Từ một gợi ý năm xưa...

01/01/2006 22:40 GMT+7

Tôi có nghe Báo Thanh Niên ra đời vào giữa thập niên 1980 nhưng lúc đó đang bận công tác bên Lào cũng như không còn tha thiết lắm với việc viết lách nên không mấy chú ý. Anh Huỳnh Tấn Mẫm nhắn tôi viết bài, tôi cứ ậm ừ khất lần... Tôi nghĩ rằng báo chí nếu chỉ làm công tác mặt trận chung chung thì cũng chán.

Vào giữa thập niên 1990, khi từ Canada quay về làm việc ở trong nước, tôi đến thăm Nguyễn Công Khế. Trong câu chuyện, anh đưa ra một gợi ý rất hay làm tôi nhớ và suy nghĩ mãi. Anh cho rằng dẫu sao bản thân tôi cũng còn tha thiết nhiều với vấn đề thanh niên, nay lại có thêm vốn liếng mấy năm kinh nghiệm sống và làm việc tại các đại học nước ngoài, có thể nào sử dụng những kiến thức đó để làm sự so sánh và đánh giá về vấn đề đổi mới, mở cửa và phát triển ở trong nước, nhằm rút ra các bài học bổ ích. Những bài báo như vậy rất cần cho người đọc trẻ trong nước đang nôn nóng hội nhập và thi đua ngang ngửa với người.

Nhưng rồi các công việc tư vấn kiến trúc và giảng dạy lại cuốn hút tôi theo một hướng khác. Tôi chưa có cơ hội thực hiện đề xuất đó của anh Khế. Vả lại, tôi cảm thấy bản thân mình rõ ràng là chưa đủ "chín", có lẽ phải cần một thời gian xâm nhập lại thực tế đất nước vì giai đoạn đó tôi mới chỉ nghiên cứu sâu về một lĩnh vực mình rành nhất là kiến trúc - đô thị. Cũng nhờ đó, tôi viết được một cuốn sách nhỏ nhằm trang bị kiến thức thời đại chuẩn bị bước vào thế kỷ 21, mấy cuốn sách cập nhật tình hình kiến trúc - đô thị Việt Nam và thế giới, chủ yếu dành cho sinh viên và anh em nghiên cứu trẻ.

Thanhnien Online đã cung cấp nhiều thông tin cho kiều bào

Bẵng đi một dạo, tôi lại ra nước ngoài dài ngày. Lần này, bản thân tôi đã tích lũy được một số kinh nghiệm trong nước, hy vọng có thể làm một so sánh và gợi ý cho anh em. Tôi bắt đầu chú ý quan sát và ghi nhận những điều mắt thấy tai nghe ở bên ngoài để đối chiếu với diễn tiến tình hình trong nước, tập trung xoáy vào hai câu hỏi: "Người ta ở ngoài đang nhìn Việt Nam mình ra sao?" và "Thanh niên ta cần phải làm gì trong giai đoạn hội nhập và phát triển này?".

Do có cơ hội đi lại nhiều nơi, quan sát và rút kinh nghiệm bạn bè thế giới và nhất là của bà con Việt kiều ở nước ngoài, tôi mong muốn nhân đó nhắn nhủ được giới trẻ trong nước. Hợp tác nghiên cứu với học giả, người hoạt động xã hội ở các trung tâm nghiên cứu về Việt Nam tại châu u và Hoa Kỳ, tiếp xúc với giới trẻ Việt trong nước lẫn nước ngoài, tôi nảy sinh ý định phải thực hiện cho được đề xuất của anh Khế gần 10 năm trước. Tôi bèn chủ động liên hệ tòa soạn, đề nghị để tôi viết thường xuyên mục Thư gửi người bạn trẻ. Dưới dạng thư, tôi nghĩ có thể đề cập được nhiều vấn đề, sinh động và thực tế hơn, không quá bài bản.

Từ khi lá thư hằng tuần xuất hiện trên Thanh Niên, tôi có thêm nhiều bạn mới, gồm người trẻ và cũng không ít người già. Đa phần là người ở nước ngoài, vị thế và chính kiến nhiều khi khác tôi, nhưng khi đọc bài tôi viết đã nhìn nhận giữa người Việt chúng ta ngày nay đang có một mẫu số chung lớn. Đó là mong muốn đất nước sớm giàu mạnh, dân tộc hòa hợp, và nhất là cùng có một quyết tâm "Phải thắng cho được trận Điện Biên Phủ kinh tế này!", nói như Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các nhà báo phương Tây hồi năm ngoái.

Cuối cùng, tôi nghĩ rằng phát triển đất nước không chỉ thuần túy là vấn đề vật chất - kỹ thuật mà còn là vấn đề tinh thần, gồm ý thức, sự quyết tâm lẫn ý chí. Và cả tấm lòng của mọi người Việt mình nữa.

Nguyễn Hữu Thái

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.