Khởi nghiệp trên những đôi chân không lành lặn

08/06/2017 10:35 GMT+7

Nhóm 5 người thì có 4 người tật nguyền, và họ đã đoàn kết, nương tựa nhau để tự khẳng định trong cuộc sống.

Làm để chứng minh mình có ích cho xã hội
Những ngày cuối tuần, căn nhà nhỏ của chị Lê Thái Thị Phương Thảo (37 tuổi, P.An Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) lại đầy ắp tiếng cười, bởi lúc đó các thành viên trong nhóm họp để cùng làm sản phẩm mật ong chanh đào. Tay đang làm lớp bao bên ngoài keo mật ong chanh đào, anh Nguyễn Chí Toàn nói: “Chúng tôi quyết tâm làm để chứng minh mình có ích trong xã hội”.

tin liên quan

Những sản phẩm từ…dế của các bạn trẻ
Ban đầu là bánh dế, tiếp đến là snack dế, dế chiên giòn, dế sấy, bột dinh dưỡng... và chuỗi thực phẩm sạch làm từ dế được nhóm bạn trẻ khởi nghiệp thuận lợi.
Nói đến thành công của nhóm, không ai quên được công của chị Thảo, người đã truyền nghị lực để các thành viên của nhóm vượt qua khó khăn, tự khẳng định mình. Năm 2003, tốt nghiệp cử nhân hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, xin mãi chị mới có việc làm tại một bệnh viện ở Tiền Giang. Sau đó, nhờ thầy giới thiệu, chị vào làm tại một công ty chuyên nghiên cứu về gien tại Vĩnh Long. Đến năm 2015, chị quyết định nghỉ ở nhà để lo cho tổ ấm của mình.
Theo chị Thảo, trong quá trình chăm sóc con, con hay bệnh khi trái gió trở trời. Có người chỉ chị làm mật ong chanh đào để con uống tăng sức đề kháng, hỗ trợ hô hấp… và chị làm theo. Thấy con uống khá hiệu quả, chị nảy sinh ý tưởng dùng thức uống này để khởi nghiệp. Một người bình thường khởi nghiệp đã gian nan, với người khuyết tật như chị càng gian nan hơn. Nhưng với quyết tâm, chị đã vượt qua khó khăn và gầy dựng một nhóm khởi nghiệp như hiện nay. “Vì tôi sinh hoạt tại Hội Người khuyết tật Cần Thơ, muốn tạo việc làm nên tôi rủ thêm bạn cùng tham gia”, chị Thảo nói.
Thêm tự tin, thêm nhiệt huyết
Trong nhóm làm mật ong chanh đào của chị Thảo có 4 người khuyết tật ở chân. Tuy gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau dẫn đến khiếm khuyết về vận động nhưng ai cũng có động lực vươn lên trong cuộc sống. Bởi vậy khi chị Thảo gợi ý, họ đều tham gia nhiệt tình. Chị Ôn Thị Hồng Nhan (32 tuổi, quê ở Thốt Nốt, Cần Thơ) đang sống tại Cơ sở Nhịp Cầu (Q.Ninh Kiều) cho biết chị đã ở cơ sở 10 năm, cùng làm một số sản phẩm cho người khuyết tật để bán kiếm sống, tuy nhiên đây là lần đầu tiên chị chính thức cùng nhóm khởi nghiệp. “Năm tôi 9 tuổi, căn bệnh viêm tủy sống để lại di chứng liệt đôi chân. Sau đó là những ngày tháng khó khăn sống trên đôi nạng gỗ. Lúc đầu khi Thảo rủ tham gia nhóm tôi cũng hơi lo lắng vì mình tàn tật, tuy nhiên tham gia rồi thấy vui, ít nhất bản thân có thể tự làm việc và hơn hết bên cạnh là những người biết yêu thương, chia sẻ”, chị Nhan nói.

tin liên quan

Ngã xuống thì phải đứng lên
Đó là chia sẻ của bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, tại Ngày hội “Sinh viên sáng tạo và khởi nghiệp” do Tỉnh đoàn Đồng Nai tổ chức hôm qua, 7.5.
Anh Toàn (39 tuổi, quê Phụng Hiệp, Hậu Giang) thì bị liệt hai chân vì di chứng sốt bại liệt. “Tôi phải gắn với đôi nạng gỗ từ năm 1 tuổi đến nay. Sau đó, tôi ở Cơ sở Nhịp Cầu, khoảng 4 tháng mới về quê một lần. Thấy dự án khởi nghiệp của chị Thảo khá hay nên tôi tham gia. Tôi có thể làm những việc phù hợp với khả năng như cắt chanh, làm màng co giữ nắp keo, rót mật ong… Công việc này giúp tôi thêm tự tin, thấy mình vẫn có ích, sống thêm nhiệt huyết”, anh Toàn nói.
Trong nhóm chỉ có Nguyễn Mộng Kha (24 tuổi, sinh viên năm cuối ngành chăn nuôi thú y Trường ĐH Cần Thơ) lành lặn. “Đôi chân” của nhóm rất nhanh nhẹn, hoạt bát và là cầu nối để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. “Trong quá trình học tôi từng tham gia công tác tình nguyện và biết được dự án khởi nghiệp của chị Thảo có ý nghĩa nên tham gia với mong muốn giúp một phần gì đó cho các anh chị”, Kha tâm sự.
Theo chị Thảo, khi bắt đầu thực hiện dự án khởi nghiệp cũng lắm gian nan, vì làm hư sản phẩm rất nhiều do chưa cân bằng được lượng nguyên liệu, rồi anh chị em đều không lành lặn nên thường làm bể keo… Tuy nhiên với quyết tâm, sản phẩm chanh đào mật ong của nhóm với tên Vstar đã ngày một hoàn thiện. Sản phẩm đã được cấp các giấy chứng nhận cần thiết và bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường. “Chúng tôi sẽ hoàn thiện thêm sản phẩm để đưa vào siêu thị, phòng khám đông y nhằm giúp quảng bá sản phẩm cũng như tiêu thụ nhanh hơn”, chị Thảo nói.

tin liên quan

Giúp thanh niên nông thôn về học nghề miễn phí
Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM vừa ký kết với 5 huyện đoàn khu vực ngoại thành TP.HCM gồm: Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi về chương trình “Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên nông thôn” từ nay đến cuối tháng 12.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.