Không chuyên môn cũng xác định khuyết tật cho trẻ!

21/09/2015 04:20 GMT+7

Không có chuyên môn về y khoa, thế nhưng phường, xã, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh... cũng tham gia xác định mức độ khuyết tật của trẻ, theo quy định hiện hành.

Không có chuyên môn về y khoa, thế nhưng phường, xã, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh... cũng tham gia xác định mức độ khuyết tật của trẻ, theo quy định hiện hành.

Không có chuyên môn về y khoa, thế nhưng phường, xã, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh... cũng tham gia xác định mức độ khuyết tật của trẻ, theo quy định hiện hành.

 
Không chuyên môn cũng xác định khuyết tật cho trẻ !Do không xác định được mức độ khuyết tật, một số hội đồng cấp xã đã “hướng dẫn” phụ huynh đưa con đi khám bệnh lòng vòng - Ảnh: Như Lịch
Theo luật Người khuyết tật, hội đồng xác định mức độ khuyết tật do chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) thành lập. Hội đồng này bao gồm các thành viên: chủ tịch UBND cấp xã là chủ tịch hội đồng; trạm trưởng trạm y tế cấp xã; công chức cấp xã phụ trách công tác LĐ-TB-XH; người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban MTTQ VN, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh cấp xã..., người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.
Thế nhưng thực tế, nhiều phụ huynh phản ánh khi họ đưa con em có dấu hiệu bị tự kỷ, tâm thần, thần kinh... đến các phường, xã để xác định mức độ khuyết tật thì những hội đồng ở địa phương rất lúng túng, khó đưa ra quyết định chính xác.
“Biết gì nữa đâu mà hỏi”
Cách đây 3 tháng, chị T.M (35 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) đến UBND phường nơi chị thường trú để nộp đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật cho con trai 6 tuổi. Theo chị T.M, ngoài mục đích xin xét duyệt trợ cấp xã hội (nếu có), chị còn rất cần tờ giấy xác nhận khuyết tật của phường để bổ túc hồ sơ nhập học cho con mình. Bởi lẽ, con chị mới nhập học (trái tuyến) chương trình hòa nhập ở một trường tiểu học Q.3 và hiệu trưởng nhà trường nhiều lần thúc giục gia đình chị phải nộp giấy xác nhận khuyết tật nói trên.
Chị T.M cho biết trong hồ sơ đề nghị xác định khuyết tật, chị nộp kèm giấy chứng nhận tình trạng của con mình, do nhân viên Khoa Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) kiểm tra. Trong đó có kết luận “Trẻ chậm phát triển mức trung bình”. Chị T.M kể: “Trong tháng 7, hội đồng xác định mức độ khuyết tật ở phường mời mẹ con tôi đến. Họ hỏi tôi về quá trình bệnh trạng cũng như sinh hoạt hằng ngày của cháu, rồi hỏi cháu một số câu về tên, tuổi, nhưng cháu không trả lời. Khi trưởng trạm y tế nói những thành viên khác còn hỏi gì nữa không thì có người lên tiếng là giờ biết gì nữa đâu mà hỏi. Thế rồi họ bảo chúng tôi ra về. Chờ thêm một thời gian khá dài, chúng tôi không biết phải làm gì tiếp theo. Tôi sốt ruột quá, hỏi thăm cô phụ trách LĐ-TB-XH ở phường thì cô ấy bảo cứ chờ. Đến ngày 14.8, phường gọi tôi ra làm thủ tục để chuyển hồ sơ đi nơi khác giám định”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trường hợp con chị T.M đã được hội đồng xác định mức độ khuyết tật ở địa phương đánh giá là “Không xác định được” và chuyển lên Hội đồng giám định y khoa TP.HCM. Được biết, ca giám định cho cháu bé diễn ra vào ngày 19.9.
Mỗi nơi thực hiện một kiểu
Cũng trong tháng 7 năm nay, hội đồng xác định mức độ khuyết tật của P.Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM đã mời chị N.M (28 tuổi) và con trai Đ.K (6 tuổi) đến UBND phường. Cũng như chị T.M, khi làm hồ sơ cho con mình, chị N.M đã nộp giấy chứng nhận của Khoa Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng 2, trong đó có nhận xét bé Đ.K bị “chậm phát triển so với tuổi/tăng vận động”.
“Hội đồng hỏi mẹ con tôi một số câu, rồi nói giấy chứng nhận của bệnh viện còn chung chung quá, nên chưa quyết được và giao cô trưởng trạm y tế phường chỉ dẫn thêm về mặt chuyên môn để tôi hoàn thiện hồ sơ”, chị N.M kể. Sau đó, cô trưởng trạm y tế (là một y sĩ) đã giới thiệu chị N.M đưa con sang khám ở một bác sĩ phường bên cạnh. Tuy nhiên, bác sĩ này không dám khám mà giới thiệu đến Khoa Tâm lý - Tâm thần trẻ em (thuộc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) ở số 165B Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Lần lượt trong hai ngày 13 và 27.8, chị N.M đã đưa con đến đơn vị này để khám, trắc nghiệm trí tuệ K-ABC và uống thuốc điều trị.
Ngày 3.9, chị N.M đến UBND P.Bình Trưng Đông để nộp bổ sung đơn thuốc và kết quả trắc nghiệm nói trên của bé Đ.K. Đến chiều 14.9, hội đồng của phường đã mời mẹ con chị N.M đến để tiếp tục tiến hành xác định mức độ khuyết tật cho bé Đ.K.
Chúng tôi đem trường hợp cháu Đ.K đến tham khảo cách xử lý ở một số địa bàn khác. Ông Phạm Minh Trí, nguyên Phó chủ tịch UBND P.12, Q.8 (hiện là Phó phòng Nội vụ UBND Q.8), khẳng định: “Theo quy định, những trường hợp mà hội đồng xác định mức độ khuyết tật ở phường, xã, thị trấn không xác định được thì chuyển lên hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh. Việc chỉ người dân đi lòng vòng những chỗ khác là không đúng!”.
Ông Mai Văn Thọ, Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Hội đồng xác định mức độ khuyết tật P.Trung Mỹ Tây (Q.12, TP.HCM), cho rằng không ai được quyền yêu cầu người dân đi tới bệnh viện này bệnh viện kia để khám. Ông Thọ quả quyết: “Nếu làm vậy là đẻ thêm yêu cầu cho người dân, là ngoài quy định pháp luật. Nếu người dân có sẵn những giấy tờ chứng nhận bệnh án thì chúng tôi xem đó chỉ là một kênh tham khảo. Còn phần xác minh, ra quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó là thuộc về hội đồng xác định mức độ khuyết tật”.
Ý kiến
Ông y sĩ phải xem lại kết luận của bác sĩ !
Trạm y tế xã chúng tôi không có bác sĩ, chỉ có y sĩ. Trước nay, hội đồng đều giới thiệu người khuyết tật qua khám tại trung tâm y tế huyện - đóng cùng địa điểm với trạm y tế xã. Sau khi có kết quả, ông y sĩ ở trạm phải xem lại kết luận của bác sĩ để góp ý kiến cùng các thành viên khác trong hội đồng.
HỒ VĂN ĐẠT - Chủ tịch UBND xã Bình Phong Thạnh, H.Mộc Hóa, tỉnh Long An
Bị động theo lịch của chủ tịch phường
Khi nhận hồ sơ, chúng tôi báo cho chủ tịch phường để anh ấy xếp lịch tổ chức xác định khuyết tật. Nhưng nhiều khi anh kín lịch luôn, họp liên tục, nên có cuộc họp nào hoãn là anh báo liền cho chúng tôi sắp xếp. Vì vậy, có những trường hợp chúng tôi không viết giấy mời kịp, phải điện thoại cho người khuyết tật và người nhà của họ lên luôn.
Một cán bộ phụ trách LĐ-TB-XH tại một phường ở Q.1, TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.