'Hot boy' trưởng thôn: 'Già làng' 30 tuổi trên dãy Trường Sơn

23/06/2016 09:25 GMT+7

Chuyện khó nhất đối với 'già làng' 30 tuổi và đôi lúc khiến anh 'khóc ròng' là phải xử lý những vấn đề tế nhị như mâu thuẫn gia đình, vợ chồng, anh em và để giải quyết được những chuyện như vậy, 'già làng' phải có 'bí quyết'.

Nhiều người thường quan niệm cái ghế trưởng thôn, trưởng bản phải là các cụ có tuổi ít nhất cũng phải ngũ tuần hay đã hưu trí. Những "già làng" như vậy mới có đủ thời gian rảnh và trải nhiệm cuộc sống để cáng đáng, mới có lời nói "đủ nặng" để bà con nghe.
Nhưng quan niệm này đã... lạc hậu, bởi hiện nay xuất hiện thế hệ “trưởng thôn” 8X, 9X, tuổi đời chỉ đôi ba chục nhưng họ tận tụy không kém, hơn nữa, sự tháo vác và bắt nhịp cuộc sống hiện đại phần nào giúp bà con bớt vất vả hơn và sau lưng họ có hàng tá câu chuyện cười đến 'té ghế'.
Mời bạn đọc xem loạt bài: #HOT BOY TRƯỞNG THÔN

Từ xưa tới nay, với đồng bào dân tộc, những người đứng đầu thôn, bản luôn là những người già nhất, có uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng. Thế nhưng, với người dân thôn Par Ay (xã Hồng Thủy, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế), khái niệm “già làng trưởng bản” dường như đã thay đổi cách đây 6 năm khi họ tín nhiệm chàng trai trẻ Hồ Văn Đức chỉ mới 24 tuổi năm ấy làm trưởng thôn.

Trưởng thôn Hồ Văn Đức cho biết Par Ay là thôn thành lập muộn nhất của xã Hồng Thủy, sau khi người dân ở các thôn 1, thôn 4 của xã bị ảnh hưởng do cơn bão số 9 năm 2009, được di dời đến tái định cư trên đất mới.

Thôn Par Ay được thành lập năm 2011, nằm giữa một thung lũng gần suối Par Ay, thuộc dãy Trường Sơn. Thôn có 116 hộ dân sinh sống, kinh tế chủ yếu là canh tác nương rẫy trồng ngô, cây lâm nghiệp, chuối và lúa nước… Khi mới thành lập thôn Par Ay, cuộc sống của người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Đa số các hộ dân từ các thôn khác tập hợp về nên mọi sinh hoạt, sản xuất chưa đi vào nề nếp.

Toàn cảnh thôn Par Ay xã Hồng Thủy, nơi trưởng thôn 8X Hồ Văn Đức quản lý, điều hành - Ảnh: Bùi Ngọc Long

Trong bối cảnh thôn mới thành lập, với bộn bề công việc dân sinh ấy, người dân đã mạnh dạn bầu Hồ Văn Đức (sinh năm 1987) làm trưởng thôn khi anh mới 24 tuổi. “Trẻ có sức khỏe, có trình độ, đi nhiều biết nhiều, năng động, tiếp cận được nhiều với xã hội và đời sống văn minh mới là người xứng đáng đại diện cho dân và cống hiến được nhiều cho dân”, ông Hồ Văn Quê, người dân thôn Par Ay nói về việc họ chọn trưởng thôn trẻ.

“Được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, tôi xác định được người dân tin tưởng giao phó trọng trách, mình phải cố gắng làm cho tốt, làm sao mà giúp dân cải thiện được đời sống, kinh tế đi lên khi đó dân mới nghe tuyên truyền các chính sách. Thuận lợi của tôi là do thôn mới thành lập được nhà nước đầu tư đồng bộ hạ tầng như nhà công đồng, trường học… Cuộc sống của người dân cũng đang dần ổn định khi hộ nào cũng được cấp diện sinh hoạt, nước sạch và cấp đất vườn, đất rừng để phát triển kinh tế”, trưởng thôn Hồ Văn Đức cho biết.

tin liên quan

'Hot boy' trưởng thôn: 'Soái ca' của bản Tà Lao
Sinh ra nơi núi cao, Năm lớn lên hồn nhiên như con nai con hoẵng qua 26 mùa cây rừng đổi lá, khi thành trưởng cái thôn nghèo rách mồng tơi Tà Lao, chàng trai 9X này cố thay đổi nếp sống, nếp nghĩ của dân bản, giúp họ thoát nghèo...

Trẻ nói để già nghe

Cái khó nhất trong công việc điều hành ở đồng bào dân tộc đó là xưa nay người dân chuyện gì cũng nghe theo người già. Càng già càng có uy tín, dù phán quyết của họ chưa hẵn đã đúng trong mọi tình uống.

“Ban đầu, khi mới làm trưởng thôn khi triển khai các chính sách, luôn bị người lớn “phản pháo”. Khi mình triển khai việc đào hố để xử lý rác, ban đầu nhiều người không hưởng ứng. Bởi thói quen của núi rừng thì rộng lớn, ăn quả chuối, trái mít thì cứ vứt vỏ ra vườn, lâu ngày sẽ thối và phân hủy. Từ thói quen ấy, người ta nghĩ, các loại rác thải khác cũng vậy nên cứ thế vứt bừa bãi".

Lớp học mần non tại thôn Par Ay nơi Hồ Văn Đức làm trưởng thôn - Ảnh: Bùi Ngọc Long

"Để người dân nghe theo mình, Đức đã bàn với đoàn thanh niên làm trước với những gia đình có đoàn viên. Sau đó, những gia đình xử lý rác tốt sẽ được khen ở buổi họp thôn. Ngoài ra, Đức còn đưa ra ví dụ về những bệnh tật, ung thư… do uống nước, sống trong môi trường ô nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng để khiến người dân biết sợ mà thu gom, xử lý rác. Nhà nào không tự làm được, thì các đoàn viên và cả bản thân Đức đều đến giúp đỡ, hướng dẫn cách phân loại rác để xử lý, đào hố chôn”, trưởng thôn Hồ Văn Đức chia sẻ.

Chuyện khó nhất đó là trưởng thôn trẻ nhưng phải đi xử lý những vấn đề tế nhị như mâu thuẫn gia đình, anh em, vợ chồng. Để giải quết được những chuyện như vậy, trưởng thôn Hồ Văn Đức đã tìm ra “bí quyết” là đa số người dân miền núi đều rất kính yêu và biết ơn Bác Hồ, Đảng và Nhà nước.

Ngày trước, cái gì họ cũng nghĩ do Giàng (trời) sắp đặt, nhưng ngày nay từ con đường, ngôi nhà, cây cầu bắt qua suối… đều nhờ ơn Bác Hồ mà có. Biết vậy, nên từ việc  triển khai các chính sách, chủ trương của Nhà nước cho đến giải quyết chuyện tế nhị gia đình, trưởng thôn Hồ Văn Đức đều nhắc đến Bác Hồ.

Ví như gặp trường hợp người dân mâu thuẫn trong làm nương, làm rẫy… khi đến xử lý Đức đều nói: “Các bố, các mẹ làm như vậy Bác Hồ linh thiêng sẽ buồn lắm”. Thế là mọi người, vì thương Bác Hồ mà bỏ qua cho nhau, ngồi lại bàn bạc để xử lý.

Trưởng thôn trẻ muốn dân tin phải đi đầu trong mọi công việc sản xuất - Ảnh: Bùi Ngọc Long

Nhưng quan trọng nhất của việc làm trưởng thôn theo Hồ Văn Đức đó là: “Dù là trẻ nhưng mình cũng phải là người đi đầu trong việc tăng gia sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, nuôi trồng để mang lại hiệu quả kinh tế, có dư cái ăn cái mặc. Khi mình làm được, người dân thấy rồi họ mới tin tưởng làm theo. Khi người dân đã tin rồi thì mọi chủ trương, chính sách cần phổ biến đều được người dân chấp hành nghiêm chỉnh”, Hồ Văn Đức nói.

Để điều hành thôn, mỗi tháng trưởng thôn Hồ Văn Đức triệu tập họp dân một lần để nắm tình hình và giải quyết những vấn đề nảy sinh thuộc thẩm quyền, những vấn đề lớn, anh kịp thời báo cáo đề xuất kiến nghị lên UBND xã hoặc đề nghị lãnh đạo UBND xã kiến nghị lên cấp cao hơn để giải quyết.

Trưởng thôn Hồ Văn Đức đã chứng minh được niềm tin mà người dân đặt lên vai mình là không không sai. Sau nhiệm kỳ thứ nhất (2011- 2013), anh đã được người dân tiếp tục tín nhiệm bầu làm trưởng thôn nhiệm kỳ thứ 2.

Ông Hồ Bá Bình, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thủy, đánh giá trưởng thôn Hồ Văn Đức là một trưởng thôn trẻ, có trình độ, có năng lực, uy tín, được người dân tin yêu. “Từng có kinh nghiệm làm Phó bí thư đoàn xã nên giờ với cương vị trưởng thôn, đồng chí Đức rất biết tập hợp nhân dân. Cuộc sống người dân làng Par Ay dưới sự quản lý của trưởng thôn Hồ Văn Đức ngày càng đi lên. Với những thành tích trong công tác xây dựng làng Par Ay, đưa người dân sớm cuộc sống ổn định, sản xuất phát triển, trưởng thôn Hồ Văn Đức đã được kết nạp Đảng năm 2014”, ông Bình cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.