Lạm dụng rượu, bia làm tan nát đời trẻ

Vũ Thơ
Vũ Thơ
06/05/2019 08:00 GMT+7

Một triển lãm ấn tượng cùng buổi nói chuyện về tác hại lạm dụng rượu, bia do một nhóm sinh viên tổ chức, đã mang đến cho người trẻ và cộng đồng một thông điệp ý nghĩa: “Mượn vừa đủ, làm chủ bản thân”.

Thấy tác hại của việc lạm dụng rượu, bia ngày càng nhức nhối, một nhóm sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã xây dựng dự án Rượu mượn nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng rượu của người Việt, đặc biệt là giới trẻ.
Lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật của người trẻ về tác hại của rượu và văn hóa sử dụng rượu, sự kiện “Điểm dừng” (với 3 nội dung triển lãm, tranh biện và tọa đàm) vừa được dự án tổ chức tại Hà Nội.

Khắc họa “ma men”

[VIDEO] Hình thù con "ma men" trong mắt người trẻ và Tuấn Tiển Tỉ
Triển lãm với chủ đề “Nét văn hóa uống rượu của người Việt qua lăng kính đa chiều và tác hại của việc lạm dụng rượu, bia” đã gây ấn tượng cho người trẻ và cộng đồng.
Tại đây có những câu chuyện xung quanh về rượu với loạt ảnh về nhân vật là một cô gái chịu ảnh hưởng nặng nề từ người cha ruột - một “ma men” trong chính gia đình cô. Thông qua những bức ảnh về những nạn nhân bị bạo hành do rượu, triển lãm đã truyền đi thông điệp: Rượu, đôi khi không chỉ để lại những vết sẹo trên thể xác mà còn là những tổn hại sâu sắc trong tâm hồn những nạn nhân gián tiếp của thực phẩm này.

Việc mượn rượu không chỉ là vấn đề xã hội mà còn ăn sâu vào văn hóa của người VN. Để thay đổi phải bắt đầu tốt nhất từ các bạn trẻ

Lê Thị Phương Anh, sinh viên Học viện Báo chí và Truyên truyền

Bên cạnh các hình ảnh, triển lãm còn tái dựng “hiện trường” xảy ra dưới tác hại của việc uống rượu không điểm dừng như: những mâm cơm tan nát, những cuộc tương tàn… Bức tranh 3D nổi thực hiện bằng những mảnh vỡ từ những chai bia, rượu đã qua sử dụng với thông điệp Stop & Think như lời kêu gọi về cách sử dụng rượu đúng mực tới những người trẻ, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên.
Những chất liệu được sử dụng trong triển lãm đa dạng và đầy thú vị: âm thanh, hình ảnh, mô hình… tất cả tạo thành một bức tranh toàn cảnh về hai mặt tốt - xấu của rượu, bia khi con người biết giữ chừng mực hoặc lạm dụng chúng. Người xem triển lãm có thể nghe một đoạn chia sẻ từ nhân vật thật trong một vụ tai nạn bởi rượu, cũng như có thể đọc lại những mẩu tin được tổng hợp.
Đặc biệt, nhiều thông điệp do các bạn trẻ gửi gắm đã được viết trong mỗi mẩu giấy treo tại triển lãm. Mỗi mảnh giấy là một câu chuyện nhỏ, những dòng chia sẻ dù ngắn cũng đủ gợi nên bức tranh toàn cảnh về vấn đề liên quan tới rượu trong các gia đình người Việt. "Giá mà tôi có một ông bố như những ông bố khác. Những ông bố khác chắc sẽ không say rượu về đánh con mình bầm tím mặt mày, vớ được cái gì là đập cái đó vào đầu", lời tâm sự của cô gái trẻ chịu ảnh hưởng nặng nề từ người cha ruột nát rượu. Triển lãm cũng khắc họa những con số ấn tượng do các nhà nghiên cứu đưa ra về tác hại và tình trạng sử dụng rượu, bia ở VN.
“Ma men” làm tan nát đời trẻ1
Những câu chuyện về rượu được kể ngắn gọn trong những mẫu giấy

Đừng mất mạng vì bia, rượu

Dự án Rượu mượn được xây dựng bởi 18 thành viên là sinh viên năm thứ 2, lớp truyền thông marketing K37-A2, Khoa Quan hệ công chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chia sẻ về sự kiện “Điểm dừng”, sinh viên Bùi Mai Phương, Trưởng ban Truyền thông dự án, nói: “Chúng tôi mong muốn sẽ truyền tải và lan rộng được nhiều thông điệp ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hóa sử dụng rượu bia cho giới trẻ nói riêng và ngừời dân VN nói chung”.
Theo PGS-TS Nguyễn Sinh Phúc, chuyên ngành tâm lý học lâm sàng Bệnh viện Quân y 103, giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, có quá nhiều tác hại do rượu bởi nó tàn phá hệ tiêu hóa và các hệ thống khác. Đặc biệt “tỷ lệ rối loạn tâm thần do rượu kinh khủng”, ông Phúc nói. Ông đưa ra dẫn chứng những năm 1980 cơ sở mà ông làm việc ghi nhận ít có bệnh tâm thần do nghiện rượu, nhưng gần đây con số này tăng cao với khoảng 150 trường hợp/năm.
Còn YouTuber Tuấn Tiền Tỉ nêu quan điểm: “Từ chối rượu là bản lĩnh của một người đàn ông. Khi mà mình có mục tiêu, yêu bản thân mình thì có thể nói không với bất cứ trường hợp nào. Nếu có mục tiêu đi làm, giữ sức khỏe, thì được mời, bạn cứ từ chối. Đó mới là bản lĩnh”. Tuấn Tiền Tỉ cũng cho biết bản thân nhiều lần từ chối đã xây dựng được “thương hiệu”: không uống rượu nên không ai ép nữa và cũng không bị rủ đi uống nữa.
Sinh viên Lê Thị Phương Anh, Học viện Báo chí và Truyên truyền, cho rằng đây là chương trình ý nghĩa. “Việc mượn rượu không chỉ là vấn đề xã hội mà còn ăn sâu vào văn hóa của người VN. Để thay đổi phải bắt đầu tốt nhất từ các bạn trẻ, vì các bạn đã có nhận thức về vấn đề này rồi. Từ nhận thức có thể đưa ra những hành động đúng đắn để hạn chế những hệ lụy về sau của việc sử dụng rượu”, Phương Anh bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.