Khởi nghiệp không nên liều lĩnh

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
06/07/2018 19:42 GMT+7

Đó là quan điểm của chàng trai tốt nghiệp ngành quy hoạch vùng và đô thị nhưng lại khởi nghiệp từ… nghề mộc, một nghề truyền thống của gia đình và đạt được thành công nhất định chỉ sau 3 năm.

Muốn “lăn lộn” để làm chủ

Phan Thanh Vũ (26 tuổi, Quảng Ngãi) tốt nghiệp ngành quy hoạch vùng và đô thị của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM năm 2015. Trong thời gian học, Vũ nhận ra mình không phù hợp lắm với ngành học này, mà lại thích "lăn lộn" với công việc thiết kế và thi công nội thất hơn.

Ngay từ năm 3, năm 4 Vũ đã làm thêm bằng cách nhận về những công trình nhỏ như thiết kế quán cà phê, văn phòng. Những sản phẩm bàn ghế, kệ sách cơ bản không quá cầu kỳ, Vũ tự thi công luôn. Với lợi thế nhà có 4 đời làm nghề mộc, từ nhỏ Vũ đã phụ ba làm những công việc như đục, khoan, cưa, sơn… nên mọi thứ đều khá đơn giản với Vũ.

“Nhà em có truyền thống làm mộc, em là đời thứ 4. Anh trai em thì đi làm văn phòng không liên quan gì đến nghề của gia đình. Sau khi tốt nghiệp, em quyết định khởi nghiệp bằng một công ty thiết kế, thi công nội thất để có thể duy trì nghề truyền thống của gia đình và làm cho nó chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, ba mẹ lại muốn em đi học ĐH để được làm việc nhàn hạ ở một công ty nhà nước, có máy lạnh… Chính vì thế, khi mở công ty, em đã phải giấu ba mẹ”, Vũ cho biết.

Vũ bên những cộng sự của mình (thứ 4, từ phải sang) P.T.V

Với khoản tiền hơn 100 triệu đồng dành dụm được khi đi làm thêm từ thời sinh viên, Vũ đã mở một xưởng gỗ nhỏ, sau đó tuyển nhân viên thiết kế và thi công. Sau 3 năm, doanh nghiệp nhỏ của Vũ đã thiết kế và thi công hàng trăm công trình và hiện đã có một xưởng gỗ lớn hơn với 10 nhân viên. Những lúc nhiều công trình, Vũ phải thuê thêm 4-5 nhân viên thời vụ để làm kịp tiến độ. Từ lúc không ủng hộ hướng đi của con, sau khi thấy con làm rất bài bản, ba mẹ Vũ thấy thương và còn cho Vũ vay thêm vốn để mở rộng xưởng gỗ.

Để không “biến mất” sau khi khởi nghiệp

Vũ kể, trong quá trình khởi nghiệp, Vũ đã gặp không ít khó khăn như bị những đối tác lớn hơn quỵt tiền, có lúc mất hàng trăm triệu. “Họ nhiều tiền hơn nhưng lại chỉ trả 50, 70% hợp đồng. Đến khi xong, họ không chịu trả nốt phần còn lại. Tuy nhiên, em coi đó là khoản 'học phí' để giúp mình có được kinh nghiệm xương máu trong công việc...”, Vũ chia sẻ.

Nói về khởi nghiệp, Vũ cho rằng bạn trẻ phải có định hướng rõ ràng, có kế hoạch cụ thể và phải biết sức mình ở đâu để chọn lựa hành trang vừa sức mình.

Một trong những mẫu thiết kế do công ty Vũ thực hiện

“Có nhiều bạn khởi nghiệp lúc đầu rất đầu tư vào hình ảnh và tên tuổi, nhưng một thời gian sau bỗng dưng mất tích, giờ thì đi làm ở công ty. Có bạn rất liều, vay tận 2 tỉ để khởi nghiệp, mua nhà và mở quán cà phê, hằng tháng phải quay cuồng với việc trả lãi suất ngân hàng. Rồi bạn phải nhập viện vài lần vì không chịu nổi áp lực do kinh doanh không như ý. Điều em muốn chia sẻ ở đây là khi khởi nghiệp, bạn trẻ nên biết lượng sức mình, không nên liều lĩnh. Hãy đi chậm mà chắc, từng bước một. Bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Khi thấy chắc rồi mới bước tiếp, có như vậy mới có cái nền móng tốt và bước đi được xa hơn”, Vũ nhận định.

Không rầm rộ quảng cáo, không quá cầu kỳ trong xây dựng hình ảnh, thậm chí “ông chủ” Vũ không có cả cardvisit, nhưng công ty của Vũ cứ thầm lặng như vậy nhưng đã có được những khách hàng “ruột” cho mình. Rồi cứ thế, người này hài lòng thì lại giới thiệu người kia, tạo nên một “mạng lưới khách hàng” rất bền vững. “Điều em cảm thấy vui nhất là đã phát huy nghề của gia đình, được làm công việc mình yêu thích và làm khách hàng hài lòng”, Vũ tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.