Khởi nghiệp nghĩ khác nhưng phải thiết thực

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
01/12/2018 09:22 GMT+7

Đó là gợi ý của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ KH-CN phối hợp với UBND TP.Đà Nẵng tổ chức hôm qua (30.11).

Làm từ việc nhỏ liên quan đến dân sinh
Tại diễn đàn, diễn giả các nước trong khu vực gồm: Singapore, Thái Lan cũng như đại diện các tổ chức quốc tế đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng để thúc đẩy xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Tham dự phiên thảo luận về kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực ASEAN, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã gợi mở nhiều vấn đề thú vị, thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ. Theo Phó thủ tướng, việc phát triển cộng đồng khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp ở VN còn nhiều khó khăn nhưng các cơ quan của nhà nước, đặc biệt Chính phủ rất quan tâm và thực sự mong muốn thúc đẩy cộng đồng này phát triển.

Dẫn số liệu 70% dự án khởi nghiệp ĐMST tại VN có yếu tố nước ngoài, chỉ 1/40 quỹ đầu tư mạo hiểm là của người VN, Phó thủ tướng cho rằng, không có sự phân biệt các dự án khởi nghiệp trong hay ngoài nước. “Nhưng quan trọng nhất, Chính phủ sẽ tìm mọi cách để phơi ra, trình bày những khó khăn mà chúng tôi nhìn thấy. Khó khăn có thành cơ hội hay không là tùy vào các bạn”, Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh: “Chính phủ mong muốn nhận được đóng góp những câu hỏi mà hằng ngày bản thân các bạn cần giải đáp. Có câu hỏi, có nhiều vấn đề mọi người quan tâm thì chắc các bạn khởi nghiệp sẽ tìm thấy cơ hội”.
Phó thủ tướng cho rằng, làm khởi nghiệp không thể đòi hỏi thuận lợi hay khi làm phải gắn ngay với thế giới, toàn cầu hoặc phải trở thành công ty triệu, tỉ đô. Trước hết, hãy bắt đầu từ những nhu cầu thiết thực hằng ngày, từ những việc rất nhỏ liên quan giáo dục, đi lại, khám chữa bệnh của người dân, nông nghiệp… “Và khi có ý tưởng khác với những người khác đang làm thì các bạn hãy bắt đầu. Nghĩ lớn, nghĩ khác nhưng đừng quên phải cụ thể, thiết thực, quan trọng là chúng ta dám nghĩ, dám làm”, Phó thủ tướng nhắn nhủ.
“Coi gió lào là đặc sản để khởi nghiệp”!
Tại phần thảo luận chính sách địa phương, đại diện ngành KH-CN của nhiều địa phương đã bàn về các động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM, cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp phải là hệ sinh thái cộng sinh, cộng đồng, trong đó các thành phần hệ sinh thái phải làm việc với nhau mới phát triển được. “Văn hóa VN tạo ra nhiều rào cản cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Yếu tố lớn nhất là thiết chế. Ngoài ra, doanh nghiệp (DN) lớn của VN chưa phải là DN dẫn dắt được hệ sinh thái. Các DN lớn dè chừng vì sợ bị nuốt chửng”, ông Dũng nhận định.
Tán đồng quan điểm này, ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH-CN Nghệ An, cho rằng văn hóa người xứ Nghệ cũng có những rào cản nhất định. Bởi lẽ ở trên dải đất miền Trung rất khó khăn, ý tưởng khởi nghiệp cũng rất ngại thay đổi, sợ rủi ro. Vì vậy, Nghệ An đã chọn cách đi riêng trên hiện trạng của địa phương và được sự hỗ trợ của bộ, ngành T.Ư. “Chúng tôi lựa chọn tính lợi thế so sánh, đặc thù riêng của tỉnh để giúp các DN khởi nghiệp. Tôi hay nói vui rằng, hãy coi gió Lào của Nghệ An là đặc sản để cạnh tranh nơi khác không có gió Lào, để khởi nghiệp. Chính vì thế, sản phẩm cam Vinh mang tính bản địa của Nghệ An đang được đầu tư của các DN trong và ngoài nước…”, ông Thành nói.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, có nhiều địa phương có cây trồng, vật nuôi mang thế mạnh và gắn liền tên tuổi của địa phương. Trong đó, có DN nhanh chóng sử dụng lợi thế, sản phẩm địa phương để khởi nghiệp. “Có bạn ở miền núi khởi nghiệp từ loại cây mang tính địa phương. Ban đầu tưởng chơi nhưng lại bán được và phát triển DN của mình. Việc phát hiện cây, con thế mạnh của địa phương rất quan trọng trong phát triển ý tưởng sáng tạo của các bạn”, ông Tùng nói và cho biết Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương phát triển sản phẩm bản địa.
Kết thúc diễn đàn, Bộ KH-CN đã ký kết văn bản hợp tác với các cơ quan đối tác từ Singapore, Thái Lan, Malaysia…
Xây dựng Hệ tri thức Việt nhận ý kiến từ người dân
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ đang giao Bộ KH-CN xây dựng đề án Hệ tri thức Việt với mong muốn cộng đồng từ Chính phủ, DN và đặc biệt là người dân đóng góp dữ liệu tập trung vào giáo dục, y tế, thanh toán điện tử, nông nghiệp… Việc đóng góp sẽ thông qua việc đặt các câu hỏi về những vấn đề mà người dân gặp phải trong cuộc sống. “Khi nhiều người cùng quan tâm về một vấn đề thì đó là cơ hội của các DN khởi nghiệp”, Phó thủ tướng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.