Không để trẻ em chịu thiệt thòi

29/10/2019 18:45 GMT+7

Với mong ước không để bất kỳ em nhỏ nào phải chịu thiệt thòi, nhiều dự án vì cộng đồng được lập nên và giải quyết những vấn đề, khó khăn cho nhiều đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Trong cuộc thi “Đề xuất dự án cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” do Quỹ Beautiful World Project (BW Project) tổ chức, nhiều bạn trẻ đã mang đến những dự án là cả tâm huyết, sự trăn trở với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Và các bạn đã hành động, đã lập nên những dự án để cùng hành động vì trẻ em, để các em không còn phải chịu thiệt thòi dù hoàn cảnh, số phận không may mắn.

Bảo vệ trẻ em đường phố

Nhận thấy thực trạng những trẻ em mưu sinh đường phố về đêm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, thuộc Trường ĐH An Giang, đã bắt tay thực hiện dự án Phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em mưu sinh đường phố.

Theo chị Quách Thị Hồng (thành viên dự án) thì trẻ đường phố thiếu kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân, nên các em luôn lo sợ khi mưu sinh trên đường phố. Bên cạnh đó, người thân do điều kiện hoàn cảnh khó khăn nên vẫn còn thờ ơ với những nguy hiểm của trẻ khi mưu sinh trong đêm tối. Mặt khác, cộng đồng xung quanh vẫn chưa nhận thấy và chưa thật sự quan tâm đến sự an toàn của những trẻ này.

Chị Hồng mong muốn cộng đồng cùng đồng hành để giữ mãi nụ cười hồn nhiên của trẻ mưu sinh đường phố

HOA NỮ

Từ đó chị Hồng kết luận: “Trẻ đường phố không có mạng lưới bảo vệ chắc chắn từ gia đình, nhà trường, cộng đồng và các em thiếu môi trường sống, mưu sinh an toàn, cũng như tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại tình dục rất cao”.

Chị Hồng cho biết nhóm dự án sẽ tập hợp trẻ em đường phố, thực hiện những chuyên đề, tổ chức nhiều trò chơi đố vui có thưởng, từ đó lồng ghép việc dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cho các em.

Bên cạnh đó, nhóm còn tập huấn cho phụ huynh, phát tờ rơi, sổ tay kỹ năng hay là các buổi triển lãm ảnh để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em.

“Mặc dù những hoạt động này không mới nhưng rất cần thiết với trẻ em đường phố”, chị Hồng nhấn mạnh.

Kết thúc bài thuyết trình, chị Hồng cho mọi người xem hình ảnh về hai bạn nhỏ mưu sinh bằng nghề bán vé số, rồi chị gửi gắm: “Hai trẻ tuy đi bán vé số vất vả nhưng luôn giữ được nụ cười vô tư, hồn nhiên. Vì vậy nhóm mong nhận được sự ủng hộ, đồng hành để dự án có thể duy trì được nụ cười của các em, giúp các em an tâm vững bước trên con đường đầy chông gai này”.

Dạy vẽ cho trẻ khiếm thính

Tại cuộc thi, những bạn trẻ đến từ Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính CED, mang đến dự án “Nét vẽ tạo dựng tương lai của trẻ khiếm thính”. Với dự án này, nhóm sẽ tổ chức những lớp dạy vẽ cho trẻ khiếm thính và tìm đầu ra cho những sản phẩm mà các trẻ khiếm thính của dự án vẽ được.

Bạn trẻ thích thú với các sản phẩm vẽ của trẻ em khiếm thính

HOA NỮ

Theo Huỳnh Thiên Trịnh (thành viên dự án) thì thông qua dự án trẻ khiếm thính sẽ có được kỹ năng học nghề vẽ, phát triển nhận thức qua nghệ thuật, có việc làm ổn định, kiếm được thu nhập và đặc biệt là định hướng được nghề nghiệp cho bản thân.

“Dự án kết nối với các trường học, nhà xuất bản và tổ chức các buổi triển lãm để thu nguồn kinh phí, từ đó tạo ra nguồn quỹ ổn định, lâu dài hỗ trợ cho trẻ em khiếm thính có thể được đi học, định hướng nghề nghiệp. Thông qua đó sẽ giảm được rào cản ngăn cách người khiếm thính trong việc học và tìm kiếm việc làm”, Trịnh chia sẻ.

Trịnh thuyết trình về dự án tại cuộc thi

HOA NỮ

Tại cuộc thi, nhóm dự án mang đến những chiếc chai nhựa đã qua sử dụng, được các trẻ khiếm thính tái chế và trang trí lại bằng những nét vẽ rất đáng yêu, nghệ thuật. Nhưng để làm được những sản phẩm như thế này, nhóm dự án đã nghiên cứu ra công nghệ xử lý bề mặt để các em có thể vẽ bằng màu nước lên chai nhựa. Vì theo một thành viên của nhóm, thông thường muốn vẽ lên nhựa thì bắt buộc phải dùng một loại sơn mà rất độc hại, nên để đảm bảo được sự an toàn cho trẻ khiếm thính khi vẽ, nhóm đã nghiên cứu ra công nghệ để bổ trợ. Bên cạnh đó, nhóm còn ứng dụng công nghệ vẽ hai lớp để với những chai nhựa trong suốt có thể nhìn thấy được hình vẽ ở cả 2 mặt của chai.

Bệnh nhi không còn sợ hãi

Mở đầu cho phần thuyết trình của mình, một nhóm sinh viên đến từ Trường ĐH Mở TP.HCM, đã diễn một vỡ kịch không lời, tái diễn lại câu chuyện của một bé trai 8 tuổi bị tai nạn giao thông, phải cắt chân và bé trai không chấp nhận được thực tế đó, dẫn đến gặp nhiều vấn đề về mặt tâm lý làm ảnh hưởng đến tiến độ điều trị bệnh.

Đó là thực trạng mà nhiều bệnh nhi đang gặp phải, vì các em phải điều trị ở bệnh viện dài ngày, tách biệt với thế giới bên ngoài…, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần và thể chất của các em.

Lan thuyết trình về dự án của nhóm

HOA NỮ

Nhóm dự án Ngày hạnh phúc được thành lập với mong muốn phục hồi về mặt thể chất, tâm lý cho trẻ và thân nhân bệnh nhi. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ, nâng cao năng lực đạo đức cũng như nâng cao khả năng thực hành cho sinh viên ngành công tác xã hội.

“Các bệnh nhi khi điều trị trong thời gian dài, các em bị căng thẳng và cần được hỗ trợ về mặt tâm lý. Các em thiếu những trò chơi, sinh hoạt tích cực. Thiếu hoàn toàn các kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc bản thân trong môi trường bệnh viện, làm các vết thương, bệnh tình ngày càng nặng hơn…”, Trần Thị Phong Lan (sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, thành viên nhóm), chia sẻ.

Nhiều năm qua, hằng ngày mỗi thành viên của nhóm đều thay phiên nhau để đến bệnh viện thực hiện các hoạt động như tham vấn, giáo dục kỹ năng sống, cung cấp các kiến thức thông qua các buổi sinh hoạt nhóm, đọc sách… Hay đơn giản là cùng chơi với các bệnh nhi, cùng mang đến niềm vui và sự thoải mái về tâm lý cho các bệnh nhi và người nhà.

Sau cuộc thi, 4 dự án xuất sắc nhất sẽ nhận được tài trợ 100 triệu đồng từ Qũy Beautiful World Project để tiếp tục phát triển dự án. Quỹ Beautiful World Project được thành lập nhằm tài trợ và thực hiện các dự án hỗ trợ trẻ em Việt Nam và khu vực ASEAN có cuộc sống tốt đẹp hơn, giúp các em có hoàn cảnh đặc biệt sẽ mạnh mẽ, tự tin và phát triển toàn diện.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.