Làm mẹ ở tuổi đến trường

Vũ Thơ
Vũ Thơ
07/02/2019 12:05 GMT+7

Đang ở tuổi đến trường, nhưng không ít cô gái người Mông đã phải làm mẹ và chỉ nuôi con bằng cách có "cái gì, ăn cái đó".

16 tuổi đã sinh con
Tráng Thị Lay (xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) mới 20 tuổi nhưng đã có 4 con, trong đó có 2 con riêng của chồng.
Khoác trên mình chiếc áo đồng phục học sinh, Lay địu trên lưng cậu con trai thứ 2 hơn 1 tuổi. Đứa con đầu của vợ chồng Lay nay đã 4 tuổi. “Khi đang học lớp 5 thì bố mẹ bắt nghỉ học. Ở nhà chỉ đi chăn trâu thôi, rồi lấy chồng, đẻ con”, Lay kể.
Tráng Thị Lay làm mẹ từ khi mới 16 tuổi Ảnh Vũ Thơ
Lay cũng cho biết nhà mình có tới 9 anh chị em, 7 gái, 2 trai. Bố mẹ Lay đều làm nương nên không đủ tiền nuôi con. Lay phải lấy chồng, sinh con. Chồng Lay đã có vợ và 2 con, nhưng người vợ đã bỏ đi.
“Không muốn nghỉ học để lấy chồng đâu nhưng bố mẹ bắt nghỉ thì phải nghỉ thôi. Giờ muốn đi học lại cũng không được nữa vì phải lo cho gia đình. Mình không được đi học, nên sau này mình sẽ cho con đi”, người mẹ trẻ hy vọng.
Tuy nhiên, hiện Lay phải nuôi tới 4 đứa con trong khi chồng cũng chỉ làm nương rẫy. “Cứ làm nương thôi, cũng chẳng biết kiếm tiền đâu", Lay kể. Khi tôi hỏi nuôi con bằng cách nào, Lay cho hay: "Có cơm thì ăn cơm thôi, kiếm được cái gì ăn cái đó”. Lay cũng cho biết, chưa bao giờ được ăn bánh chưng tết. “Tết không có bánh chưng, không có gì”, Lay nói.
Cùng tuổi với Lay, Mùa Thị Danh ở cùng xã Na Cô Sa cũng đang nuôi con hơn 1 tuổi. Danh cho biết đã lấy chồng được hơn 2 năm. Vừa địu con trên lưng, Danh vừa làm may để kiếm tiền. “Máy khâu này là bố mẹ đẻ cho và mở cửa hàng bán một vài bộ trang phục dân tộc. Nhưng bán hàng ở bản cũng không nhiều người mua, vì họ ra xã mua nhiều đồ hơn. Công may thì được 150.000 đồng 1 cái quần, nhưng 1 tuần chỉ có 1 cái thôi”, Danh chia sẻ.
Mùa Thị Danh học hết lớp 9 thì nghỉ học lấy chồng Ảnh Vũ Thơ
Cô gái này cũng cho biết, học hết lớp 9 thì nghỉ ở nhà lấy chồng. “Lấy chồng không thích nhưng không lấy cũng không được vì người Mông không lấy sớm thì không có ai lấy và sau này không có người chăm sóc”, bà mẹ 20 tuổi chia sẻ.
Danh cũng tâm sự: “Lúc đi học thì lại chán nên ở nhà lấy chồng luôn. Học hết lớp 9 nghỉ lâu rồi, quên hết rồi, tính tiền cũng không biết nữa... Giờ nghĩ lại thấy tiếc nhưng cũng không biết làm sao...”.
Tảo hôn còn phổ biến
Theo thượng tá Nguyễn Văn Quý, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Cô Sa, ở huyện Nậm Pồ và những huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên, nạn tảo hôn và sinh nhiều con vẫn diễn ra khá phổ biến.
“Hiện Đồn phụ trách xã Na Cô Sa với 11 bản; tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn phổ biến. Có những cô gái mới ngoài 20 tuổi nhưng đã là mẹ của 4 đứa con rồi”, thượng tá Quý cho hay.
Thượng tá Quý cũng cho biết, ở địa bàn đồn quản lý có tới hơn 90% dân số là người dân tộc Mông và chủ yếu di cư từ nơi khác đến; đời sống kinh tế của người dân khó khăn, chủ yếu làm nương rẫy; phong tục tập quán lạc hậu; trình độ dân trí thấp. Trong khi chính quyền địa phương năng lực quản lý yếu… Điều này khiến việc tuyên truyền, đưa các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình vào cuộc sống gặp rất nhiều khó, khăn thách thức.
Lay và Danh phải làm mẹ trong điều kiện nghèo khó Ảnh Vũ Thơ
“Mặc dù công tác truyên truyền đã làm rất tích cực nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã tham mưu với chính quyền địa phương mấy năm nay để truyền truyền vận động nhân dân bỏ dần phong tục tập quán lạc hậu, trong đó có nạn tảo hôn”, thượng tá Quý cho hay.
“Vừa qua chúng tôi đã phối hợp với Ban Dân tộc của tỉnh tuyên truyền về bình đẳng giới, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nên tình trạng tảo hôn đã giảm đi nhiều. Năm vừa rồi (2018) ở xã Na Cô Sa chỉ còn hơn 10 trường hợp tảo hôn, trước thì nhiều lắm phải 30 - 40 trường hợp/năm”, thượng tá Quý nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.