Khát vọng đầu năm: Xây dựng bản đồ ảnh hưởng ô nhiễm không khí

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
30/01/2020 07:32 GMT+7

Một năm mới bắt đầu, người trẻ trong từng lĩnh vực đặt ra những kế hoạch với quyết tâm khẳng định không chỉ cho chính bản thân mình mà còn giúp cộng đồng phát triển.

Tiến sĩ Trần Ngọc Đăng (32 tuổi), Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ dự án và đổi mới sáng tạo, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết năm 2020 sẽ khởi động đề tài về ô nhiễm không khí và tiếp tục thực hiện một số dự án khác về bảo vệ môi trường, sức khỏe.

Nghiên cứu ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến kinh tế

Hiện nay Việt Nam đang có đà phát triển kinh tế rất nhanh, nhưng đi kèm theo đó là sự suy giảm về chất lượng môi trường. Đây là lý do mà Ngọc Đăng chọn cho mình hướng nghiên cứu về lĩnh vực ô nhiễm môi trường và sức khỏe.
“Vấn đề ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang ở mức báo động đỏ. Mỗi năm có 60.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí và đây là tác nhân môi trường gây bệnh tật hàng đầu cho nước ta. Trong năm vừa qua, tôi và PGS-BS Phạm Lê An, Giám đốc Trung tâm bác sĩ Gia Đình, ĐH Y Dược TP.HCM, cùng các cộng sự trong và ngoài nước đang thực hiện một dự án nghiên cứu đánh giá hiệu quả đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em khi tham gia giao thông, được tài trợ bởi quỹ NAFOSTED và Hội đồng quốc gia y khoa Úc. Trong năm mới 2020, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, tiến hành một thử nghiệm lâm sàng để đánh giá hiệu quả của khẩu trang bảo vệ sức khỏe cho các em”, Đăng chia sẻ.
Bên cạnh tiếp tục dự án đang dang dở, Đăng sẽ khởi động đề tài mới, nghiên cứu về gánh nặng ô nhiễm không khí lên bệnh tật và kinh tế của TP.HCM và đề tài về mô hình dự báo sốt xuất huyết ứng phó biến đổi khí hậu tại Vũng Tàu.
Ở đề tài thứ nhất, Đăng sẽ dùng những cảm biến đo ô nhiễm không khí giá rẻ để xây dựng bản đồ ô nhiễm không khí cho TP.HCM, sau đó đánh giá thiệt hại kinh tế do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên sức khỏe cho người dân nơi đây. Nếu đề tài thành công sẽ mở ra một hướng ứng dụng các trạm quan trắc cảm biến giá rẻ cho thành phố. Đăng cho biết hiện nay TP.HCM chỉ có một vài trạm quan trắc cố định rất tốn kém (hàng chục tỉ đồng/trạm), trong khi cảm biến giá rẻ chỉ có giá từ 2 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng.

Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình

Năm 2020, Đăng muốn truyền thông điệp “sống xanh, sống thân thiện với môi trường, sống có ích, sống có lợi cho sức khỏe” tới cộng đồng. “Tôi mong muốn đóng góp chút sức lực của mình để nâng cao ý thức của cộng đồng về việc bảo vệ môi trường. Đây cũng chính là bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ chính mình khỏi những tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường, dành những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ mai sau”, Đăng thổ lộ.
Được biết, năm 2019, Đăng đạt giải thưởng Tài năng trẻ triển vọng (thuộc giải thưởng Quả Cầu Vàng của T.Ư Đoàn). Đăng đã có 34 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế, 7 bài đăng trên các tạp chí khoa học trong nước. Đăng là tác giả chính của 1 báo cáo hội nghị khoa học quốc tế và 2 báo cáo hội nghị khoa học trong nước, đồng tác giả 1 chương sách chuyên khảo quốc tế và đồng tác giả 1 giáo trình đào tạo bác sĩ y học dự phòng, Trường ĐH Y Hà Nội. Trước đó, Đăng cũng đạt nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học, được tặng huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Ban Chấp hành T.Ư Đoàn. Đăng còn là thành viên sáng lập mạng lưới Vietnam Climate Air Network (VCAN) về các vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, tham gia nhiều buổi hội thảo, nói chuyện với công chúng các vấn đề về ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe...

Hoàn thành tốt chương trình thạc sĩ

Ảnh: NVCC

Năm 2020 là một năm rất ý nghĩa với mình, đó là cột mốc đánh dấu mình 24 tuổi. Mình đã tốt nghiệp và ở lại công tác tại Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM. Bên cạnh công việc mình đang phụ trách tại trường, trong năm mới, mục tiêu ưu tiên của mình là hoàn thành tốt chương trình thạc sĩ chuyên ngành quản trị du lịch.
Ngoài những mục tiêu đặt ra ở trên và cố gắng đạt cho bằng được, mình cũng có dự định thử thách bản thân ở một lĩnh vực mới bằng cách tham gia cuộc thi dành cho người dẫn chương trình ở cấp toàn quốc nên mình đang tập trung rèn luyện và trau dồi những kỹ năng cần thiết. Tiếp đến, mình cũng có dự định sẽ mở một tiệm cà phê có hoa, sách và nhạc Pháp để kinh doanh. Hy vọng năm 2020 sẽ là một năm đầy may mắn đối với mình. Và mình cũng chúc cho mọi người gặt hái được nhiều thành công với những mục tiêu đang ấp ủ, tràn đầy yêu thương, có cuộc sống hạnh phúc.
NGUYỄN THỊ THANH NGA(Hoa khôi Nét đẹp sinh viên TP.HCM năm 2017)

Có sản phẩm nghiên cứu “made in Việt Nam”

Ảnh: NVCC

Mong muốn lớn nhất của mình trong công việc ở năm mới là xin được giấy phép sản xuất cho máy bay phun thuốc trừ sâu không người lái do nhóm mình nghiên cứu. Trên cơ sở đó sẽ xin được giấy phép bay cho sản phẩm này để hoàn thiện quy trình cơ giới hóa cuối cùng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của Việt Nam bằng những sản phẩm “made in Việt Nam”.
Tuy nhiên, để các nhà khoa học như mình có thể đưa những sản phẩm từ nghiên cứu ra thị trường thì cần được tạo điều kiện nhiều hơn nữa. Đầu tiên, cần phải có cơ chế, hành lang pháp lý tốt để sản phẩm nghiên cứu nhanh chóng được đưa ra thị trường. Nếu ngược lại, sản phẩm nghiên cứu sẽ mất nhiều thời gian, bị tụt hậu so với thế giới, mất tính cạnh tranh trên thị trường.
Môi trường làm việc cũng rất quan trọng. Môi trường tốt sẽ giúp các nhà khoa học chuyên tâm cho việc làm nghiên cứu. Môi trường làm việc này phải đi kèm với tài chính, sự đầu tư. Hơn thế nữa, các nhà khoa học cần có thời gian và sự tin tưởng vì để tạo ra một sản phẩm từ nghiên cứu, không thể nhanh như việc kinh doanh trà sữa.
PGS-TS VŨ NGỌC ÁNH (Giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
Hà Ánh - Lê Thanh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.