Khát vọng được cống hiến

Vũ Thơ
Vũ Thơ
13/12/2020 15:37 GMT+7

Tối 12.12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi giao lưu Khát vọng Việt Nam, trao Giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả Cầu Vàng và phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong khoa học công nghệ năm 2020.

Tham dự chương trình giao lưu Khát vọng Việt Nam có anh Bùi Quang Huy, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; bà Bùi Huyền Mai, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
Bà Bùi Huyền Mai thay mặt lãnh đạo TP.Hà Nội chúc mừng các đại biểu tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam và cho biết chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn trọng dụng nhân tài. Với sự quan tâm đó, đội ngũ tài năng trẻ có bước lớn mạnh, khẳng định mình và góp phần xây dựng đất nước. “Chương trình hôm nay là sự kiện vừa tôn vinh các tài năng trẻ, đồng thời để các tài năng trẻ có thể tham gia đóng góp vào vấn đề thời sự mang tính chất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước”, bà Mai nhấn mạnh.
Tại buổi giao lưu, GS-TSKH Vũ Minh Giang (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng các bạn trẻ muốn vươn tới thành công thì phải tự tin và đánh giá đúng mình. Làm sao thu hút được nhân tài, theo ông Giang, cứ sử dụng nhân tài thì người tài xuất hiện. “Thanh niên nên đề xuất có cơ chế sử dụng người tài thì tự nhiên người tài xuất hiện”, ông Giang nói.
Bà Nguyễn Ngọc Dung, chuyên gia đến từ Bộ Khoa học - Công nghệ, cho rằng cần có môi trường thuận lợi thì mọi người sẽ tập hợp lại theo nguyên lý “đất lành chim đậu”. Theo bà Dung, mỗi người có khát vọng khác nhau, nhưng nếu chúng ta liên kết lại và chia sẻ với nhau thì sẽ thành sức mạnh. “Tất cả khát vọng đặt riêng lẻ thì khác nhau, nhưng khi chia sẻ thì bạn trẻ sẽ có chung khát vọng là được cống hiến trong môi trường làm việc tốt, trong một đất nước hùng cường”, bà Dung nói.
Tham gia buổi giao lưu, anh Võ Nam Thắng, một tài năng trẻ đến từ Tập đoàn VNPT, cho biết anh được như ngày hôm nay là do có sự đóng góp của nhiều thế hệ đi trước. “Vì vậy trách nhiệm của chúng ta không phải làm cho mình trong hiện tại mà cho thế hệ sau. Làm sao để thế hệ sau sẽ tự hào về chúng tôi. Đó là động lực thôi thúc chúng tôi phải hết mình”, anh Thắng nói.
Đến từ Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nữ tiến sĩ Vũ Bích Ngọc, người đã thành công với tế bào gốc, cho rằng từ việc say mê với nghiên cứu khoa học, giờ đây kết quả nghiên cứu đã được ghi nhận. Sản phẩm nghiên cứu đã được đưa đến với các nước trên thế giới. “Từ đơn vị phải xin kinh phí để làm đề tài, giờ chúng tôi tự chủ và trả lương cho cán bộ của mình. Chúng tôi muốn trả lương như nước ngoài và đào tạo thế hệ trẻ để cống hiến nhiều hơn cho đất nước”, chị Ngọc bày tỏ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.