Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành đề tài nghiên cứu của sinh viên

03/12/2019 09:25 GMT+7

Nhóm 4 sinh viên (Huỳnh Anh Tiến, Phan Trần Nhật Vy, Hồ Tấn Lộc, Phan Văn Liêm Thanh) Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã cho thấy hoạt động nghiên cứu cần hướng tới cộng đồng .

Nhận ra người dân quan tâm về vẻ mỹ quan của môi trường ở xung quanh đô thị, nhất là ở khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhóm 4 sinh viên nói trên, cùng nhau làm đề tài nghiên cứu khoa học mang tên “Đánh giá giá trị thẩm mỹ của không gian mặt nước trong đô thị: Trường hợp kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn từ cầu Bông đến cầu Kiệu”.
Chọn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè làm đối tượng nghiên cứu, Phan Văn Liêm Thanh chia sẻ: “Chọn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vì nơi đây đã trải qua quá trình phục hồi, và hiện tại đã cải thiện mức độ ô nhiễm, hệ sinh thái dần được cân bằng. Vấn đề tụi mình hướng tới là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tác động như thế nào đến đời sống người dân, người dân họ đánh giá thế nào về khu vực này”.
Để hoàn thành đề tài này nhóm đã có sự chuẩn bị một thời gian dài từ tháng 9.2018 - 5.2019. Trong quá trình thực hiện đề tài không khỏi phát sinh chi phí, việc tìm dữ liệu thông tin là những khó khăn, thế nhưng sự ủng hộ của các thầy cô là động lực thôi thúc để các sinh viên hoàn thành tốt đề tài. Đây là một trong 9 đề tài nghiên cứu của trường này vào chung kết giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka và giành giải khuyến khích chung cuộc.
Hồ Tấn Lộc cho hay: “Nước là môi trường dễ bị ô nhiễm nhất, vì dễ bị tác động của mọi người, trong sinh hoạt hằng ngày. Sẽ như thế nào nếu không gian mặt nước là bộ mặt đô thị bị ô nhiễm bởi rác. Chính vì vậy qua đề tài nghiên cứu này, nhóm tụi mình mong mỗi người sẽ ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường”.
Là người hướng dẫn sinh viên trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học, thạc sĩ - kỹ sư Nguyễn Hữu Khiêm, giảng viên môn quản lý môi trường và đô thị, cho biết: “Đây là một đề tài còn mới nhưng ứng dụng thực tế vào đời sống rất nhiều, giúp bảo vệ không gian mặt nước đô thị nói riêng, môi trường xung quanh ta nói chung. Từ đó có được những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn giá trị không gian mặt nước, giúp bộ mặt đô thị thành phố hoàn chỉnh hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.