Thạc sĩ bỏ việc đi... gấp giấy, kiếm vài chục triệu mỗi tháng

19/12/2017 13:52 GMT+7

Sau vài năm đi làm với tấm bằng cao học ngành điện tử viên thông của Trường ĐH Bách Khoa, Nguyễn Hùng Cường, 28 tuổi quyết định bỏ công việc ổn định để theo đuổi niềm đam mê với bộ môn gấp giấy nghệ thuật (Origami).


Anh Nguyễn Hùng Cường, 28 tuổi, là con trai út trong gia đình có hai chị em ở Q.Hoàng Mai, Hà Nội. Anh sớm bộc lộ niềm yêu thích với những mô hình giấy như con thuyền, con hạc hay máy bay từ nhỏ... Thấy con trai hào hứng, bố mẹ anh mua những cuốn sách về gấp giấy để tặng con. 
Video: Thạc sĩ bỏ việc... đi gấp giấy - Thực hiện: Lê Nam - Trọng Thủy
Từ sở thích trở thành đam mê, anh như bị cuốn theo những nếp gấp ngọt ngào của mỗi tờ giấy. Cho đến khi những mẫu vật mà anh thực hiện vượt ra ngoài phạm vi của những cuốn sách...

"Gấp nhiều thành quen. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến những tờ giấy nên khi nhìn những vật dụng hay con vật trong đời sống thì trong trí tưởng tượng có thể hình dung ra ngay làm thế nào để tạo ra công thức gấp giấy thành những thứ đó", anh Cường chia sẻ.

Sau này anh gặp được những người bạn có chung sở thích nên lập nên Hội Gấp Giấy Việt Nam (Vietnam Origami Group - VOG) và sinh hoạt với các thành viên một cách sôi nổi.

Trong cuộc thi Gấp giấy thế giới, năm 2009 sáng tác theo chủ đề chủ đề gấp loài gấu đang bị tuyệt chủng, có 80 người chơi của hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới thì anh đã xuất sắc đạt vị trí Á quân của cuộc thi.

"Từ sau đó, tôi có có nhiều cơ hội với báo chí trong nước và cả quốc tế, tôi may mắn được xuất bản những cuốn sách và có cơ hội đi đến nhiều triển lãm về gấp giấy trên thế giới", anh Cường vui vẻ nói.

Kiếm vài chục triệu mỗi tháng từ việc gấp giấy

Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành điện tử viễn thông của Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh sớm có được công việc đúng chuyên ngành mà nhiều bạn bè đồng trang lứa mơ ước. Mặc dù mức lương không quá cao nhưng rất ổn định, gia đình vô cùng hài lòng. 

"Lúc mới đi làm, bản thân mình nghĩ khó có thể theo được Origami chuyên nghiệp và lâu dài. Có thể là duy trì cả 2 việc song song", anh nói.

Tuy nhiên sau hơn một năm làm việc, anh quyết định... bỏ việc trong sự ngỡ ngàng của gia đình. "Ba mẹ lo chứ, ngày nào cũng hỏi mình sẽ dự định làm gì? Kiếm tiền thế nào và sống ra sao trong thời gian tới...", thạc sĩ điện tử viên thông nhớ lại.

Đến thời điểm hiện tại, có lẽ anh là một trong số ít người dám theo đuổi Origami và coi đó như một nghề để kiếm sống.

"Thu nhập mỗi tháng đến từ các dự án gấp giấy của các nhãn hàng hay công ty mà mình nhận được. Tùy vào mục đích và quy mô mà mỗi dự án có thể từ vài triệu cho đến vài chục triệu".

Tên tuổi ngày một được khẳng định nên hầu như không lúc nào anh Cường rảnh việc. "Tôi có gắng đi nhiều nơi, kiếm thật nhiều cơ hội nhất có thể".
Triển lãm cá nhân đầu tiên của anh về Origami vừa được tổ chức tại TP.HCM. Ảnh Lê Nam
Từ con ngựa tinh xảo gấp bằng tờ tiền 2.000 VNĐ... Ảnh Lê Nam
Cho đến con bọ cạp gấp bằng giấy dó đồ sộ thế này. Ảnh Lê Nam

Đầu tháng 12 vừa qua, anh có tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên về Origami tại TP.HCM. Hàng chục mẫu vật từ siêu bé con ngựa gấp từ tờ tiền 2.000 VNĐ cho đến bọ cạp đồ sộ, với độ chi tiết đến tận... chân răng khiến cho nhiều bạn trẻ Sài Gòn hết sức bất ngờ khi đến tham dự triển lãm.

Quen vợ cũng nhờ Origami

Không chỉ đem đến một công việc, gấp giấy còn mang lại cho anh một gia đình nhỏ. Chị Trần Thu Hà, 25 tuổi, kế toán một công ty dầu khí tại Hà Nội trước đây cũng từng là "một tay chơi" Origami của Hội gấp giấy Việt Nam lứa đầu tiên.

Cường gặp Hà trong một vài sự kiện do hội tổ chức, nhận ra những điểm tương đồng rồi dần nảy sinh tình cảm từ lúc nào không hay. Cách đây 2 năm, hai người chính thức về chung một nhà sau đám cưới đầy ấm áp.
Chuyện tình đẹp của hai người cùng yêu... gấp giấy. Ảnh NVCC
"Tôi cảm thấy may mắn vì có một người vợ chung sở thích. Hơn nữa, cô ấy rất thấu hiểu và sẻ chia với những khó khăn mà tôi gặp phải khi theo đuổi bộ môn này", anh Cường nói về chị Hà.
Hai vợ chồng anh Cường trong một sự kiện gấp giấy được tổ chức tại TP.HCM mới đây. Ảnh Lê Nam

Giờ đây, mặc dù không chuyên tâm theo Origami như chồng nhưng trong bất kể chuyến đi hay dự án về gấp giấy nào mà chồng thực hiện, chị Hà đều ủng hộ mà một lòng dốc sức hỗ trợ chồng.

Bởi vậy mới thấy, theo đuổi đam mê, không chỉ có thành công theo đuổi bạn, mà còn có cả hạnh phúc xin nguyện "bám càng" suốt đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.