Họp trực tuyến '500 anh em' để xem đội tuyển Việt Nam thi đấu World Cup

Tấn Đạt
Tấn Đạt
15/06/2021 16:16 GMT+7

Trong bối cảnh TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 , chàng trai 9X họp trực tuyến cùng '500 anh em' khắp mọi miền để xem và cổ vũ đội tuyển Việt Nam thi đấu.

Đó là anh Nguyễn Minh Tuấn, 29 tuổi, sống và làm nghề chụp ảnh tự do tại TP.Thủ Đức, TP.HCM. Trước khi họp trực tuyến, anh Tuấn còn cầu kỳ chuẩn bị đồ ăn, thức uống để cùng mọi người theo dõi trận đấu của đội tuyển Việt Nam.

Nhiều người tham gia “họp trực tuyến” thì càng vui

Anh Minh Tuấn cho biết anh họp trực tuyến cùng với mọi người để xem bóng đá như thế từ khi đội tuyển Việt Nam bắt đầu đá những trận đấu ở vòng loại World Cup 2022.

Tuy nhiên, trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19, chàng trai 9X cho hay việc tập trung cùng '500 anh em', chiến hữu gần xa xem đá bóng là điều không thể. Do đó, các nền tảng họp trực tuyến sẽ là một lựa chọn cực kỳ thích hợp để mọi người cùng theo dõi và cảm nhận không khí trận đấu.

Mỗi cuộc họp, anh Tuấn thu hút vài chục người từ mọi miền khác nhau

Ảnh: NVCC

Anh Tuấn chia sẻ: “Trước trận đấu 1-2 ngày, tôi đăng một dòng trạng thái về lịch thi đấu của đội tuyển Việt Nam lên trang cá nhân trên khắp các nền tảng xã hội để mọi người cùng theo dõi và tham gia họp trực tuyến với mình qua nền tảng Google Meet. Đây là trận đấu quan trọng nên càng nhiều người tham gia họp trực tuyến thì càng vui”.

“Những thành viên tham gia hầu hết là những người tôi đã kết bạn trên các nền tảng mạng xã hội. Xem hết trận đấu, chúng tôi còn gọi nhau để thảo luận, chuyện trò, từ đó người lạ cũng thành quen”, anh Thành nói.

Chuẩn bị cả một mẹt bún đậu mắm tôm

Anh Tuấn còn kể hài hước kể lại: “Giai đoạn 15 phút trước khi diễn ra trận đấu, tôi phải gửi đường dẫn đến các thành viên tham gia “họp trực tuyến”, kiểm tra đường truyền và hướng dẫn cài đặt cho thành viên mới. Rồi tự chuẩn bị đồ ăn trong suốt trận đấu như: Đậu phộng rang muối, bánh ngọt và nước uống”.

“Tôi vẫn nhớ trận đấu giữa tuyển Việt Nam và tuyển Malaysia, có một bạn chuẩn bị cả một mẹt bún đậu mắm tôm để thưởng thức. Có nhiều bạn chuẩn bị cả bia nhưng miễn sao mọi người thực hiện giãn cách và thoải mái tại nhà là được”, anh Tuấn kể.

Món ăn anh Tuấn chuẩn bị khi trận đấu nghỉ giữa hiệp

Ảnh: NVCC

Anh chàng 29 tuổi chia sẻ: "Trong suốt trận đấu ai có gì dùng đó, lâu lâu cũng “1, 2, 3, dô” rồi mọi người cùng nâng ly, đưa lên gần camera rồi uống. Việc cảm xúc qua từng pha bóng, từng pha phạm lỗi, niềm vui, nỗi buồn không thể nào có thể so sánh được với trực tiếp gặp nhau. Tuy nhiên, gặp nhau trực tuyến như thế này cũng mang lại một cảm giác khá lạ lẫm nhưng cũng khá thú vị".

Ăn cùng nhau qua họp trực tuyến

Ảnh: NVCC

“Giai đoạn cầu thủ nghỉ giữa hiệp thì khán giả trực tuyến cũng nghỉ. Với 15 phút ấy thì không có gì thích hợp bằng mì gói và cũng có thể chế biến theo nhiều cách như: mì nước, mì xào... Các nguyên liệu có thể kèm theo như: bắp cải, hành lá, trứng gà, thịt bò, xúc xích… hoặc bất cứ thứ gì mà tủ lạnh bạn có”, anh chàng ở TP.HCM hưỡng dẫn.

“Và một bước cuối cùng nữa không thể thiếu đó là khoe thành phẩm lên nhóm họp trực tuyến cho mọi người trầm trồ”, anh Tuấn cười lớn và nói.

Được tràn cười nghiêng ngả

Việc học trực tuyến đã khá gần gũi với các bạn học sinh, sinh viên trong khoảng thời gian này, nhưng đối với anh Tuấn lại là lần đầu tiên. Lúc đầu, các thành viên còn lúng túng nhưng chỉ sau vài thao tác thì cũng quen với tham gia họp trực tuyến.

Anh Tuấn cho biết lần đầu tiên tổ chức xem trực tuyến giúp anh có thể kết nối niềm đam mê bóng đá với mọi người dù chỉ qua màn hình. "Mọi người chấp hành đúng chủ trương về việc thực hiện giãn cách xã hội. Dù ở bất cứ nơi, các bạn, kể cả cậu em ở Campuchia, chỉ cần có kết nối mạng ổn định thì sẽ cùng thỏa sức đam mê bóng đá cùng đội tuyển Việt Nam", anh Tuấn nói.

Anh Tuấn và cầu thủ Công Vinh

Ảnh: NVCC

Anh Tuấn hài hước kể tiếp: “Tôi không rõ đường truyền chậm hay lý do nào. Đôi lúc, chúng tôi và người em ở Campuchia xem cùng trận đấu bóng đá của đội tuyển Việt Nam trên kênh YouTube, nhưng phía bên kia chậm hơn chúng tôi ở Việt Nam gần 10 giây. Do đó, mỗi lần đến khoảnh khắc hồi hộp hoặc tuyển Việt Nam đá vào thì bên đây cả nhóm đang cỗ vũ ăn mừng nhưng phía người em cùng một số bạn khác ngơ ngác không biết việc gì đang xảy ra, mãi đến gần 10 giây sau, bên đó mới có tiếng của bình luận viên hô... vào! và mọi người ăn mừng. Nhóm bên đây được tràn cười nghiêng ngả với sự cố trễ nhịp này”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.