỷ lệ đề tài được ứng dụng vào đời thường, giúp ích cho đời sống lại chưa phát huy tốt.
Đại biểu Phan Thị Nhi trăn trở: “Nhiều đề tài nghiên cứu thiên về chuyên môn, sau khi tham gia các cuộc thi nằm ở thư viện là thực tế đáng buồn. Tại Đại hội Hội sinh viên lần này, nhiều sản phẩm sáng tạo của các bạn sinh viên trưng bày khiến bản thân mình rất ngưỡng mộ. Tuy nhiên, những sản phẩm sáng tạo sau khi trưng bày sẽ đi về đâu? Mong T.Ư Hội Sinh viên cần tạo ra những sân chơi, phát huy các sản phẩm nghiên cứu NCKH của sinh viên bằng cách giới thiệu với các đơn vị, doanh nghiệp để ngày càng có thêm nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào đời sống”.
Đại biểu phát biếu ý kiến tại Trung tâm thảo luận số 3 Ảnh Thu Hằng
Đại biểu Phan Anh Vũ, đoàn TP.HCM lại cho rằng, đề tài NCKH không ứng dụng được vào cuộc sống bởi các bạn sinh viên thường nghiên cứu trước rồi mới đến gặp doanh nghiệp “tiếp thị”.
“Tại sao chúng ta không tự đi tìm vấn đề đó? Sao chúng ta không tổ chức cuộc thi do chính các doanh nghiệp ra đề, hoặc hỏi doanh nghiệp cần gì rồi chúng ta nghiên cứu. Các bạn sinh viên nên đặt ra tính ứng dụng của đề tài trước, nếu không làm trước ứng dụng sau sản phẩm rất khó đi vào thực tế”, đại biểu Phan Anh Vũ chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến sinh viên khi tham gia NCKH nên đi theo hướng nắm bắt nhu cầu, từ thực tế địa phương, có những vấn đề nóng chưa có giải pháp hay giải pháp chưa khả thi, anh Trần Minh Hoàng, đại biểu lực lượng vũ trang, đề xuất: “Hội nên xây dựng trung tâm lưu trữ trực tuyến các đề tài NCKH. Không chỉ đưa lên những sản phẩm, đề tài mang ứng dụng thực tế mà còn giúp sinh viên tiếp cận với doanh nghiệp. Từ đây doanh nghiệp cũng biết đến sinh viên. Họ sẽ tìm đến sinh viên, tìm đến những đề tài có tính khả thi”.
Để giúp sinh viên marketing sản phẩm của mình với các doanh nghiệp, anh Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch Hội Sinh viên CHLB Đức, cho hay ngoài chuẩn bị cho sinh viên kiến thức nền tốt, Hội Sinh viên có thể tạo ra các diễn đàn kết nối cung - cầu giữa một bên là doanh nghiệp và sinh viên. Khi có cung cầu thông tin, những dự án nhỏ sinh viên có thể làm, những dự án lớn các thầy và cùng làm. Qua những dự án nhỏ, nhen nhóm tinh thần sáng tạo của sinh viên. Bên cạnh đó, từ sản phẩm của mình, các bạn sinh viên còn nhận được các khoản thù lao.
Theo các đại biểu, vấn đề tìm nguồn lực cho NCKH là một khó khăn khiến nhiều sinh viên e ngại không muốn tham gia. Từ kinh nghiệm thực tế, tại Đại học Công nghiệp kỹ thuật Thái Nguyên, anh Hoàng Trung Kiên, đại biểu đoàn Thái Nguyên, chia sẻ: “Hội Sinh viên cần một bộ phận thúc đẩy NCKH để có trực tiếp thể liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn về linh kiện. Họ có các chi nhánh trên toàn quốc, họ sẵn sàng cung cấp các danh mục thiết bị cho sinh viên nghiên cứu. Khi đó, Hội sẽ có ngân hàng về linh kiện, thiết bị, sinh viên vừa kinh phí nghiên cứu, vừa có lương, còn doanh nghiệp thì có giải pháp mà họ cần. Như vậy, công tác NCKH của sinh viên hiệu quả và thuận lợi hơn”.
Tâm đắc với ý tưởng mở thư viện số, nhiều đại biểu tại Trung tâm thảo luận số 3 còn góp ý thư viện có thể mở ra nguồn tài liệu, sách hiếm cho các bạn sinh viên ở các địa phương tham khảo, nghiên cứu; liên kết với Hội sinh viên ở nước ngoài để có thể phổ cập những tiến bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.