“Làm phép” với hạt bình bát

30/12/2011 09:51 GMT+7

Lê Bảo Ngọc - cô học sinh lớp 12A12 Trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng) - đã nghiên cứu và sáng chế thành công thuốc trừ sâu sinh học từ hạt cây bình bát có tác dụng trừ sâu và thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Lê Bảo Ngọc - cô học sinh lớp 12A12 Trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng) - đã nghiên cứu và sáng chế thành công thuốc trừ sâu sinh học từ hạt cây bình bát có tác dụng trừ sâu và thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.


Bảo Ngọc (thứ hai từ phải sang) cùng bạn học làm thí nghiệm trong giờ thực hành môn hóa học - Ảnh: LÊ DUNG 

Trong một tiết học công nghệ năm lớp 10, Ngọc rất thú vị với bài giảng về những loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học, trong đó có cây bình bát. Từ tiết học đó, Ngọc chợt nghĩ ra ý tưởng nghiên cứu và chế tạo thử nghiệm thuốc trừ sâu từ cây bình bát - loại cây có những độc tố diệt trừ được sâu gây hại cho cây trồng, mọc rất nhiều ở địa phương.

Nghĩ là làm, ngay từ đầu năm học lớp 11 Ngọc đã bắt tay vào nghiên cứu hạt bình bát. Nhưng khi thực hiện, mọi công đoạn không hề đơn giản. Sau nhiều lần thử nghiệm không thành công, Ngọc tiếp tục tìm hiểu thêm thông tin từ thầy cô, mạng Internet... Sau giờ học, Ngọc đi hái quả bình bát chín, cẩn thận bóc tách hạt bình bát rồi thử nghiệm pha chế với nước theo nhiều tỉ lệ khác nhau.

Ban đầu, Ngọc giã hạt bình bát trộn với nước rồi phun thử lên rau thì hiệu quả không cao. Sau đó, cô học trò này thêm tỏi làm chất lưu dẫn và rượu để làm cho hạt bình bát tăng tối đa lượng độc tố tiết ra.

Sau mỗi lần thay đổi tỉ lệ pha chế, Ngọc lại mang thuốc trừ sâu từ hạt bình bát thử nghiệm ngay trên những luống rau cải và xà lách của gia đình. “Thời gian này mình thường xuyên ở ngoài vườn để theo dõi, chụp hình, ghi kết quả phun thuốc. Tình hình rất khả quan: luống rau được phun thuốc trừ sâu xanh tốt, ít sâu, còn luống rau không phun thuốc lại bị sâu tàn phá nhiều” - Ngọc cho biết.

Sau nhiều tháng nghiên cứu, thử nghiệm, Ngọc đưa ra công thức pha chế hợp lý: 50 hạt của quả bình bát chín và 10 tép tỏi giã nát, lọc lấy nước rồi hòa với 20 lít nước và 100cc rượu trắng sẽ cho ra thuốc trừ sâu với độc tố cao. Sau khi thuốc được phun thử nghiệm trên 30m2 rau thì 5-10 giây sau sâu có phản ứng với thuốc. Vì thuốc có nguồn gốc từ các chất hữu cơ nên dễ dàng phân hủy dưới ánh sáng mặt trời. Sau thời gian cách ly một tuần, rau an toàn cho người sử dụng.

Theo cô Nguyễn Minh Châu - giáo viên môn công nghệ, người trực tiếp hướng dẫn đề tài cho Ngọc - đây là đề tài có tính ứng dụng thực tế cao, thích hợp với mô hình trồng rau sạch ở hộ gia đình. Đề tài cũng có thể nhân rộng tại các địa phương trồng rau quy mô lớn để bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe con người.

Vượt qua hàng trăm đề tài dự thi trong cả nước, đề tài “Thuốc trừ sâu từ hạt bình bát” vừa đoạt giải nhất hội thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần 7-2011”. Không những thế, nghiên cứu của Ngọc còn được trao cúp vàng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và được giới thiệu dự triển lãm “Sáng tạo trẻ quốc tế” tổ chức tại Thái Lan vào tháng 1-2012.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.