Kịch giấy giúp trẻ có nhiều niềm vui, kiến thức

Tấn Đạt
Tấn Đạt
17/11/2020 10:38 GMT+7

Kịch giấy không chỉ thu hút nhiều trẻ em, mà còn tạo ra nhiều tình tiết bất ngờ xen lẫn thú vị, vui tươi.

Áp dụng diễn kịch giấy vào tiết học

Vừa mở chiếc khung gỗ, chị Nguyễn Thiên Kim, 35 tuổi, hạ giọng nói: “Xin chào các bạn mình là ninja Manmaru, hôm nay mình sẽ đi gửi thư cho ông”. Chị Thiên Kim tiếp tục kéo tấm tranh thứ hai lên và nói với giọng sợ hãi: “Ôi, có rắn kìa mình phải làm thế nào bây giờ”. Chị Kim lại hỏi: “Vậy ninja Manmaru làm gì đây các em?”.
Ngay lập tức các bạn nô nức giơ tay, người thì đoán gọi cho ba mẹ, người thì nói chạy đi… Sau đó bức tranh thứ 3, thứ 4 cũng xuất hiện, làm các bạn nhỏ vỡ òa trong cảm xúc thích thú vì biết được kết quả. Cứ thế, từng tấm tranh được rút ra, nhiều tình tiết bất ngờ cộng với lối diễn xuất  tài tình khiến các bạn trẻ không khỏi tò mò, hứng thú.
Là người đoán đúng những câu hỏi, Nguyễn Khánh Nguyên, học sinh lớp 6a1, Trường THCS Ngô Tất Tố, TP.HCM, cho biết may mắn nhờ có đọc qua vài truyện tranh Nhật, nên suy luận rằng Manmaru đã dùng thuật phân thân.
“Em cảm thấy rất vui và hào hứng, thích nhất là những đoạn cô giả các nhân vật, giọng của cô nghe hay lắm”, Nguyên nói.

Khánh Nguyên rất háo hức trong khi trả lời đúng câu hỏi

Ảnh: Tấn Đạt

Cũng có mặt tại đây, chị Hoàng Minh An, 27 tuổi, công tác tại Trường mầm non My School, TP.HCM, cho biết mình cũng đã nhiều lần áp dụng phương thức diễn kịch giấy vào tiết học để hoạt náo.
“Qua đây mình có nhiều kinh nghiệm về lối diễn. Công nhận mỗi lần 'bày trò' này thì nhận thấy đám trẻ rất say mê lắng nghe hoặc hào hứng khi mình đặc câu hỏi, từ đó giúp các em mạnh dạn hơn”, cô An cho hay.

Video biểu diễn kịch giấy

 

Trẻ tiếp nhận kiến thức sinh động hơn 

Chị Thiên Kim cho biết đây là một loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian nổi tiếng của Nhật Bản mang tên Kamishibai. Theo đó, nó được kể chuyện bằng tranh vẽ trên giấy, còn được biết đến với tên gọi “kịch giấy”. ("Kami" trong tiếng Nhật có nghĩa là giấy, còn "Shibai" là diễn kịch hoặc kể chuyện). Người nghệ sĩ đặt từng bức tranh ở phía sau một khung hình và thay đổi chúng dựa theo diễn biến của câu chuyện mà mình đang kể.
Không chỉ có tiết mục Cậu bé ninja, tại buổi biểu diễn lần này nhóm của chị Thiên Kim còn đem đến cho các bạn nhỏ một số tác phẩm: Thằng BờmĐám Cưới Chuột
Hơn 3 năm nay, chị Kim cùng với một số bạn trẻ đã cùng nhau đi diễn nhiều nơi với mong muốn nhiều người biết đến kịch giấy Kamishibai.
“Mượn loại hình văn hóa Nhật Bản để truyền tải những câu chuyện, văn hóa, lịch sử của đất nước Việt Nam. Đó cũng là mục đích mà nhóm mình muốn hướng đến”, chị Kim bộc bạch
Là người đồng hành với chị Kim, chị Nguyễn Thị Ngọc Dung (38 tuổi) cũng có lòng đam mê với loại hình kịch giấy. Chị Dung khẳng định làm theo cách này trẻ con có thể tiếp nhận kiến thức sinh động và dễ nhớ hơn là phải học thuộc lòng. “Một tiết mục kể kịch thành công là giúp các bạn trẻ có nhiều niềm vui, kiến thức…”, chị Dung bày tỏ.

Chị Kim chia sẻ khó khăn nhất là các tác phẩm kịch giấy hiện nay đều xuất bản tại Nhật Bản, khó khăn trong việc đặt mua

Ảnh: Tấn Đạt

Chị Nguyễn Thiên Kim cho biết không phải cứ đem những bức hình mình vẽ lên trình diễn là trở thành tiết mục kịch giấy. Có thể thấy mỗi hình của Kamishibai chỉ có 1 hoặc 2 chi tiết rất đơn giản và phía sau bức hình có in nội dung kể chuyện, nhưng cũng không vì thế mà bị phụ thuộc vào nó. Người kể cần phải biến hóa, linh động, làm cho câu chuyện hấp dẫn, tạo thêm nhiều điểm nhấn để cho các bạn nhỏ vui hơn. Đặc biệt, khi ở sân khấu ngoài trời thì nên chọn những loại truyện có tương tác cao.
“Để biểu diễn được hay, trước tiên phải nắm được cốt truyện. Mặc dù phía sau tranh có viết lời, nhưng không thể cứ nhìn vào đó mà đọc. Phải có sự tương tác và truyền cảm xúc đến những các bạn ở dưới. Khi nào rút giấy nhanh, khí nào rút giấy chậm… tất cả là ý đồ của mình để tạo ra những tình tiết bất ngờ kích thích sự tò mò của các em”, chị Kim chia sẻ thêm.

"Trẻ lại rất nhiều"

Là thành viên lớn tuổi nhất nhóm, hai vợ chồng ông Bùi Đức Liễn, 77 tuổi, (cựu họa sĩ NXB Kim Đồng) và bà Trần Nguyệt Hòa, 68 tuổi, cũng đã theo nghề kịch giấy này gần 30 năm.
Ông Liễn kể vào tháng 9 năm 1991,Hiệp hội Văn hóa Kamishibai, Nhật Bản qua Việt Nam mở lớp dạy diễn và vẽ kịch giấy đầu tiên. May mắn là người được học, đồng thời một số tác phẩm như:Thằng BờmĐám Cưới Chuột, Chiếc Lược Ngà… do ông Liễn phác họa cũng được đem qua Nhật để xuất bản thành các tập truyện để diễn kịch.
“Thật sự chú rất vui mừng khi các câu chuyện của Việt Nam được thế giới đón nhận, cho đến nay các tác phẩm đó đang được biểu diễn bên Nhật Bản”, ông Liễn nói.

Mặc dù thuộc U.70, nhưng chú Liễn vẫn hăng say diễn cho các em nhỏ xem

Ảnh: Tấn Đạt

Ông Liễn tâm sự: “Mỗi lần diễn cho mấy bạn nhỏ, chú cảm thấy như trẻ lại rất nhiều, luôn muốn hòa mình vào sự ngây thơ, hồn nhiên của chúng”.
Còn bà Trần Nguyệt Hòa cho biết từ khi còn nhỏ mình đã thích thú với bộ môn nghệ thuật này và muốn theo đuổi đến cùng. “Để truyền đạt loại hình cũng như nhiều bài học giá trị đến cho các em thì cần đặt cái tâm vào mỗi lần diễn. Đó là làm như thế nào để nhen nhúm đức tính tốt của bạn nhỏ từ những hành động nhỏ nhất sau khi kết thúc một tiết mục kịch giấy”, bà Hòa tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.