'Kẹt' lại Hà Nội, sinh viên dè sẻn chi tiêu chờ hết giãn cách

Thu Hằng
Thu Hằng
02/09/2021 10:00 GMT+7

Không thể về quê, cũng không thể đi làm thêm trong những ngày giãn cách, nhiều sinh viên " mắc kẹt” lại Hà Nội phải chắt bóp, chi li từng đồng và sống bằng thực phẩm hỗ trợ của các nhà hảo tâm.

Những bữa ăn thừa mì tôm, thiếu đạm

Khác với sự sôi động, tấp tập sinh viên ra vào trước dịch Covid-19, ký túc xá (KTX) Mễ Trì (ĐH Quốc gia Hà Nội) những ngày này vắng lặng, thỉnh thoảng mới có bóng người đi lại ngoài hành lang. Từ khi Hà Nội giãn cách, từ gần 2.000 sinh viên, giờ chỉ còn 305 sinh viên và du học sinh kẹt lại KTX.
Hoàng Thị Thắng (quê Lạng Sơn), sinh viên Khoa Toán - cơ - tin (Trường ĐH Khoa học tự nhiên) là 1 trong số đó, đã hơn 4 tháng nay chưa được về quê. Những ngày giãn cách, Thắng chỉ quanh quẩn trong phòng, người bạn duy nhất gắn bó với Thắng là chiếc điện thoại để liên lạc với gia đình, bạn bè, cập nhật tin tức hàng ngày.
"Sống ở môi trường tập thể đang quen, giờ ở một mình vừa buồn, vừa tủi thân, nhớ nhà. Nhiều đêm mình không ngủ được, cứ phải bật đèn cho đỡ sợ. Bọn mình không có phiếu đi chợ, cũng không có giấy ra đường nên 2 tháng nay chưa bước chân ra khỏi KTX”, Thắng bộc bạch.

KTX Mễ Trì vắng lặng trong những ngày giãn cách

Ảnh T.Hằng

Theo các sinh viên, từ khi Hà Nội giãn cách, nhiều nhà hảo tâm đã đến hỗ trợ gạo và mì gói, trứng, khẩu trang… do KTX không được nấu ăn nên các sinh viên chỉ giữ lại mì và trứng, còn gạo chuyển cho Ban quản lý KTX nấu các bữa ăn miễn phí cho sinh viên.
Lê Quang Đức (quê Hà Nam), sinh viên Khoa Đông Phương (Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn) cho hay: “Mình ở lại đi thực tập, Hà Nội giãn cách đột ngột nên không kịp về quê. Trước đây đi làm thêm có đồng ra đồng vào, chi tiêu mỗi ngày 100.000 đồng, giờ chỉ tiêu 40.000 - 50.000 đồng, căng tin đồ ăn thì vẫn đầy đủ, nhưng với số tiền ít ỏi còn lại, có hôm thèm thịt, cá cũng không dám ăn. Bọn mình rất cảm ơn các nhà hảo tâm hỗ trợ sinh viên thực phẩm vượt qua mùa dịch, nhưng bọn mình nhận được nhiều mì tôm quá, mỗi phòng nhận từ 5 - 7 thùng, ăn mãi cũng ngán”.

Thích nghi với hoản cảnh để trưởng thành hơn

Dù khó khăn, thiếu thốn, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn sống lạc quan thích nghi với hoàn cảnh mới. Vi Thị Hoài (quê Nghệ An), sinh viên năm thứ 4, Khoa Du lịch (Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn), cho biết: “Phòng có 6 người, giờ còn mỗi mình. Trước dịch, ngoài học online, mình đi làm thêm ở quán ăn. Hai tháng nay, quán đóng cửa, không có việc, không có tiền, muốn về quê cũng không được, mình đành phải dè sẻn chi tiêu. Mỗi ngày ăn 1 bữa cơm căng tin, 15.000 đồng/suất, 2 bữa còn lại thì ăn mì của các nhà hảo tâm hỗ trợ. Khó khăn đến mấy chúng mình cố gắng vượt qua, ngoài kia vẫn còn có nhiều người khổ hơn bọn mình”.

Niềm vui của Inpeng, du học sinh Lào khi nhận hỗ trợ lương thực thực phẩm của các nhà hảo tâm

Ảnh T.Hằng

Không chỉ có sinh viên Việt Nam, các du học sinh cũng đã quen dần với cuộc sống trong dịch bệnh. Inpeng, du học sinh Lào đang học năm thứ nhất Khoa Nhân học Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn) chia sẻ: “Mình mới sang đây được 7 tháng, đúng vào lúc có dịch nên chủ yếu học online. Gia đình mình bên kia cũng lo lắng, muốn mình quay về nhưng ở đây ban quản lý KTX và các bạn sinh viên Việt Nam giúp mình rất nhiều, đồ ăn cũng hỗ trợ đầy đủ. Các du học sinh còn được ưu tiên tiêm vắc xin. Mình mong dịch bệnh qua nhanh để được đến trường học tập”.
Ngoài học online, các sinh viên dành thời gian học tiếng Anh, luyện tập thể thao, thêu thùa, nghe nhạc... để giảm stress. Phan Cao Thăng, sinh viên khoa Vật lý (Trường ĐH Khoa học tự nhiên) bày tỏ: “Sau này, khi ra đời chắc chắn sẽ có nhiều thử thách, khoảng thời gian giãn cách cũng là dịp để bọn mình trải nghiệm, rèn luyện bản thân vượt qua khó khăn, lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực, yêu thương sẻ chia cùng gia đình và mọi người hơn”.

Tiếp sức sinh viên vượt qua đại dịch

Theo ông Nguyễn Đại Thắng, Trưởng ban quản lý KTX Mễ Trì, trong số 305 sinh viên ở lại KTX có hơn 40 du học sinh Lào và Sri Lanca. “Đa số các em đều có hoàn cảnh khó khăn như: hộ nghèo, dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, con thương binh… Trong thời gian qua, ngoài nhiệm vụ quản lý sinh viên, tăng cường phòng chống dịch bệnh, Ban quản lý KTX đã gửi thư ngỏ đến các nhà hảo tâm mong được chia sẻ hỗ trợ giúp sinh viên vượt qua đại dịch”.
Ông Thắng cho hay, với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, Ban quản lý KTX cũng đã tính phương án kêu gọi hỗ trợ sinh viên nếu Hà Nội tiếp tục giãn cách. “Chúng tôi cũng đã gửi thư ngỏ cho các nhà hảo tâm, mong được sự đồng hành hỗ trợ sinh viên, dù ít hay nhiều đều đáng quý và đáng trân trọng. Ngoài mì tôm, gạo đã được hỗ trợ vừa qua, chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ về nhu yếu phẩm khác có thể sử dụng lâu hơn như như: sữa, đồ hộp, bánh mì để các em đổi bữa, bổ sung thêm dưỡng chất”.
Nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm, hôm nay, KTX Mễ Trì sẽ nấu 600 suất ăn miễn phí cho sinh viên.
Đồng hành cùng sinh viên vượt qua đại dịch, Thành đoàn, Hội Sinh viên TP.Hà Nội cũng đã huy động từ nguồn xã hội hóa trao tặng 1.000 suất quà cho cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội. Mỗi suất quà bao gồm nhu yếu phẩm thiết yếu, trị giá 200.000 đồng.

Hầu hết các sinh viên bị kẹt lại Hà Nội đều có hoàn cảnh khó khăn

Ảnh T.Hằng

Bên cạnh sự hỗ trợ của Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên các trường còn chủ động xã hội hóa nguồn lực để hỗ trợ sinh viên ngoại tỉnh trong thời gian giãn cách với tổng số 17.000 suất quà (mỗi suất trị giá từ 200.000 - 300.000 đồng) hoặc tiền mặt với số lượng được nhận hỗ trợ là 2.786 sinh viên (từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng) với tổng giá trị hỗ trợ là 5,6 tỉ đồng.
Các trường ĐH-CĐ trên địa bàn Hà Nội cũng có các giải pháp hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: giảm học phí; giảm hoặc miễn phí tiền điện, nước cho sinh viên ở trong khu KTX; cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu hàng ngày; hỗ trợ bữa ăn trong ngày; trao tặng các suất quà bao gồm lương thực, các nhu yếu phẩm; hỗ trợ kinh phí (500.000 đồng đến 1 triệu đồng); hỗ trợ các trường hợp sinh viên thuộc diện F0, F1, F2, F3…
Anh Trần Quang Hưng, Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP.Hà Nội, chia sẻ: “Những suất quà sẽ một phần nào giúp các bạn sinh viên bớt khó khăn, tương trợ lẫn nhau để không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch. Chúng tôi mong các bạn mạnh khỏe, yên tâm học tập, khắc phục khó khăn; đồng thời các bạn sẽ phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, chung tay cùng nhân dân cả nước và TP.Hà Nội đẩy lùi đại dịch Covid-19. Trong thời gian tới, Hội Sinh viên TP.Hà Nội sẽ tiếp tục trao các phần quà đến sinh viên, đặc biệt là các bạn có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, hỗ trợ".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.