Không gian sáng tạo phải tạo ra lợi nhuận

30/12/2014 05:14 GMT+7

“Chính tôi cũng không ngờ số không gian sáng tạo lại nhiều như vậy”, cô Uyên Ly, người thực hiện nghiên cứu về các không gian sáng tạo, Hội đồng Anh, cho biết.

“Chính tôi cũng không ngờ số không gian sáng tạo lại nhiều như vậy”, cô Uyên Ly, người thực hiện nghiên cứu về các không gian sáng tạo, Hội đồng Anh, cho biết.

Không gian sáng tạo phải tạo ra lợi nhuận
Một buổi diễn nghệ thuật tại không gian sáng tạo Manzi, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội - Ảnh: V.T
Con số khoảng 40 không gian sáng tạo mà nghiên cứu của Hội đồng Anh đưa ra không chỉ làm những người dự buổi công bố này mới đây ngạc nhiên. Chính người trực tiếp làm nghiên cứu đó, cô Uyên Ly cũng ngạc nhiên vì số lượng quá lớn này. Theo đó, Hà Nội sở hữu 24 không gian sáng tạo, TP.HCM có 10, một số khác ở Hải Phòng, Huế và Thái Bình. Các không gian này bao gồm cả không gian trực tuyến.
Số phận của các không gian sáng tạo cũng rất khác nhau. Uyên Ly chia sẻ, ngay trong tuần đầu thực hiện nghiên cứu, cô đã chứng kiến được cả sự đóng cửa lẫn mở ra của các không gian sáng tạo. Nói cách khác, chúng được mở ra và cũng bị đóng lại liên tục. Vào thời điểm đầu tháng 4.2014, cô chứng kiến Saigon Hub, một không gian của nhiều dự án khởi nghiệp tại TP.HCM đóng cửa. Tuy nhiên, chỉ 6 ngày sau đó, Station 3A, một không gian sáng tạo được coi là thú vị nhất tại TP.HCM được khai trương. Tổ hợp này gồm các hội chợ nghệ thuật, không gian cho các nghệ sĩ vẽ tranh graffiti, cửa hàng thời trang, cửa hàng bán sản phẩm trang trí nội thất. Cùng lúc đó, tại Hà Nội, vào đầu tháng 5, một quán cà phê âm nhạc và điện ảnh ra đời. Zone 9 cũng rục rịch mở cửa trở lại hồi tháng 7 với tên gọi mới X98, dưới sự quản lý của người sáng lập cũ, kiến trúc sư Trần Vũ Hải.
Sáng tạo đi đôi với kinh doanh
CẦN SỰ HỖ TRỢ TỪ PHÍA HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH
Nghiên cứu cũng cho thấy các không gian sáng tạo rất cần sự hỗ trợ từ phía hoạch định chính sách cũng như xây dựng nhận thức và thông tin về ngành công nghiệp sáng tạo. Bởi, theo hướng hoạt động kết hợp cả nghệ thuật lẫn kinh doanh, nhiều doanh nghiệp cũng còn khó khăn khi thu không đủ bù chi.
“Chúng tôi chọn những không gian có sử dụng các yếu tố sáng tạo và có yếu tố kinh doanh, hướng tới lợi nhuận”, cô Ly cho biết. Điều này cho thấy không gian sáng tạo được đánh giá cao bởi tính “tự nuôi sống, tự vận động” của nó. Nhờ nguồn lợi tức từ chính hoạt động sáng tạo này, các không gian sẽ trở nên bền vững hơn.
Chủ của Station 3A, bà Đỗ Tuyết Mai, trong một phỏng vấn của nhóm nghiên cứu, nói: “Trên thực tế, trong cộng đồng nghệ thuật có một sự lười nhác và phụ thuộc vào các nguồn tài trợ. Trong quá khứ, có những nguồn dồi dào. Ví dụ như Saigon Open City là một dự án xin được tài trợ. Nhưng giờ thì không còn nhiều cơ hội như vậy. Thêm vào đó, sẽ rất khó nếu chỉ xin tài trợ từ các quỹ văn hóa nước ngoài như Hội đồng Anh hay Viện Goethe bởi vì bản thân nguồn tài chính của họ cũng có giới hạn”. Vì thế, giờ đây nhiều người tự làm để nuôi không gian sáng tạo của mình. Đơn cử, một trong những người chủ của Manzi, bà Vũ Trâm, từng là người theo dõi văn hóa của Hội đồng Anh.
Sự vận động theo cách này còn mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng. Chúng tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho xã hội. Chẳng hạn, nghiên cứu cho thấy, mỗi không gian sáng tạo dù lớn hay nhỏ cũng đều tạo thêm việc làm như vậy. Như ở Zone 9 có tới 1.000 nhân viên cho 60 hộ kinh doanh. Chưa kể, các doanh nghiệp sáng tạo này cũng rất quan tâm đến trách nhiệm doanh nghiệp. Life Art của Phan Ý Ly, một mô hình giáo dục, luôn dành học bổng cho người khó khăn.
Về điều này, nghiên cứu của Hội đồng Anh cho rằng cần hỗ trợ các kỹ năng và nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nhân sáng tạo, nghệ sĩ, những người trực tiếp hoạt động trong các ngành nghề này. Bên cạnh đó, cũng nên thúc đẩy tinh thần kinh doanh thông qua các giải thưởng Doanh nhân sáng tạo trẻ. Điều đó cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới doanh nhân sáng tạo trong và ngoài nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.