Lao động trẻ thời công nghệ: Phải hơn mình của ngày hôm qua

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
01/05/2019 08:48 GMT+7

Dẫu đều là những người đạt thành tích cao trong lĩnh vực của mình nhưng khi ra trường trải nghiệm với công việc thực tế họ luôn học hỏi mỗi ngày để không bị tụt lại đằng sau.

Những “đôi tay vàng”


7 giờ 30, Lê Quí Nhất (23 tuổi) có mặt tại công ty để chuẩn bị cho cuộc họp thường ngày. Nhất sẽ báo cáo tình hình làm việc của mình trong ngày hôm qua, trình bày những khó khăn, làm rõ những vấn đề gặp phải, trao đổi với các thành viên trong nhóm dự án, nêu ra những việc cần làm của ngày hôm nay. Công việc chính của Nhất là tham gia đội ngũ phát triển các tính năng mới cho các dự án của công ty, đồng thời nâng cấp, bảo trì các tính năng hiện có.
Trong khi đó, Nguyễn Đức Lợi (22 tuổi) 6 giờ sáng thức dậy và 7 giờ bắt đầu có mặt tại công ty của mình, nơi chuyên cung cấp máy tiện, phay, khoan và dịch vụ bảo trì, nằm trên quốc lộ 1A. Lợi nhận công tác từ cấp trên xong, bắt đầu lấy xe máy rong ruổi khắp nơi. Dù đi xa hay đi gần, cứ 18 giờ Lợi lại chạy về trường trung cấp để kịp giờ dạy môn lập trình và vận hành máy CNC cho các học trò.
Lê Quí Nhất tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin của một trường ĐH ở TP.HCM năm ngoái. Nhất từng giành được số điểm cao nhất ở nghề thiết kế và phát triển trang web, trở thành một trong 3 thí sinh xuất sắc nhất của kỳ thi tay nghề quốc gia 2018, đồng thời đạt huy chương đồng nghề này tại kỳ thi tay nghề ASEAN ngay sau đó. Vừa tốt nghiệp, Nhất đã được tuyển dụng ngay. Còn Nguyễn Đức Lợi từng giành huy chương vàng kỳ thi tay nghề quốc gia 2018 và huy chương vàng kỳ thi tay nghề ASEAN 2018 ở nghề bảo trì CNC. Lợi cũng được một trường trung cấp ở TP.HCM tuyển dụng làm giáo viên ngay sau khi tốt nghiệp.

Không ngừng học hỏi

Lợi cho biết: “Nghề em chọn là bảo trì thiết bị hệ thống cơ khí, nhu cầu tuyển dụng rất cao. Em nghĩ khi đất nước đang cần những người thợ giỏi, thì người có tay nghề giỏi không bao giờ sợ thất nghiệp”.
Đi làm được một năm, Lợi nhận thấy vùng kiến thức ở trường chỉ là một phần cơ bản. Thực tế công việc phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi sự sáng tạo, khả năng xử lý vấn đề nhanh nhạy. “Mình của ngày hôm nay phải giỏi hơn ngày hôm qua, tay nghề phải phát triển lên. Muốn vậy, phải không ngừng học hỏi, trải nghiệm không chỉ ở lĩnh vực của mình mà còn ở những lĩnh vực liên quan, tiếp xúc với những người giỏi, có kinh nghiệm để học tập”. Với Lợi, việc mình đi dạy mỗi ngày cho thế hệ đàn em ở trường cũng là một cách học và rèn luyện chính mình.
Lê Quí Nhất cũng đang hằng ngày tập trung nâng cao kỹ năng tay nghề, chuyên môn. Công ty của Nhất là một trong những trang thương mại điện tử lớn nhất ở VN, nên Nhất cùng đồng nghiệp luôn tìm cách làm sao để tối ưu hóa hiệu năng và trải nghiệm của người dùng, bảo mật ứng dụng tốt nhất. “Công nghệ thay đổi từng ngày, nếu như tụi em không chủ động tìm hiểu, cập nhật kiến thức mới thì sản phẩm của mình làm ra sẽ lạc hậu, không đáp ứng được cho người dùng hiện tại. Vì thế em luôn cố gắng để cập nhật kiến thức cho bản thân, bắt kịp với các công nghệ mới, áp dụng để nâng cao năng suất lao động. Hiện tại em vừa tham gia các dự án của công ty, vừa tự học thêm tiếng Anh”, Nhất chia sẻ.

Ý KIẾN

Thế hệ trẻ có tham vọng phát triển nghề nghiệp

Lao động trẻ thời công nghệ: Học chưa bao giờ là đủ - ảnh 3
Thế mạnh nổi bật của lao động trẻ chính là tham vọng phát triển nghề nghiệp. Họ thể hiện quan điểm tích cực về nghề nghiệp khi xác định phát triển sự nghiệp đồng nghĩa với quá trình hoàn thiện những kỹ năng chuyên môn, có năng lực đảm nhiệm những vị trí cao hơn và đạt được sự chủ động về tài chính. Do đó, nhiều bạn trẻ hiện nay không quá đòi hỏi phải được tạo điều kiện cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Thay vào đó họ sẵn sàng dành nhiều thời gian cho công việc và cho các cơ hội học hỏi, rèn luyện kiến thức và kỹ năng.
Tuy nhiên thế hệ trẻ cũng có những điểm cần cải thiện. Có thể do tham vọng, do tự tin, do thói quen chỉ biết “nhận” mà chưa biết “cho”, hoặc do thiếu sự hỗ trợ trong việc định hướng nghề nghiệp, có khá nhiều bạn trẻ không đủ kiên nhẫn để gắn bó với doanh nghiệp, tổ chức, đủ lâu để cống hiến và qua đó học tập, rèn luyện được năng lực chuyên môn.
Trong giai đoạn hiện tại và tương lai, bạn trẻ cần lưu ý đến các kỹ năng như học hỏi chủ động, hợp tác với người khác, quản lý con người, kỹ năng đánh giá và ra quyết định, tư duy cảm xúc. Ngoài ra, các kỹ năng liên quan đến kiến thức công nghệ hoặc vận dụng công nghệ trong công việc cũng được nhà tuyển dụng ưu tiên, cũng như khả năng ngoại ngữ và tư duy toàn cầu hóa.
Nguyễn Phương Mai (Giám đốc điều hành Navigos Search)

Khả năng thích nghi nhanh

Lao động trẻ thời công nghệ: Học chưa bao giờ là đủ - ảnh 4
Lao động trẻ ngày nay có tư duy phát triển nghề nghiệp và sự nghiệp khác hơn, với xu hướng muốn gia nhập vào thành phần kinh tế tư nhân nhiều hơn. Lực lượng lao động trẻ năng động hơn, có khả năng thích nghi nhanh với yêu cầu công việc của xã hội hiện đại, đặc biệt là các kỹ năng như ngoại ngữ, tin học. Tuy nhiên điểm yếu thường thấy đó là thiếu sự kiên nhẫn, thiếu sự trung thành với công việc. Đó chính là rào cản khiến người trẻ khó được giao phó đảm trách các vị trí chủ chốt, quản lý với đòi hỏi sự thấu hiểu lâu dài đối với một tổ chức.
Cao Trung Hiếu (Giám đốc điều hành Công ty Dân Trí Soft)

Liên tục cập nhật về công nghệ

Lao động trẻ thời công nghệ: Học chưa bao giờ là đủ - ảnh 5
Người lao động cần nâng cao nhận thức trong việc trang bị kỹ năng để hòa nhập vào thị trường lao động hiện nay, cũng như trong tương lai. Cụ thể là: người lao động cần chú ý về kỹ năng giao tiếp để truyền đạt sao cho mang lại hiệu quả cao trong công việc.
Trước xu hướng phát triển của thời đại, người lao động phải cập nhật liên tục về công nghệ, cũng như các yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, nếu không các bạn sẽ bị tụt hậu và văng ra khỏi đường ray trong khi chuyến tàu thì cứ tiếp tục chạy về phía trước.
Nguyễn Văn Sang (Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM)

Tư duy sẵn sàng đổi mới

Lao động trẻ thời công nghệ: Học chưa bao giờ là đủ - ảnh 6
Xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, làm việc ở nước khác là việc bình thường với các bạn trẻ ngày nay. Do đó, ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn giỏi, người lao động phải trang bị cho mình thật kỹ về tâm thế, kỹ năng và tư duy sẵn sàng đổi mới. Chính vì vậy, người lao động trẻ ngày nay bắt buộc phải đào sâu về chuyên môn nghiệp vụ, nâng tầm chất lượng lên cao hơn để cạnh tranh với lao động các nước khác. Muốn vậy, bạn trẻ phải ra sức học tập và thực hành thực tế nhuần nhuyễn về các kỹ năng nghiệp vụ của mình.
Ngoài kiến thức chuyên môn thì nhân tâm, nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách sẽ là tiêu chí mà nhà tuyển dụng chọn lao động. Điểm yếu của lao động VN là ngoại ngữ, thích ứng văn hóa chưa tốt.
Nguyễn Thanh Liêm (Giám đốc Công ty TNHH Liên Hiệp Phát, Q.Tân Bình, TP.HCM)

Phải luôn sáng tạo

Lao động trẻ thời công nghệ: Học chưa bao giờ là đủ - ảnh 7
Để đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động, các bạn phải luôn nâng cấp bản thân, đầu tư vào học tập, kiến thức kỹ năng để nâng cao giá trị của sức lao động, tạo ra nhiều giá trị mà doanh nghiệp có thể nhìn thấy. Ngoài ra, người lao động phải luôn có những sáng tạo về phương thức làm việc, cải tiến quy trình rút ngắn thời gian, gia tăng hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm.
Thời đại của sự cạnh tranh về chất xám, cạnh tranh về sự đột phá, sáng tạo, do đó các bạn trẻ phải luôn đặt mình trong bối cảnh đó để không ngừng nâng cấp về trình độ, trau dồi thêm nhiều kỹ năng, tư duy cần thiết.
Nguyễn Văn Đức (Giám đốc Công ty TNHH Technics Lê Nguyễn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)
Mỹ Quyên - Lê Thanh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.