Không dám học khối C vì… sợ không được đánh giá cao

19/10/2020 15:40 GMT+7

'Em giỏi các môn khối C nhưng lo lắng sợ không dám chọn khối này vì sợ không được đánh giá cao, sợ thất nghiệp, ít cơ hội ngành nghề. Em nên làm thế nào?', một học sinh đối thoại với thủ khoa.

Sáng nay, 19.10 tại Trường THPT Tân Túc, thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh, TP.HCM, hơn 1.900 học sinh của trường cùng đối thoại với các thủ khoa khối C và D năm 2019. Những băn khoăn, âu lo về cách học tập cũng như chọn ngành, nghề được các em chia sẻ, tâm sự với những anh chị đi trước.

Học sinh cũng cần tìm hiểu thị trường lao động

Thủ khoa khối D, 26 điểm trong đó môn tiếng Anh đạt 10 điểm tuyệt đối, Trương Mỹ Trân (đang là sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) trao đổi với các học sinh về nguyên lý Pareto 80/20 (nguyên lý cho rằng 80% kết quả là do 20% nguyên nhân gây ra).
Từ đó, Trân khuyến khích các bạn trẻ nên ôn tập có mục tiêu cụ thể. Học trò nên tập trung xác định những vấn đề trọng tâm của mỗi môn học, bài học thông qua việc nghe giảng và trao đổi với thầy cô và bạn bè. Đồng thời, các bạn trẻ cũng nên tìm hiểu về cấu trúc đề thi trong những năm gần đây.

2 thủ khoa cùng đối thoại với các học sinh

Ảnh Trường Duy

Thủ khoa khối D năm 2019 cũng cho rằng, học sinh nên xác định nhu cầu ngành nghề, việc làm mà xã hội đang cần qua tìm hiểu thị trường lao động. Thường xuyên cập nhật tin tức, tìm hiểu các trang tuyển dụng... cũng là một cách làm hay.
Trịnh Thế Tân, thủ khoa khối C với 27,25 điểm, đang là sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) khuyên các em học sinh nên xác định ngành nghề phù hợp theo sở thích, năng lực, nhu cầu xã hội. Các em cần chú ý khám phá sở thích của bản thân, đánh giá năng lực và xác định nhu cầu xã hội qua nhiều kênh khác nhau để có một cái nhìn tổng thể nhất khi hướng nghiệp.
Thủ khoa Thế Tân bày tỏ quan điểm cá nhân: “Tôi thấy ba mẹ sẽ thường định hướng cho con em mình đi theo nhu cầu xã hội để dễ có việc làm ổn định trong tương lai. Nhà trường và các kỳ thi sẽ thiên về đánh giá năng lực, sẽ giúp các em sẽ biết mình đang ở đâu và cần phải học gì, làm gì tiếp theo trong quá trình học tập. Tôi mong các em nên tìm hiểu về sở thích vì chỉ các em mới biết rõ điều này. Cần phân biệt giữa cái mình “thích” và cái mình “muốn” vì chúng ta có thể muốn nhiều thứ nhưng sẽ thật sự thích điều gì đó khi chúng ta có cơ hội trải nghiệm hoặc tìm hiểu đủ về nó”.

Học khối nào không quan trọng bằng học ra sao

Trả lời những câu hỏi thắc mắc của các học sinh, làm sao để học các môn văn, lịch sử, địa lý có điểm cao, mất căn bản nên học từ đâu, thủ khoa khối C Trịnh Thế Tân đã cho các em nhiều lời khuyên ý nghĩa.
Trước âu lo của một học sinh, các em không biết nên học khối C hay không, vì sợ không được đánh giá cao, gia đình can ngăn, không ủng hộ học và thi khối C vì sợ sẽ thất nghiệp, ít cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Thủ khoa khối C Trịnh Thế Tân khẳng định: “Chỉ cần các em thật sự có đam mê, sống hết mình với đam mê, thật sự giỏi ở lĩnh vực mà mình chọn thì cái nghề sẽ tự tìm đến với mình”.

Thầy cô, học sinh cùng hướng về miền Trung

Ảnh Trường Duy

Chia sẻ với phóng viên, cô Nghiêm Thị Kim Oanh, phụ trách phòng tâm lý học đường Trường THPT Tân Túc cho biết trong thời gian qua, rất nhiều học sinh tới phòng tâm lý mong được hỗ trợ về những lời khuyên kỹ năng sống, lời khuyên phòng ngừa bạo lực học đường và đặc biệt, các em băn khoăn về định hướng nghề nghiệp. “Các em thường xuyên xuống hỏi về việc học ngành gì, chọn nghề gì. Tôi đưa cho các em làm trắc nghiệm tính cách, sở thích để hướng nghiệp phù hợp cho từng em”, cô Kim Oanh nói.
Chị Phạm Anh Thư, chuyên viên đào tạo công ty gia sư eTeacher, chia sẻ: “Nếu các em học sinh đã tìm hiểu, có sự chuẩn bị và tin vào năng lực bản thân thì mong các em hãy an tâm và luôn vững tin với sự lựa chọn của mình. Bất kỳ khối ngành, lĩnh vực nghề nghiệp nào thì đều có những cơ hội và thách thức nhất định. Đặc biệt, các em nên học thêm một ngoại ngữ, nếu chưa biết mình thích gì thì hãy chọn tiếng Anh. Trong xu thế hội nhập hiện nay, dù em học khối A, B hay C hay khổi nào đi nữa, chỉ cần em có năng lực và hội nhập tốt thì cơ hội việc làm sẽ luôn rộng mở”.

Học trò, thầy cô cùng hướng về miền Trung

Chương trình đối thoại cùng thủ khoa không chỉ cho học trò những lời khuyên về ôn tập, chọn lựa ngành. Đầu chương trình là phần chia sẻ đầy xúc động của các thầy cô, mong các học trò, công nhân viên nhà trường cùng chung sức ủng hộ hướng về miền Trung, vùng đang chịu ảnh hưởng rất nhiều vì lũ lụt. Mỗi đóng góp, dù nhỏ bé của mỗi người lúc này đều rất có ý nghĩa với những người dân vùng lũ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.