'Hot boy' trưởng thôn: 'Soái ca' của bản Tà Lao

22/06/2016 08:20 GMT+7

Sinh ra nơi núi cao, Năm lớn lên hồn nhiên như con nai con hoẵng qua 26 mùa cây rừng đổi lá, khi thành trưởng cái thôn nghèo rách mồng tơi Tà Lao, chàng trai 9X này cố thay đổi nếp sống, nếp nghĩ của dân bản, giúp họ thoát nghèo...

Nhiều người thường quan niệm cái ghế trưởng thôn, trưởng bản phải là các cụ có tuổi ít nhất cũng phải ngũ tuần hay đã hưu trí. Những "già làng" như vậy mới có đủ thời gian rảnh và trải nhiệm cuộc sống để cáng đáng, mới có lời nói "đủ nặng" để bà con nghe.
Nhưng quan niệm này đã... lạc hậu, bởi hiện nay xuất hiện thế hệ “trưởng thôn” 8X, 9X, tuổi đời chỉ đôi ba chục nhưng họ tận tụy không kém, hơn nữa, sự tháo vác và bắt nhịp cuộc sống hiện đại phần nào giúp bà con bớt vất vả hơn và sau lưng họ có hàng tá câu chuyện cười đến 'té ghế'.
Mời bạn đọc xem loạt bài: #HOT BOY TRƯỞNG THÔN
"Làm giàu" cho bà con noi theo
Nơi Hồ Văn Năm (sinh năm 1990) sống là thôn Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị. Thôn có 80 hộ với 396 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn vì cơm ăn chưa đủ no, áo chưa đủ mặc. Họ chỉ sống với việc trồng lúa một vụ, lo được cái ăn đủ đầy 6 tháng là giỏi.
Sinh ra nơi vùng đất đó, Năm cũng như con nai con hoẵng trên rừng lớn lên một cách hồn nhiên qua bao mùa cây rừng đổi lá. Nhà đông anh em, nhưng Năm vẫn được đến trường và tốt nghiệp THPT. Sau khi đi nghĩa vụ quân sự ở Sư đoàn 968 (đóng quân trên địa bàn huyện Cam Lộ, Quảng Trị), Năm trở về quê khi đã là đảng viên và trở thành một trong những thanh niên ưu tú nhất của xã.
Cuối năm 2012, “hạt giống đỏ” Hồ Văn Năm được cất nhắc làm Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Tà Long. Thấy chàng trai trẻ hoạt động năng nổ, giữa tháng 7.2015, cấp ủy và dân bản bầu Năm giữ chức trưởng thôn kiêm Phó bí thư chi bộ thôn Tà Lao.
“Tôi là lính mà. Khi về với đời sống nếu được phân công nhiệm vụ gì tôi cũng không từ chối mà sẽ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Năm khẳng khái.
Đời sống của người dân vùng cao còn lắm khó khăn và cần lắm những anh trưởng thôn trẻ tuổi, năng nổ - Ảnh: Nguyễn Phúc
Tất nhiên, là một trưởng thôn trẻ, Năm khó tránh những ánh mắt dò xét, những câu nói đầy nghi kỵ. Bởi ai cũng biết, cái lý của người vùng cao đơn giản lắm. Cán bộ mà chỉ nói chả ai tin đâu, chỉ khi thấy cán bộ làm họ mới làm theo. “Muốn nói gì người ta thì mình phải làm trước”, Năm phân tích.
Ví dụ, trước khi kêu gọi người dân tăng gia sản xuất, vươn lên trong đời sống Năm phải làm giàu cho chính bản thân mình. Năm tranh thủ ngoài giờ “vác tù và hàng tổng” để đổ mồ hôi trên nương rẫy. Khi dân bản thấy anh trưởng thôn có trong tay 4 ha lúa rẫy, 4 ha sắn, 4 ha rừng tràm, 4 con trâu, 1 con bò... thì dân bản mới “À, anh trưởng thôn giỏi” và tìm đến nhà Năm hỏi cách làm cho bông lúa trĩu vàng, cách nuôi bò chóng lớn.
Hay khi muốn tuyên truyền cho dân bản bỏ đi những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, Năm cần thuyết phục cha mẹ mình, họ tộc mình trước, rằng không được tổ chức lễ lạc tốn kém linh đình, không được nghe thầy mo phán “phạt vạ” bò dê... Tất thảy, từ lời ăn tiếng nói, Năm phải luôn làm gương cho dân bản soi vào và làm theo.
“Người dân vùng cao chất phác lắm. Đã không tin thì cho vàng cũng không nghe nhưng đã tin rồi thì chấp hành răm rắp, nhiều khi máy móc. Nên muốn dân nghe thì phải gần họ và luôn đi đầu trong việc nước lẫn việc nhà”, Năm nói.
Cảm hóa đàn ông đánh vợ, thanh niên rượu chè
Nếu như làm trưởng thôn ở miền xuôi đã cực thì làm trưởng thôn ở miền núi cực hơn bội phần. Dân bản đời sống khó khăn, không nộp quỹ, thôn không có điều kiện để sinh hoạt hay đứng ra đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dù chỉ là những công trình rất nhỏ. Thêm nữa, trình độ của người dân không cao, nên một chuyện phải nhắc tới nhắc lui vài lần bà con cũng chưa chắc đã nhớ.
Điều đó lý giải cho việc, trưởng thôn Năm, coi việc tuyên truyền vận động bà con là ưu tiên số một trong lịch trình hoạt động của mình.
Với việc hay ghé thăm nhà những gia đình...có vấn đề, Năm đã làm cho các tổ ấm này được ấm êm trở lại - Ảnh: Trần Tuyền
Những ngày tháng 6, giữa cái nắng như đổ lửa đủ sức làm những rừng cây khô héo thì Năm vẫn phăm phăm đến từng nóc nhà để “tuyên truyền”. Năm bảo, phải đi vào trưa đứng bóng thì mới gặp bà con, lúc họ tranh thủ nghỉ trưa, chứ sáng sớm bà con đã lên rẫy, buổi chiều đi làm thì đến tối mịt mới về. Nắng là thế, nóng là thế, mồ hôi ướt đẫm cả vạt áo, nhưng khi ngồi với dân... anh vẫn nở nụ cười hiền từ.
“Vào nhà dân ban trưa nhưng gặp ông chủ nhà vui tính, lôi rượu ra mời thì cũng phải cắn răng làm một chén. Ở trên này nếu mời rượu mà không uống là không xem trọng nhau, sao mà làm việc được", Nam kể. Hay, khi đã đến tận nhà người ta rồi nhưng thấy gia chủ đang say giấc nồng, có khi Năm vẫn không đánh thức mà ngồi đợi họ hàng giờ.
Thằng Năm tuổi còn nhỏ nhưng cái bụng nó tốt. Làm việc gì cũng nghĩ cho dân bản. Giờ mà ai không nghe thằng Năm thì thành người lạc hậu hết
Già làng Hồ Văn Hiếu
Năm cho biết: “Dân bản quăng quật trên nương vất vả. Họ cần thời gian nghỉ. Mình không thể vì việc mình mà xen ngang”. Thế nhưng cũng có gia đình, thấy Năm đến chơi nhà, quý quá nên xua cháu con đi bắt gà, bắt cá đãi ông trưởng thôn trẻ một bữa ra trò.
Đều đặn mỗi tháng, người dân Tà Lao lại thấy người trưởng thôn 9X cuốc bộ đến gõ cửa từng nhà để tìm hiểu tâm tư người dân kết hợp với tuyên truyền phổ biến pháp luật. Nhiều gia đình đẻ lắm, nhiều ông chồng hay đánh vợ, nhiều thanh niên hay rượu chè đã bắt đầu... “phát ngán” bản mặt của Năm khi mật độ ghé nhà của vị trưởng thôn này hơi dày.
“Muốn tôi khỏi ghé thì đừng đánh vợ, đừng rượu chè bê tha nữa”, Năm nói. Những gia đình có con em đang tuổi đến trường mà bỏ học, Năm cũng không “tha”, cứ “ghé thăm nhà” cho đến khi chúng được quay trở lại với lớp.
Chính nhờ sự “lỳ lợm” của Năm mà anh đã cảm hóa rất nhiều dân bản, vươn lên phát triển kinh tế. “Không chỉ nhà tôi mà nhiều gia đình trong thôn đều thay đổi nhờ trưởng thôn Năm”, anh Hồ Văn Linh (trú tổ 3, thôn Tà Lao) chép miệng.
Đến già làng Hồ Văn Hiếu, người được nể trọng bậc nhất ở thôn vùng cao này cũng phải buông lời khen: “Thằng Năm tuổi còn nhỏ nhưng cái bụng nó tốt. Làm việc gì cũng nghĩ cho dân bản. Giờ mà ai không nghe thằng Năm thì thành người lạc hậu hết”.
Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, ở thôn Par Ay (xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế), có một 'già làng' chỉ mới 30 tuổi đang dùng tất cả các "chiêu" để giúp cuộc sống của những người dân tộc Pa kô thay đổi từng ngày, từ bỏ những hủ tục, thói quen không còn phù hợp với nếp sống văn minh. Mời bạn đọc đón xem kỳ tiếp theo #HOT BOY TRƯỞNG THÔN
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.