‘Hối lộ thần linh’ để… thi đỗ tốt nghiệp THPT !

07/07/2021 09:00 GMT+7

Năm tờ 2.000 đồng, một bó hương, hộp bánh đậu xanh… đểu, ba xấp vàng mã, cây đèn dầu… tổng chi phí hết chưa đầy 70.000 đồng, nhưng gửi gắm trong ‘bạc lẻ’ ấy là ước mong… đậu kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bên ngoài cổng khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, những ngày qua chộn rộn với hình ảnh sĩ tử chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khác với mọi năm, do dịch covid-19, khu di tích này không mở cửa, vậy là cảnh cầu cúng, khấn vái lại diễn ra nườm nượp bên hai tòa bia ven đường Quốc Tử Giám.

Nhang khói nghi ngút, trái cây đuề huề trước tấm bia Hạ Mã góc Văn Miếu, Nguyễn Khuyến

Ở góc độ di tích, đây là hai tấm bia đại tự bằng chữ Hán, nội dung: “Hạ Mã”, nghĩa là xuống ngựa. Tương truyền bia được Thượng thư Bộ công, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Hoản cho dựng năm 1771. Nhiều di tích nơi tôn nghiêm như đình, chùa cũng thường gặp bia này, hàm ý nhắc nhở người đời khi đến phải xuống ngựa biểu thị lòng tôn kính các bậc tiên thánh, tiền hiền. Nói cách gần gũi hơn, tấm bia Hạ Mã chính là biển báo vẫn dùng nơi cơ quan, công sở, ấy là: “Xuống xe dẫn bộ”.

Có gia đình cả anh, em, mẹ cùng đi thắp hương khấn cho anh thi đỗ.

Các dịch vụ ăn theo sĩ tử

Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong ngày 7 - 8.7, càng cận ngày thi, sớm tối lượng sĩ tử tụ về luôn đông đúc hai bên khu Tiền án của di tích. Các dịch vụ phát sinh, phục vụ việc cúng cầu của sĩ tử được một nhóm người vận hành, bán hoa cúng, nhang, đèn, đổi tiền lẻ, sắp sẵn ghế nhựa trước bia Hạ Mã để sĩ tử và gia đình đặt đồ cúng.
Đến Văn Miếu chiều 4.7, đồng hồ chỉ gần 18 giờ, cả hàng xe máy dài xếp bên tường rào, người đứng chen nhau trước hai tấm bia Hạ Mã, tay chắp, mắt lim dim, miệng lầm rầm khấn vái. Ở khu bia có kiến trúc thấp và nhỏ hơn so với nhà bia còn lại, đứng tần ngần cạnh nhà bia, chị cho biết tên Hà, bắt chuyện xởi lởi: “Chú có đồ lễ chưa, cần mua hương, vàng mã vái vọng các cụ em có sẵn đây, bánh kẹo, hoa quả đủ hết. Chỗ này vái vọng không cần sắm lễ nhiều chú ạ, chủ yếu là lòng thành. Giờ còn vắng, tí giời mát, các cháu đến đông lắm, không có chỗ xắp lễ đâu”.

Chuẩn bị đồ lễ, lòng thành hay là cách hối lộ tâm linh?

Cùng lúc, người mẹ trẻ đưa cô con gái đến gần, tay bới bới mấy túm hoa úa đặt bên tường rào, hỏi giá bó quỳ hồng đã thâm đầu cánh: “Chục này bao tiền?”, giá đưa ra là 100.000 đồng. Loanh quanh chê đắt, cuối cùng khách chỉ chốt đơn bó hương, cặp đèn, ít vàng mã, đổi thêm 10.000 đồng tiền lẻ theo “mệnh giá đổi tiền” 15.000 đồng ăn 10.000 đồng, gồm năm tờ 2.000 đồng mới cứng, vừa bóc khỏi cọc. Lễ vật chỉ có thế, Hà giúp hai mẹ con sĩ tử bày lên chiếc đĩa nhựa được lôi sẵn từ trong cái giỏ dã chiến, xòe 5 tờ tiền, đặt mớ vàng mã lên trên mấy tờ tiền, bó hương chắn lên cùng… vậy là đủ.
Đồ lễ đơn sơ, nhưng gửi gắm khát vọng to lớn đầu đời, ấy là qua được kỳ thi tốt nghiệp THPT trước mắt. Theo dõi hoạt động khấn vái ở hai tấm bia Hạ Mã, dù cùng nội dung như nhau, nhưng nhà bia có kích cỡ to đẹp hơn ở ngay góc ngã tư Văn Miếu – Quốc Tử Giám, lại nhộn nhịp nhang đèn hơn, đồ cúng nơi tấm bia này cũng hoành tráng hơn, tiền mã dày cả xấp, hoa quả, nhang đèn, cho đến mệnh giá tiền cũng cao hơn hẳn với những tờ mệnh giá 20.000 đồng, 10.000 đồng, 5.000 đồng la liệt. Góc bia này lại có đội ngũ 3 cụ bà cao tuổi án ngữ, bán các thứ phục cụ cho sĩ tử bày mâm cầu cúng.

10.000 đồng và một bó nhang để lời khấn thêm… linh thiêng chăng?

Ở trước mỗi tấm bia Hạ Mã, Ban quản lý di tích đặt tấm biển rõ tên gọi, và đề nghị không đặt hoa, đồ lễ, thắp hương tại bia. Nhưng có vẻ vô tác dụng. Lúc cao điểm, đếm sơ lượng người tụ tập và xe cộ, phải trên trăm. Hết từng đợt khấn vái xong, lùi ra bên tường rào, lại một đợt sĩ tử khác tràn vào, trên tay cầm cây hương, bày lễ cúng, hướng về bia, vái lạy, rồi lầm rầm khấn, còn cầm cả giấy báo thi để cúng xong, đem hóa vàng giúp tăng phần linh thiêng, cho thánh “độ” đúng người, đúng địa chỉ!?

Mê tín và mù quáng

Tám chuyện với anh xe ôm ngồi góc Văn Miếu – Quốc Tử Giám về hoạt động nhộn nhịp của sĩ tử, anh làu bàu: “Đông lắm ông ạ, sáng sớm và chiều muộn là đông nhất, Phường dẹp đủ kiểu không ăn thua”. Gặp Tuấn - học sinh trường Q.T cũng trên địa bàn quận Đống Đa, đến Văn Miếu với nhóm bạn 3 người chung lớp thắp hương khấn thi đỗ, hỏi cậu chuyện học hành, thi cử, cậu vui vẻ bảo: “Dịch nên em chỉ ở nhà, học trực tuyến, ôn luyện kỹ rồi, cũng không có gì ngại, mẹ giục em đi khấn lấy may mắn thì em đi thôi”. Hỏi Tuấn có biết gì về hai tấm bia không? Cậu thành thật trả lời: “Không ạ, thấy mọi người đứng đông ở đâu thì bọn em làm theo”.

Ghế nhựa được bày sẵn ngay tấm bia cấm để vật cúng, thắp hương trước bia Hạ Mã

Trước ngày thi, sớm 6.7, lượng sĩ tử đổ về Văn Miếu đông hơn hẳn, lực lượng chức năng Phường Quốc Tử Giám vất vả đi vận động sĩ tử và người thân giải tán tránh tụ tập trước Văn Miếu. Hai tòa bia cũng được dựng biển che chắn, nhưng từng đoàn sĩ tử vẫn tay hương, tay hoa trái, vàng mã, nước ngọt… xếp hàng chen nhau chờ đến lượt được đặt lễ lên trước bia Hạ Mã. Một cán bộ trật tự áo mướt mồ hôi bảo: “Có người đến là chúng tôi nhắc nhở nhưng họ cố đặt lễ, cắm hương, khấn vái rồi mới về”.
Lượng sĩ tử tụ tập ngày càng đông, Ban quản lý Văn Miếu phải kết hợp lực lượng công an Phường, cắt cử cán bộ đi vận động, giải thích cho sĩ tử giải tán: “Các con tập trung học hành, cố gắng phấn đấu, đến giờ là tốt rồi, chỉ còn một ngày nữa là thi tốt nghiệp THPT, các con lo về giữ gìn sức khỏe. Hai tấm bia này là nghĩa xuống ngựa, chỉnh đốn trang phục trước khi vào di tích. Đây chỉ là nơi nhắc nhở, không phải thờ tự hay thắp hương như các con đang làm, các con làm vậy là vô hình chung trái truyền thống, không hiểu gì về di sản, di tích, là sai, là cổ súy cho mê tín”.

Dù biển cấp tụ tập trước bia Hạ Mã, phụ huynh và sĩ tử cố đặt tiền lẻ vào mâm cúng trước ngao ngán của cán bộ Phường

Đến gần trưa, tình hình khả quan hơn, các sĩ tử đi theo nhóm, không có gia đình đi kèm, khi nghe giải thích đã nhanh chóng rời khỏi Văn Miếu. Nhưng với những sĩ tử được “hộ tống” bởi phụ huynh, phần đa cố nán lại, hoặc né tránh lực lượng chức năng để tiếp tục khấn vái trước tấm bia Hạ Mã.
Khi được yêu cầu di chuyển khỏi khu vực nhà bia, một bà mẹ đưa con sang bên kia đường viết lên tấm giấy họ tên, số báo danh, ngày thi, rồi kẹp vào đống tiền mã, ngó trước ngó sau đem đến đặt vào trước bia, cắm cây hương lui ra một góc đợi cho hương gần tàn, chạy lại nhặt xấp vàng mã đem hóa một góc xa gần ngã tư Tôn Đức Thắng. Chị bảo: “Cho cháu nó tự tin em ạ, có thờ có kiêng, có thiêng có lành, mất mát gì đâu”.
Giữa trưa, một gia đình với bố - mẹ và con đi xe máy dừng ngay trước bia, lập tức được nhắc nhở, giải thích ý nghĩa của tấm bia và mời di chuyển. Người bố chạy xe qua bên đường né tránh, người mẹ ậm ừ dắt con đi vài bước, mở ví lôi ra cọc tiền mới cứng mệnh giá 1.000 đồng, rút vội vài tờ dúi tay con rồi cả hai nhanh chân đặt vào mâm cúng trước tấm bia trước lắc đầu ngao ngán của những người đang làm nhiệm vụ đôn đốc, nhắc nhở giãn cách. Khi được yêu cầu di chuyển, người mẹ bảo: “Đã đến đây rồi, các chú cho cháu nó khấn vọng tí, mai cháu thi rồi”. Nói xong, cả hai mẹ con chắp tay, nhắm mắt, hướng lên tấm bia Hạ Mã đầy thành kính, kệ sự đời.

Cán bộ Văn Miếu và lực lượng Phường Quốc Tử Giám giải thích cho các sĩ tử không cầu cúng trước bia Hạ Mã

Nhìn cách cúng cầu nơi hai văn bia Hạ Mã, có phụ huynh tai nghe điện thoại, tay vừa cắm hương miệng ra rả nói chuyện, những đứa con đi theo cũng chỉ là làm cho xong chuyện, cho qua việc, lẽo đẽo đứng phía sau quan sát, phụ huynh chắp tay vái thì làm theo. Có phụ huynh còn giúp con em cầm cả xấp đề thi tốt nghiệp THPT mang theo, chắp tay trước tấm bia Hạ Mã để cầu cho thi được… trúng đề.
Kết quả một kỳ thi, liệu có tốt khi trông đợi vào những cúng bái rồi mong nhận lại may mắn nhờ vào những lễ vật (đầy hời hợt) bề ngoài trước một tấm biển “Xuống xe dẫn bộ”? Những sĩ tử kỳ thi tốt nghiệp THPT, người của tương lai sẽ ra sao khi việc hệ trọng chỉ biết dựa vào cầu, cúng, và may mắn? 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.