Lạc về tuổi thơ trên phố sách cũ Sài Gòn

Thúy Hằng
Thúy Hằng
11/05/2018 15:02 GMT+7

Một gian nhà sâu hun hút, toàn sách là sách, chỉ để những lối đi nhỏ xíu, muốn qua phải lách người thật khéo. Ông chủ quán hơi béo một chút cầm chiếc quạt phe phẩy. Phố sách cũ Sài Gòn thật dễ thương.

Phố Trần Nhân Tôn, quận 5, TP.HCM, không biết từ bao giờ được người ta đặt tên là phố sách cũ. Phố có mười mấy tiệm gần nhau, bán đủ các loại sách, báo, tạp chí, truyện tranh, đều là cũ, được chọn lựa, đặt ở những khu riêng biệt. Giống như đường Láng của Hà Nội cũng chuyên về đủ loại sách cũ, Trần Nhân Tôn được nhiều người yêu và mê sách tìm đến. Dù đường Trần Nhân Tôn của Sài Gòn ngắn hơn, tiệm sách cũ ít hơn, thế nhưng những người bán hàng dễ thương, gần gũi khiến cho việc đi mua - tìm sách cũ, với nhiều bạn trẻ trở thành một sở thích đặc biệt những lúc nhiều thời gian rảnh rỗi.
Sách cũ bìa và giấy đều ố vàng nhưng nhiều người vẫn tìm kiếm Thúy Hằng
Tại tiệm sách số 57 Trần Nhân Tôn, Nguyễn Tường Vy, 30 tuổi, trú đường Nguyễn Tri Phương, quận 5 đang mải mê tìm những cuốn sách dạy nấu ăn. Sau một hồi, Tường Vy mang sách ra ngoài tính tiền, đó là những cuốn xuất bản từ những năm 1980, giấy ố vàng, không có tranh ảnh gì minh họa sinh động.
“Sách nấu ăn bây giờ rất nhiều, lại in đẹp, tại sao chị vẫn thích những cuốn sách cũ thế này?”. “Sách mới không có những món ăn cũ, những món gia truyền của nhiều gia đình người Sài Gòn, bạn sẽ chẳng thấy ở đâu trong những cuốn sách mới, in đẹp long lanh bây giờ”, cô gái trẻ trung đáp.
Đỗ Ngân Thương, 28 tuổi, nhân viên marketing tại một công ty về bánh kẹo trên đường Hai Bà Trưng, quận 1 thường đi tìm sách cũ mỗi khi cô cảm thấy trong lòng có gì không vui. Thương thích tìm đến những cuốn truyện tranh từng gắn bó với mình cả tuổi thơ như Conan, Nữ hoàng Ai Cập, Thủy thủ mặt trăng… hoặc một số sách về Sài Gòn của Lê Văn Nghĩa, hay tác giả trẻ Anh Khoa. Những cuốn sách có thể mất bìa, nhiều trang bị nét bút ghi nguệch ngoạc nhưng cảm giác vừa được đọc sách, vừa sống lại tuổi thơ là có thật.
Thương nói nhỏ với tôi: “Nếu lần đầu đến một tiệm sách cũ, bạn chớ có tự mình đi tìm. Chỉ cần nêu tên sách hay thể loại sách, ông chủ sẽ nhớ ngay khu vực của nó và chỉ tay, bạn tha hồ lựa chọn và mải mê trong bạt ngàn sách và những mùi thơm của giấy. Những cuốn ở dưới đáy, bạn đừng tự rút nghen, sách sẽ đổ cả chồng vào người đó, cứ gọi nhân viên của quán nhé”. Sách cũ - vô tình khiến những người lạ, chưa từng gặp gỡ như tôi và Thương, trở thành những người tưởng đã thân quen từ lâu lắm.
Hình ảnh quen thuộc tại những cửa hàng trên phố sách cũ Thúy Hằng
Tại sao ở Sài Gòn, những tiệm sách mới mọc lên như nấm, tiệm nào cũng cửa kính sang trọng, mở cửa từ sáng tới khuya muộn, sách Việt Nam cho đến nước ngoài đều không thiếu, nhưng, những tiệm sách cũ ở Trần Nhân Tôn, Trần Hưng Đạo hay Trần Huy Liệu vẫn có sức thu hút với nhiều người trẻ?

Ông Hiếu Ngọc, chủ tiệm sách cũ 57 đường Trần Nhân Tôn, cười hiền: “Tôi nghĩ có thể sách cũ in đủ đầy hơn, chính xác hơn. Nhiều bản in mới có thể bị cắt gọt đi, đọc không thể đã bằng những cuốn in từ xa xưa”.
Ông Hiếu Ngọc có nhiều tiệm sách cũ, trên đường Trần Nhân Tôn và Trần Hưng Đạo, gắn bó công việc với sách cũ hàng chục năm trời, người đàn ông thừa nhận mình trân quý sách, dù bây giờ cuộc sống bận rộn, chẳng cho ông thời gian có thể ngồi trầm tư đọc từng trang như thời trai trẻ.
Đỗ Ngọc Đoan, 21 tuổi, Phó chủ nhiệm CLB Sách và hành động TP.HCM bày tỏ, thói quen tìm mua sách cũ của nhiều bạn trẻ là những tín hiệu vui, cho thấy sách và tình yêu sách vẫn sống rất mãnh liệt trong trái tim của nhiều người.
“Tôi cũng nhiều lần lang thang tìm sách cũ. Một trong những lý do là có những quyển sách hồi bé tí mình đọc, bây giờ muốn đọc lại mà nó lại ngưng xuất bản rồi. Thế là ra quầy sách cũ tìm, cảm giác giống như tìm lại một mảng ký ức vậy. Hơi khó khăn mất thời gian nhưng thú vị. Mặt khác, mấy cô bác bán sách cũ khá dễ thương, thấy tôi lục tìm cũng hỏi han rồi kể chuyện rất vui. Sách cũ là cơ duyên mang nhiều niềm vui đến mọi người”, Đỗ Ngọc Đoan bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.